Rừng tan hoang vì dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững” (Bài 1: Rừng xanh thành… bãi than)

Thứ hai, 02/10/2017 12:32

Ngay sau khi dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững” (dự án KFW6) do chính phủ Đức hỗ trợ kết thúc, phần lớn diện tích rừng trong tổng số 1.992,59ha được giao cho 1.424 hộ dân tại 4 xã thuộc H. Nông Sơn, Quảng Nam đã bị phá tan hoang. Nhiều cánh rừng xanh bạt ngàn trước đấy đã bị người dân chặt phá, đốt cháy để trồng keo. Kiểm lâm (KL) xót xa vì không thể quản lý, chính quyền cũng đau đầu không tìm ra phương án xử lý trong khi rừng tiếp tục bị chính những người tham gia dự án “san phẳng”.

                                                          -----------------------------------

Theo thông tin do người dân tại địa phương cung cấp, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã tiếp cận nhiều cánh rừng thuộc xã Quế Ninh, Quế Phước, Quế Trung, Phước Ninh của H. Nông Sơn để tìm hiểu câu chuyện sau bảo vệ rừng là… phá rừng. Hầu hết những diện tích rừng bị phá thường nằm tiếp giáp với các rừng keo do người dân trồng để phát triển kinh tế. Bên cạnh những khu rừng bị đốt cháy đang trong giai đoạn chờ mưa để gỗ mùn phân hủy, nhiều khu đã được trồng keo lá tràm ngay bên cạnh những cây thân gỗ lớn đã bị cưa chỉ còn lại gốc.

Tại thôn Mậu Long 1 (thuộc xã Quế Ninh), sau gần 1 giờ đồng hồ vừa đi xe máy vừa lội bộ, chúng tôi có mặt tại Tiểu khu 411, nơi mà theo KL địa bàn thì mới cách đây khoảng 1 tuần còn nguyên vẹn thì nay đã trọc trơn. Theo người dân, khu rừng này vốn có các loại cây như dó bầu, sao đen, lim xẹt, dầu rái, xoan ta, cả gỗ chua, dổi và nhiều loại khác thuộc nhóm 3. Cạnh các loại cây bị đốt cháy nằm la liệt ở chân núi, phía trên sườn và đỉnh có nhiều gốc cây đường kính tới 60cm còn vết cưa tươi rói. Cũng trong tình trạng tương tự, các Tiểu khu 440, 437, nhiều quả đồi nằm tiếp giáp nhau cũng được các hộ dân tham gia dự án “Khôi phục và quản lý rừng bền vững” phá tan hoang để trồng keo. Ông Phạm Tám - Phó ban Nông nghiệp xã Quế Ninh dẫn chúng tôi đến một khu rừng mà một bên còn rừng, một bên đã thành bãi cháy, nhìn tựa như mái tóc mới cắt được một nửa.

Theo ông Tám, trong khi đang tiếp cận hiện trường của khu rừng này thì rất có thể người dân tham gia dự án đang chặt phát hoặc đốt rừng ở một vị trí khác. Tình trạng này diễn ra gần 2 năm nay nhưng vì phạm vi rộng lớn, lực lượng chuyên môn của địa phương và cơ quan KL địa bàn không thể quán xuyến hết. “Cánh rừng này đây, mới tuần trước khi phát hiện người dân có ý định chặt hạ, đốt thực bì và cây tạp, chúng tôi đã lập biên bản. Họ cũng cam kết giữ nguyên hiện trạng, không tác động vào rừng nhưng giờ quay lại thì chỉ còn đồi trọc, cây lớn cây nhỏ gì cũng bị hạ hết rồi. Xảy ra nghiêm trọng thế nhưng cùng lắm chỉ lập biên bản rồi nhắc nhở chứ không có chế tài xử lý. Những diện tích rừng bị phá đều có sổ đỏ giao cho dân. Mong chính quyền huyện và tỉnh sớm có phương án để bảo vệ chứ không rừng bị phá hết” - ông Tám kiến nghị.

Trong khi đi thực tế, chúng tôi gặp từng tốp người mang theo rất nhiều dụng cụ như rựa, cưa lốc và cả thức ăn ngồi ở các khu rừng có những cây lớn được đánh dấu đỏ như để khoanh vùng dự án. Khi được hỏi, hầu hết họ trả lời là đi bắt tổ ong, lấy làm dầu rái, nhưng cũng có nhiều người nói thẳng là phát cây rừng để trồng keo. Hỏi vì sao làm chuyện ngược đời như vậy thì họ trả lời hồi trước tham gia dự án thì hằng tháng được trả tiền, giờ dự án kết thúc thì hết tiền nên phải tranh thủ trồng keo để thu hoạch chứ có cái sổ đỏ trong tay mà không làm gì để phát triển kinh tế thì phí. “Hồi trước mỗi tháng người ta trả cho khoảng 400 ngàn đồng/ha, giờ dự án không còn nữa, chẳng lẽ cầm cái sổ đỏ ngồi không. Thấy người ta đốt rồi trồng keo lên xanh mướt, mình không làm cũng nóng ruột. Nói thẳng là chẳng ai cho phép cả nhưng rồi ai cũng làm. Mà rừng ở đây làm gì có gỗ quý mà các chú nghiêm trọng thế” - ông Cát - chủ sổ đỏ của một khu rừng vừa đốt còn thơm mùi gỗ phân bua.

Theo ông Phạm Tám, Quế Ninh là xã có số hộ tham gia dự án lớn nhất với diện tích rừng nhiều nhất (693 hộ được giao 974ha rừng để khoanh nuôi tái sinh tự nhiên bảo vệ, khoanh nuôi có trồng bổ sung và trồng mới). Và vì thế, đây cũng là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất bởi “trào lưu” phá rừng để trồng keo. Tiếp đó là xã Phước Ninh với 360 hộ/499ha, Quế Trung 277 hộ/412ha và Quế Phước có 94 hộ với 106ha. Lý giải chuyện phá rừng công khai, ông Lê Văn Mạnh - KL địa bàn xã Quế Ninh cho biết, mỗi cán bộ KL phụ trách địa bàn quá rộng lớn, có nơi mình biết họ chuẩn bị phá thì kịp thời lập biên bản xử lý nhưng mình ở nơi này thì họ phá nơi khác. Có nhiều khu rừng, hôm nay mình tuần tra thì còn xanh nhưng bữa sau trở lại thì cây lớn đã bị chặt hạ, cây nhỏ đã bị đốt. “Nói thật là chính quyền và ngành KL biết hết, nhưng gần như chỉ dừng lại ở mức lập biên bản thôi chứ không có chế tài xử lý, dự án đã kết thúc nhưng sổ đỏ thì còn trong tay người dân. Chúng tôi cũng xót lắm. Ngành KL và chính quyền huyện cũng đã có báo cáo và đề xuất UBND tỉnh sớm có phương án. Chứ không tình trạng này kéo dài thì rừng bị phá hết. Người dân phát triển kinh tế từ rừng thì chính đáng thôi, nhưng không phải bằng cách này. Tình trạng này mà kéo dài thì rừng bị phá hết” - ông Mạnh cho biết.

(còn nữa)

CÔNG KHANH - HỒNG THANH