“Săn” bằng giả, dính bẫy thật

Thứ hai, 13/10/2014 12:47

(Cadn.com.vn) - Nắm bắt được nhu cầu của những người không học nhưng muốn có bằng cấp hoặc những người cần "kiện toàn hồ sơ" để thuận lợi cho công tác, thế giới mạng tràn lan những dịch vụ câu nhử làm bằng giả y như thật. Tin những lời tiếp thị chỉ từ dăm bảy triệu đến hơn 10 triệu đồng là có bằng đại học, nhiều nạn nhân đã tiền mất tật mang. Chuyện này không cũ, nhưng vẫn luôn có nạn nhân mới.

Rành” luật cũng “dính”

Mới đây, chúng tôi nhận được đơn trình báo của Ông Nguyễn Quang T. (trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chắc như đinh đóng cột là hai đối tượng lừa mình đã có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Theo ông T., ngày 22-9 vừa qua, ông lướt facebook và dạo qua một trang quảng cáo chuyên làm bằng cấp đại học kèm theo địa chỉ email liên hệ cacloaibangcap@gmail.com và số điện thoại liên lạc. Gọi đến số máy 09095447..., ông T. được một người tự giới thiệu tên là Tuấn ra giá tấm bằng đại học hệ vừa học vừa làm như nhu cầu của ông giá 7 triệu đồng.

Để tạo lòng tin cho khách hàng, lúc đầu người này chỉ yêu cầu gửi trước 2 triệu đồng qua một số tài khoản của ngân hàng V. Chi nhánh Cộng Hòa, Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, sau 3 ngày sẽ gửi nốt số tiền còn lại và nhận bằng. Đúng hẹn, ngày 25-9, đối tác gửi cho ông T. một bảng scan chứng minh nhân dân và giới thiệu đó là sếp lớn đồng thời cho một số tài khoản mới yêu cầu ông chuyển 5 triệu đồng còn lại.

Sau khi đi đứt 7 triệu đồng mà vẫn chưa “tốt nghiệp” đại học được, ông T. nóng ruột liên lạc thì được yêu cầu chuyển thêm 2 triệu đồng để bôi trơn bằng đến tay cho nhanh. Nghi ngờ bị “sập hầm” ông dừng lại và liên lạc yêu cầu hoàn trả số tiền nói trên, nhưng kể từ đó, các số máy giao dịch trước đây đều ở trạng thái “ò í e”. “Dù sao tôi cũng là người có lỗi đầu tiên trong chuyện này, để tránh tình trạng kẻ xấu tiếp tục lừa đảo những người khác, tôi kể ra như là bài học cảnh giác cho mọi người. Tiền thì chắc không đòi lại được nữa”, ông T. tâm sự.

 

Trao đổi vụ việc, chúng tôi còn được Phòng An ninh Chính trị nội bộ CATP Đà Nẵng cung cấp nhiều vụ việc liên quan đến việc “giao dịch” bằng cấp, chứng chỉ giả qua mạng. Trước vụ việc này, một sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt – Hàn cũng đã từng trúng “quả lừa” với tấm bằng Đại học Kinh tế với giá 12 triệu đồng. Trong lúc lướt mạng, sinh viên Lê Văn K. (1990) đã vào trang rao bán bằng đại học với địa chỉ đăng nhập trao đổi có tên daihockinhte80@yahoo.com kèm số điện thoại 09096003…

Qua xác minh, cơ quan công an được biết người đăng ký sử dụng số SIM điện thoại nói trên là Nguyễn Thị Thu Trang, trú tại TP Hồ Chí Minh. Còn chủ tài khoản 0511003804… thuộc ngân hàng V. có tên là Nguyễn Thị Hoài Phương (1991, trú Vĩnh Long). Điều đặc biệt là qua việc in sao kê, cơ quan công an TP Đà Nẵng và tỉnh Vĩnh Long phát hiện chỉ trong một thời gian ngắn đã có 26 lượt cá nhân chuyển vào số tài khoản nói trên 104 triệu đồng. Hiện vụ việc đã được chuyển cho CA tỉnh Vĩnh Long tiếp tục điều tra.

 

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Theo Thiếu tá Ngô Văn Công, Phó trưởng Phòng ANCT Nội bộ CATP Đà Nẵng, các vụ việc liên quan đến hành vi lừa đảo làm văn bằng, chứng chỉ giả qua mạng xuất hiện ngày càng nhiều, dù đã có những bài học cụ thể nhưng vẫn liên tục có các nạn nhân bị mắc lừa. Nắm bắt được nhu cầu của một số người cần bằng cấp xin việc làm hoặc kiện toàn hồ sơ để thuận lợi cho công việc, các đối tượng không những quảng bá dịch vụ công khai trên mạng Internet mà còn sử dụng điện thoại di động nhắn tin, đăng nhập tài khoản “rải” email cho rất nhiều người.

Ngay cả một số cán bộ Nhà nước, giảng viên của các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng cũng được “chào hàng” làm bằng giả. Thậm chí, có thời gian nhiều người tại địa bàn thành phố còn nhận được thông tin “quảng bá” có nội dung cụ thể như “dịch vụ lao động Q. Ngũ Hành Sơn, nhận làm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp uy tín và chất lượng”. Thường thì khi tìm nguồn cung và tạo cảm giác đơn giản, dễ dàng, các đối tượng thường xuyên liên lạc cởi mở, cho nạn nhân nắm đằng cán.

Nhưng đến khi họ bắt đầu sa lầy và say đòn, cảm thấy không thể moi thêm tiền được nữa thì chúng chủ động cắt đuôi, ngoài vùng phủ sóng. “Các vụ việc ngày càng đa dạng, tinh vi. Vì trao đổi qua mạng nên các đối tượng thực hiện có thể ở bất cứ địa phương nào trên cả nước, địa chỉ không cố định nên công tác xác minh là hết sức khó khăn. Chính vì vậy, quan trọng nhất là người dân phải cảnh giác trước trò lừa đảo này, chứ đã gửi tiền cho chúng rồi thì khó mà lấy lại. Bằng thì không có, mà có đi chăng nữa thì cũng để đi lừa người khác chứ hoàn toàn không có giá trị”, Thiếu tá Công cho hay.

Công Khanh

Giao dịch, ngã giá và hướng dẫn đường đi nước bước một cách đáng.... tin cậy.

Biên lai nộp tiền và biên bản lời khai trình báo vụ việc của sinh viên K. tại cơ quan CA.