Sâm Ngọc Linh - chuyện bây giờ mới kể (4)
* Kỳ 4: Báo động nạn trộm cắp sâm, lừa đảo sâm
(Cadn.com.vn) - Già làng Hồ Văn Suốt ở làng Tak Ngo, Trà Linh, Nam Trà My kể, cách đây mấy chục năm, cái thời sâm tự nhiên còn mọc đầy trên núi Ngọc Linh, người dân đi rừng nhổ về cả gánh, giữa đường nặng quá vứt bỏ bớt xuống suối... Sâm mang về cho trâu, bò, heo ăn, vứt vung vãi đầy làng... Nhưng bây giờ, mỗi củ sâm là một cục vàng thật sự, vườn sâm được bảo vệ nghiêm ngặt, ngay người trong làng nếu không được phép cũng không thể bước vào vườn sâm nhà khác, người lạ còn không được phép bước vào rừng...
Người dân Trà Linh mua lưới thép lên núi rào vườn sâm. |
Tôi đã qua nhiều làng Xê Đăng trên sườn núi Ngọc Linh, có thể khẳng định, cây sâm Ngọc Linh đã thật sự gắn với đời sống của bà con nơi đây, nhưng hỏi chuyện thì bà con dè dặt lắm! Ở làng Tak Ngo, Hồ Văn Đoàn-nhân viên Trạm sâm giống của huyện "tiết lộ": "Nhà Bí thư Chi bộ thôn trồng 2.000 cây sâm đấy...". Nhưng hỏi chuyện, Bí thư Hồ Văn Lang nói "Có 100 cây thôi...!?". Hỏi già làng Hồ Văn Suốt, già cũng trầm ngâm: "Ít lắm, 500 cây thôi !?". Kỳ thực già Suốt là "đại gia" ở Tak Ngo với vườn sâm hơn 3.000 cây, trị giá hàng trăm triệu đồng. Ở vùng núi Ngọc Linh, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, ruộng nương trồng lúa, bắp, sắn của đồng bào Xê Đăng mùa nào cũng tốt tươi, bà con hầu như ít bị thiếu đói về lương thực, vào nhà nào cũng thấy ủ đầy những chóe rượu nếp thơm lừng...
Nhưng vùng núi Ngọc Linh này vẫn là nơi nguyên sơ nhất trên dải Trường Sơn-Tây Nguyên, bằng chứng là đến hầu như thôn làng nào cũng mất nửa ngày đi bộ, trong mỗi ngôi làng Xê Đăng ấy còn tồn tại vô vàn những hủ tục như, ốm đau bà con vẫn tổ chức cúng bái, sinh đẻ người phụ nữ vẫn tự ra rừng ra rẫy ở cữ, mỗi năm có hàng chục lễ hội... Nào là cúng mừng lúa mới, cúng ăn lúa cũ, cúng tỉa rẫy, đám cưới, đám ma, cúng mùa trăng, cúng mưa, đâm trâu... Mỗi lễ cúng ấy tốn kém nhiều tiền bạc, tất cả là từ tiền bán sâm. Ông Hồ Văn Lang cho biết, lễ cúng nhỏ tốn vài ba triệu đồng, chỉ việc lên vườn nhổ vài củ sâm là có ngay, lễ cúng lớn, như đâm trâu, tốn đến cả vài chục triệu đồng, nhổ một cân sâm về là ổn...
Cây sâm phục vụ đắc lực cho đời sống nên bà con rất quý, nhưng cũng kéo theo đó là tình trạng trộm cắp sâm bắt đầu bùng phát. Năm 2013, ông Hồ Văn Phong ở Măng Lùng ky cóp, cần mẫn gần chục năm trời trồng được 1.000 cây sâm, chỉ trong một đêm bị kẻ trộm nhổ sạch, mất trắng mấy trăm triệu đồng. Đầu năm 2014, già làng Hồ Văn Suốt ở Tak Ngo bị Hồ Văn Hùng trú cùng thôn nhổ trộm 2,4 kg sâm, bắt được đối tượng, nhưng toàn bộ sâm đã bị Hùng giấu xuống suối làm thối rữa, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Đầu năm 2015, ở Tak Ngo, Hồ Văn Giáp nhổ trộm 4kg sâm của Trạm sâm giống, CA huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can... Chỉ trong năm 2014, 6 tháng đầu năm 2015, hàng chục vụ trộm cắp sâm xảy ra nhưng chưa xác định được đối tượng...
Thiếu tá Đinh Viết Trung-Trưởng CAH Nam Trà My cho biết, cùng với việc xử lý nghiêm các đối tượng trộm cắp theo quy định pháp luật, CA huyện đã triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, phát động mạnh mẽ phong trào TDBVANTQ. Đặc biệt, CA huyện đề xuất ý kiến, thành lập các tổ liên kết trồng sâm, bảo vệ vườn sâm trong nhân dân. Theo mô hình này, mỗi tổ liên kết gồm từ 12 đến 15 hộ dân lập thành một chốt, thay phiên nhau canh gác, bảo vệ vườn sâm. Tính đến nay, trên địa bàn 3 xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Mai đã thành lập được 27 chốt trồng sâm, bảo vệ sâm.
