Ra Tết, cả làng xuất ngoại làm ăn

Thứ tư, 12/02/2014 10:31

(Cadn.com.vn) - Mặc dù thời gian gần đây, tình hình chính trị ở Thái Lan diễn ra bất ổn giữa các đảng phái nhưng người lao động Việt làm việc tự do ở Thái vẫn biết cách xoay xở kiếm được "bộn Tiền" về quê ăn Tết... ra Tết, họ lại lũ lượt sang Thái làm ăn.

Cả làng xuất ngoại  

Những ngày đầu Xuân 2014, khi Tết nguyên đán vừa kết thúc chúng tôi về xã Mỹ Lộc, H. Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nơi được xem là địa phương có tỷ lệ người dân sang Thái Lan làm ăn nhiều nhất ở tỉnh này. Đâu đâu cũng thấy không khí nhộn nhịp, hối hả của những dòng người chuẩn bị để lên xe "xuất ngoại" làm ăn sau một tuần về quê ăn Tết cổ truyền. 

Một lãnh đạo UBND xã Mỹ Lộc xác nhận, toàn xã có 7 xóm thì đã có tới 3 xóm người dân chủ yếu sang Thái Lan làm ăn.

Các xóm có tỷ lệ "nhà nhà đi Thái, người người đi Thái" gồm: Trại Tiểu, Nhật Tân và Đại Đồng. Trong đó Trại Tiểu là nơi người dân đã có lịch sử sang Thái làm ăn hơn 10 năm nay. Điển hình cho việc "nhà nhà đi Thái" gồm các hộ Đặng Đình Quý, Đặng Việt Dũng, Đặng Chiên, Đặng Chính, Trần Hựu, Đặng Hựu...

Anh Trần Đình Sơn, người có hơn 10 năm sinh sống và làm ăn ở Thái chia sẻ: "So với việc đi xuất khẩu lao động sang các nước khác làm ăn thì đi Thái đối với những người như chúng tôi vẫn là thích hợp nhất. Đi các nước khác trước mắt phải bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn, có khi cả mấy trăm triệu đồng.

Trong khi đó người đi cũng không biết được rồi đây công việc của mình sẽ ra sao, làm ăn có ổn định không. Còn đi Thái chỉ cần làm tấm hộ chiếu rồi có vài triệu đồng trong túi là có thể kiếm việc một cách dễ dàng. Hơn nữa làm lao động phổ thông (tự do) ở Thái rất thoáng".

Chính nhờ những chuyến "xuất ngoại" sang Thái mà cuộc sống của người dân xã này giàu có và trù phú lên từng này. Điều này được thể hiện qua những ngôi nhà khang trang, những vật dụng, tiện nghi đắt giá... Ông Trần Văn Chương (65 tuổi) ở xóm Đô Hoàng cho biết, sau khi ăn Tết xong cứ ra rằm tháng Giêng (15-1 AL) số người dân ở lại trong xóm chủ yếu là trẻ con, người già và phụ nữ đã có chồng, còn hầu như đàn ông và thanh niên đã bắt đầu rời quê sang Thái làm ăn ở các tỉnh như Chonburi, Na Khon Pathon, và đặc biệt là ở Bangkok.

Cũng theo những người đi Thái cho biết, do tìm việc lao động phổ thông ở Thái khá thoáng, nên người Việt sang Thái chủ yếu làm việc theo kiểu thời vụ, xong việc này là "nhảy" tìm việc khác và đều đi dưới dạng hộ chiếu du lịch. "Tuy là lao động chui nhưng do dân mình sang bên đó đều tu chí làm ăn, không gây gổ nên các cơ quan chức năng bên đó cũng có cái nhìn thiện cảm.

Ngoài ra, các chủ bên đó cũng không phân biệt người Việt với người Thái. Dù là lao động chui nhưng chủ người Thái không bao giờ ép công, bớt công đối với lao động phổ thông người Việt", anh Nguyễn Văn Hòa, một Việt kiều làm việc ở Thái tâm sự.

Nhờ đi Thái làm ăn mà ông Đặng Chính (xã Mỹ Lộc, H. Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh)
và những người con đã xây dựng được một cơ ngơi bề thế.

Áo nâu chí thú làm ăn  

Nói về vấn đề tình trạng biểu tình, xung đột xảy ra liên miên ở Thái trong thời gian qua có ảnh hưởng đến người lao động Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở Thái hay không... hầu hết những người đi làm việc ở Thái về cho biết, sự bất ổn về chính trị ở Thái không ảnh hưởng gì đến người lao động Việt Nam tại nước này. Việc biểu tình là xung đột giữa các đảng phái đối lập với nhau.

Chỉ có những người trong tổ chức các đảng phái ấy mới tham gia biểu tình, còn người dân vẫn làm ăn bình thường. "Do việc làm ăn của người dân Thái vẫn diễn ra bình thường nên số người dân ở xã Mỹ Lộc làm lao động phổ thông ở Thái sau khi đã hồi hương ăn Tết, đến ngày mồng 6 (AL) họ đã trở lại sang Thái hơn quá nửa. Mình là dân lao động áo nâu, không phải áo đỏ áo vàng, mình không động đến ai thì cũng không ai động đến mình, cứ việc chí thú làm ăn thôi", anh Hiếu cho biết thêm.

Theo ông Trần Đình Cường,  Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, toàn xã có hơn 2.000 người đang đi làm ăn ở Thái Lan, trong đó có khoảng 1.000 người đã làm ăn lâu năm nên thu nhập rất ổn định, mang tiền về quê hương xây nhà, sắm sửa, tậu ruộng vườn... góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo, làm đổi thay bộ mặt của địa phương.

Thân Ba