Săn bắt động vật hoang dã: “Hãy nhìn lại...”
(Cadn.com.vn) - Chung tay với hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, tổ chức Green Viet đã và đang làm nhiều việc, cùng chung với các tổ chức thế giới bảo vệ các loài thú quý hiếm. Phóng viên Báo CATP Đà Nẵng đã có cuộc trò chuyện cùng với ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Green Viet về tổ chức này cũng như các chương trình có liên quan.
P.V: Ông có thể giới thiệu đôi chút về Green Viet?
Ông Trần Hữu Vỹ: Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thành lập năm 2012 với mục đích góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Trong những năm đầu thành lập, Trung tâm tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu, truyền thông về đa dạng sinh học, giáo dục nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường tại Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, mà trọng tâm là thành phố Đà Nẵng.
Sứ mệnh của Trung tâm là nghiên cứu, phổ biến vai trò, giá trị của đa dạng sinh học và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến cộng đồng nhằm phát triển lối sống thân thiện với thiên nhiên. Hiện Trung tâm đang có 5 thành viên làm toàn thời gian và 6 nhân viên làm bán thời gian. Nguồn vốn huy động của Trung tâm chủ yếu dựa vào sự đóng góp ủng hộ của cộng đồng trong các sự kiện, viết các đề cương xin dự án.
Ông Trần Hữu Vỹ- Giám đốc Trung tâm Green Viet Đà Nẵng. |
P.V: Hội thảo “Hãy nhìn lại” vừa được Green Viet phối hợp tổ chức hướng đến mục tiêu nào và giúp ích gì trong công tác bảo vệ thiên nhiên nói chung và loài linh trưởng nói riêng?
Ông Trần Hữu Vỹ: Buổi talk show “Hãy nhìn lại” này được tư vấn và hỗ trợ bởi Khoa Sinh - Môi trường, ĐHSP Đà Nẵng, Hội động vật học Frankfurt (Đức) và Trung tâm Green Viet. Mục đích của buổi Talk show là giúp cho sinh viên trường ĐHSP và giới trẻ hiểu hơn về thú linh trưởng; về công tác bảo vệ, bảo tồn thú linh trưởng ở Việt Nam; nhận thức và có động lực để tham gia và tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thực hiện các nghiên cứu liên quan đến thú linh trưởng.
P.V: Theo ông, tình hình phát triển loài linh trưởng ở Việt Nam nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng hiện nay như thế nào? Công tác bảo vệ loài này hiện nay ra sao, đang chịu tác động bởi những yếu tố nào, tương lai ra sao?
Ông Trần Hữu Vỹ: Hiện tại, hiện trạng các loài thú linh trưởng ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa có thông tin đầy đủ. Nhưng riêng loài Voọc chà vá chân xám hiện nay đang ở bên bờ tuyệt chủng khi chỉ còn khoảng 1.000 con. Đây cũng là loài linh trưởng được phát hiện tại Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Những thông tin chúng ta mới biết chỉ mới dừng lại ở thành phần loài, còn các nghiên cứu sâu về tập tính sinh thái, tập tính xã hội, sinh cảnh sống và các tác động từ phía con người lên thú linh trưởng, việc phổ biến và thực thi pháp luật... còn hạn chế.
Mặc dù người dân và chính quyền Đà Nẵng đã có nhiều chính sách nhằm bảo vệ nhưng việc thiếu những thông tin về loài, về khu hệ các loài thú linh trưởng... gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo tồn các loài. Công tác truyền thông, giáo dục chưa được ưu tiên nhiều cho lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và thú linh trưởng nói riêng. Ngoài ra, những hoạt động phát triển du lịch quy hoạch chưa tốt, sự quản lý còn lỏng lẻo đã làm ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống của nhiều loài thú linh trưởng ở Đà Nẵng cũng như sinh cảnh sống của loài chà vá chân xám, các loài khỉ....
Theo tôi, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác bảo tồn thú linh trưởng, đặc biệt là các loài quý hiếm, những loài có thể xem là biểu tượng như loài chà vá chân nâu có ở bán đảo Sơn Trà. Chúng ta cần có những kế hoạch hành động nhằm bảo tồn các loài đang bị nguy cấp, không những kế hoạch mà chúng ta cần phải thực hiện tốt và hiệu quả các kế hoạch đó. Công tác truyền thông nên đẩy mạnh hơn để cho cộng đồng hiểu và thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Các sinh viên tham gia chương trình Talk show “Hãy nhìn lại”. |
P.V: Được biết, Green Viet đang tổ chức chương trình Lịch xanh tương lai. Vậy chương trình đó là như thế nào, sẽ giúp ích gì cho Đà Nẵng trong công tác phát triển du lịch?
Ông Trần Hữu Vỹ: Dự án Lịch xanh tương lai là ý tưởng của 18 sinh viên trong khóa tập huấn vừa kể trên, các bạn muốn làm lịch có in hình các loài thú linh trưởng nguy cấp của Việt Nam để bán cho sinh viên, vừa nhằm truyền thông bảo tồn động vật hoang dã, vừa gây quỹ để ủng hộ cho cộng đồng người Cơ Tu ở xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang) và cộng đồng người Ba Nar ở xã Ayun, tỉnh Gia Lai (quà tặng là lịch và quà tết 2014) để nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.
Với dự án này, Lịch xanh tương lai – Lịch viết về thông tin các loài thú linh trưởng như Loài chà vá chân nâu có ở Đà Nẵng, tôi tin rằng không những giới trẻ thích mà nhiều người dân ở Đà Nẵng cũng sẽ quan tâm. Và như vậy hình ảnh của loài chà vá chân nâu và các loài khác sẽ được nhiều người biết đến, sẽ được cộng đồng ủng hộ bảo vệ. Ngoài ra, hình ảnh của Đà Nẵng sẽ được nhiều tỉnh thành biết đến không chỉ là một thành phố phát triển về kinh tế, xã hội, môi trường.... mà là một thành phố có đa dạng sinh học, quan tâm đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Chúng tôi đang cố gắng thực hiện nguyện vọng của mình là biến hình ảnh loài chà vá chân nâu thành biểu tượng du lịch của bán đảo Sơn Trà hoặc của Đà Nẵng trong năm tới.
P.V: Xin cảm ơn ông !
Hương Nguyên