Rời đi, để lại

Thứ năm, 21/06/2018 11:41

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley ngày 20-6 tuyên bố, Washington chính thức rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, cơ quan nhân quyền liên chính phủ đầu tiên ở cấp độ toàn cầu, cáo buộc cơ quan này phân biệt đối xử đối với Israel - một đồng minh thân cận của Mỹ - và thất bại trong việc tố cáo những người vi phạm nhân quyền.

“Chúng tôi đưa ra quyết định này vì cam kết của chúng tôi không cho phép chúng tôi tiếp tục là một phần của một tổ chức đạo đức giả và tự mãn vốn giễu cợt nhân quyền”, Ngoại trưởng Mike Pompeo ở Washington, bà Haley nói tại cuộc họp báo. Trước đó, khi được hỏi về quyết định trên của Mỹ trước khi có công bố chính thức, người phát ngôn LHQ ông Stephane nói: “Rõ ràng Tổng thư ký rất tin tưởng vào kết cấu nhân quyền của LHQ và sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên vào kết cấu này”.

Sở dĩ Mỹ chỉ trích Hội đồng Nhân quyền LHQ là do Israel là quốc gia duy nhất “chiếm riêng” một đề mục (gọi là đề mục 7) trong chương trình nghị sự của tổ chức này, theo đó cách hành xử của Tel Aviv tại những vùng đất Palestine bị chiếm đóng là chủ đề được thảo luận tại các phiên họp hằng năm của tổ chức.

Tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền) – cơ quan gồm 47 thành viên có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ - đã chỉ trích quyết định trên của Mỹ. Tuy nhiên, động thái này là rõ ràng không có gì bất ngờ. Bởi đây là kết quả của nhiều tháng đe dọa của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Và nó cũng được đưa ra chỉ một ngày sau khi Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) chỉ trích ông chủ Nhà Trắng vì chính sách nhập cư đã chia tách hàng ngàn trẻ em khỏi cha mẹ ở ngay biên giới Mỹ-Mexico. OHCHR cho rằng, đây là hành động “không thể chấp nhận được”.

Động thái của Mỹ ngay lập tức khiến hàng chục nhóm từ thiện phản đối gay gắt. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi động thái này, cảm ơn ông Trump và bà Haley vì “quyết định dũng cảm chống lại đạo đức giả và những lời dối trá của cái gọi là Hội đồng Nhân quyền LHQ”.

Thực tế, việc Washington vắng mặt tại cơ quan này sẽ đẩy trách nhiệm lên các chính phủ khác giải quyết những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng nhất của thế giới. Mỹ đã từ chối tham gia Hội đồng Nhân quyền khi cơ quan này được thành lập vào năm 2006, khi ông George W.Bush là ông chủ Nhà Trắng và Đại sứ của ông tại LHQ là ông John Bolton, một người có quan điểm cứng rắn, hoài nghi LHQ và hiện giữ vai trò cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump. Đến năm 2009 khi ông Barack Obama lên cầm quyền, Washington gia nhập hội đồng này, và giờ lại rời đi.

THANH VĂN