Rủ nhau đi bứt "lộc" rừng
Khi cái rét lạnh vẫn còn bủa vây tuyến QL14G, nhiều chiếc xe máy đã lướt nhanh qua địa bàn xã Hòa Phú (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) để lên các vùng cao Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) bứt đót, rồi đến cuối ngày từng bó đót lại được các chủ nhân xe máy đó đèo ngược xuống. Vào những ngày đầu vụ, họ còn bứt đót ở những khu vực ven đường, ven rẫy, nhưng khi bông đót ở gần vơi đi thì họ dần tiến sâu vào những cánh rừng xa hơn, cao hơn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn hơn...
Sau một ngày vất vả, các lao động chở từng bó đót về xuôi. |
Anh Lê Hữu Cần (trú xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, năm nào cũng vậy, khi vụ lúa Đông - Xuân gieo cấy tạm ổn thì công việc nhà anh giao lại cho vợ con, còn anh tranh thủ lên rừng bứt đót. Cuối năm tiết trời nắng dịu, thuận lợi cho việc khai thác đót. Có nhà cả gia đình kéo nhau đi bứt đót, mỗi ngày được gần tạ đót chứ không ít. Sáng đi thật sớm tới xế chiều thì anh được chừng 25 - 30kg đót, mang về bán lại cho tư thương với giá 6 ngàn đồng/kg (đót tươi). Đót năm nay tuy ít nhưng lại dày, non và đẹp nên các chủ mua trả giá cao hơn, người thu mua lại nhiều nên dễ bán. Bứt đót vất vả lắm, nhưng đây là "lộc" rừng cả năm mới có một lần nên không ai muốn bỏ lỡ cơ hội này.
Đót là loại cây mọc tự nhiên trên các vùng núi, đồi. Cây đót chủ yếu dùng để làm các loại chổi, một số mặt hàng mỹ nghệ. Ngoài bông đót dùng làm chổi thì phần cây còn được dùng làm cành cắm hoa khô... Vì thế, cây đót là loại cây hữu dụng đối với người dân vùng cao. Mùa đót thường bắt đầu vào tháng Chạp và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau, mỗi năm mùa đót chỉ có một lần. Việc lên rừng bứt đót tuy dễ làm, không tốn nhiều sức chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ và bất cứ ai cũng có thể làm được. Để có thể bứt được những nhánh đót non, nặng trĩu bông có khi họ phải trèo lên những vách núi chênh vênh, trơn trượt. Thông thường, một ngày lên rừng bứt đót được bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng, khi sương núi còn giăng kín trên những sườn đồi và để có một ngày lao động hiệu quả thì họ còn phải chuẩn bị cơm ăn, nước uống, các vật dụng cần thiết cho một buổi trèo đèo, lội suối...
Theo già Cơ Tu Đinh Văn Sum (trú xã Hòa Phú), trước đây, vùng giáp ranh này với H. Đông Giang là đồi núi hoang vu, nhiều cánh rừng lau lách, trong khi bà con nơi đây chỉ biết làm nương, đốt rẫy. Nhìn những triền đót bạt ngàn cao lút đầu trên non và nhiều người dân dưới xuôi lên đây bứt đót về bện thành chổi đem bán. Lúc đầu, chỉ làm chổi vào thời điểm đót trổ bông với số lượng ít rồi đem đi bán dạo, kiếm tiền đong gạo. Dần dần, phát triển nghề làm chổi thành nghề chính của gia đình, gom đót nguyên liệu dự trữ để đủ làm quanh năm, bỏ mối nhiều nơi nên cây đót ngày càng thưa dần. Cứ đến mùa đót thì người dân rủ nhau đi bứt "lộc" rừng. Dù cực nhọc, nhưng bà con vẫn vui, bởi họ có thêm thu nhập, có đồng ra đồng vào để mua sắm thêm vật dụng sinh hoạt. "Hơn chục năm trước, rừng còn nhiều cây đót lắm nhưng giờ người ta phát rừng trồng keo, đầu tư các dự án du lịch sinh thái hết rồi nên nhiều năm nay, dân làng mình muốn bứt đót phải đi xa lắm, lên tận vùng cao không dễ chút nào", già Sum trải lòng.
Có người đi bứt đót, thì cũng có người thu mua bông đót, bà Nguyễn Thị Hạ (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) chia sẻ, mỗi sáng, ô-tô của gia đình chở hàng hóa cho các bạn hàng từ chợ Túy Loan lên núi, sau đó, rảo quanh các buôn làng tìm nguồn hàng chở về xuôi. Mỗi ngày thu mua cũng gần tấn đót tươi, sau đó phơi khô, lựa chọn thành phẩm rồi nhập cho các cơ sở sản xuất chổi đót được giá hơn. Được mùa, được giá, đót rộn ràng khắp mọi nẻo đường đổ về những địa điểm thu mua, có khi nằm ngay bên đường, hay ở sát bìa rừng. Mùa đót chỉ kéo dài hơn 1 tháng, nên hầu như người dân vùng cao đều tranh thủ kiếm thêm nguồn thu nhập, trang trải cho cuộc sống gia đình khi Tết đến, xuân về.
VY HẬU