Hồ Văn Báo-đối tượng trộm cắp sâm bị bắt ngày 29-9-2015. |
Tình hình trộm cắp sâm có lắng xuống, nhưng vẫn còn âm ỉ phức tạp. Mới đây nhất, ngày 23-9-2014, qua công tác điều tra, CAH bắt giữ Hồ Văn Báo (1991), nhổ trộm 32 cây sâm, trị giá 15 triệu đồng của anh ruột mình là ông Hồ Văn Bút-Phó Bí thư Đảng ủy Trà Linh. Ngay hôm đưa chúng tôi lên thăm Trạm sâm giống Tak Ngo, dọc đường đi anh Trịnh Minh Quý liên tục nhận được điện thoại của CA huyện, đề nghị phối hợp xác định chất lượng sâm Ngọc Linh trong một số vụ trộm cắp để có cơ sở xử lý theo quy định pháp luật. Có thể nói, tình hình trộm cắp sâm vẫn đang báo động. Được biết, từ tháng 4-2015, Chủ tịch UBND H. Nam Trà My-Hồ Quang Bửu, đã đề nghị CA huyện lập kế hoạch, phương án thành lập các điểm chốt chặn, TTKS ở vùng trồng sâm.
Những ngày ở Nam Trà My, bên cạnh chuyện trộm cắp, chúng tôi còn nghe được chuyện lừa đảo bán sâm... Nhân đây cũng kể một câu chuyện khá khôi hài về nạn sâm giả. Anh bạn tôi là nhân viên mẫn cán của văn phòng một cơ quan ở Đà Nẵng, hàng ngày chỉ có biết từ nhà đến cơ quan, từ cơ quan về nhà. Cuối năm 2014, anh được một người quen thân thường đi đây đó các vùng núi Quảng Nam tặng cho một bình rượu quý 5 lít, lèn cứng "sâm Ngọc Linh". Anh cất kỹ bình rượu khóa cứng trong tủ, lấy làm hãnh diện lắm, mỗi lần bạn bè đến, chỉ dám rót một ly nhỏ pha với rượu trắng uống cho nó "bổ". Mà cái thứ rượu "sâm Ngọc Linh" của anh uống sao nó cứ cay xè, tê rần môi lưỡi, chả thấy bổ béo gì mà đầu đau như búa bổ.
Mãi sau này, khi thông tin đại chúng nêu rần rần về giá sâm Ngọc Linh, anh mới lôi bình rượu "quý" ra tự hỏi: "Cái thằng ấy mới ra trường, dặt dẹo, công ăn việc làm không có, lấy quái đâu ra cả trăm triệu đồng mua sâm tặng mình nhỉ...!?.". Mang chuyện này ra kể với anh T... một chủ quán tạp hóa, cũng buôn bán sâm Ngọc Linh ở Tak Pỏ, Nam Trà My, anh cười vỡ nhà và nói thẳng: "Thứ đó là củ ráy rừng, nhìn rất giống sâm Ngọc Linh, chỉ có khách "gà mờ" mới mua phải thôi, "hàng đó" thường mang từ Kon Tum qua...".
Lại có tay buôn sâm rao bán củ sâm Ngọc Linh nặng cả 2-3kg, ông Hồ Văn Du-"đại gia" trồng sâm đã có hơn 30 thâm niên khẳng định với tôi ngay tại UBND H. Nam Trà My: "Không bao giờ có củ sâm ấy, bây giờ củ sâm Ngọc Linh nặng 5 lạng cũng không có, chứ làm gì có củ sâm nặng vài ki-lô-gam!". Anh T... tiết lộ, những kẻ làm sâm giả, đào thứ củ ráy rừng về phơi khô, rồi dùng các loại thuốc Tây Vitamin như B1, B12, B6... tổng hợp nghiền nát, hòa vào nước, rồi ngâm củ ráy đó vào. Khách mua sâm được mời "nếm thử" sâm, sẽ cảm thấy "hiệu lực" ngay ít phút bởi tác dụng của thuốc tây, sẵn sàng bỏ mấy chục triệu đồng để rinh trọn cả cân củ ráy rừng về khẳng định đẳng cấp của mình... Ngay tại thủ phủ sâm Ngọc Linh là Tak Pỏ, sâm giả, sâm thật lẫn lộn khó lường với người có nhu cầu mua sâm...
Đảm bảo ANTT, đảm bảo an toàn cho vùng sâm, giúp người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo thương hiệu, đảm bảo thị trường ổn định cho sâm Ngọc Linh đang đòi hỏi chính quyền, ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, trước khi tiến hành triển khai đề án quốc gia bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phóng sự: Hồng Thanh
(còn nữa)