Sau Bạc Hy Lai là Chu Vĩnh Khang

Thứ ba, 22/10/2013 11:29

(Cadn.com.vn) - Việc tăng cường điều tra ông Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị - càng chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền Tập Cận Bình sau vụ án Bạc Hy Lai.

Theo báo SCMP của Hồng Kông số ra ngày 21-10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện bước đi bất thường khi quyết định thành lập đơn vị đặc biệt nhằm điều tra vụ bê bối tham nhũng của ông Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ban Chính pháp Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC).

Báo này dẫn các nguồn tin từ cảnh sát Trung Quốc và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết, đứng đầu ủy ban đặc biệt này là Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh Phó Chính Hoa. Ông Phó Chính Hoa sẽ báo cáo trực tiếp lên Chủ tịch Tập Cận Bình về những diễn biến trong cuộc điều tra vụ án của ông Chu. Việc lựa chọn ông Phó Chính Hoa cũng nằm trong kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình bởi ông này là người đầu tiên trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc nắm giữ cùng lúc các chức vụ người đứng đầu lực lượng cảnh sát vũ trang của Bắc Kinh, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Thành phố Bắc Kinh kiêm Thứ trưởng Bộ Công an.

Ông Chu Vĩnh Khang - Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đầu tiên bị điều tra
trong gần 40 năm qua. Ảnh: THX

Đội đặc biệt này có nhiệm vụ điều tra các trường hợp về những người liên quan đến vụ án như Wu Bing và Guo Yongxiang. Ông Wu Bing - một tỷ phú Tứ Xuyên được cho là có quan hệ chặt chẽ với gia đình ông Chu, bị bắt giữ tại Bắc Kinh vào đầu tháng 8. Trong khi đó, ông Guo - cựu phó Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên và cũng là cựu Thư ký của ông Chu - bị bắt giữ vào tháng 6 vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” - một cụm từ thường chỉ về cáo buộc tham nhũng.

Không chỉ có vậy, trong những tháng qua, hàng chục doanh nhân và chính trị gia có ảnh hưởng liên quan đến ông Chu cũng bị bắt giữ, trong đó có Giang Jiemin, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC). Đầu tháng này, tờ Financial Times cho biết, con trai của ông, Chu Bin, cũng bị “giam giữ để thẩm vấn” trong khi vợ của ông đã “chạy trốn” sang Mỹ với hai đứa con.

Quyết định bỏ qua bộ máy của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) - cơ quan chống tham nhũng của CPC - trong việc điều tra vụ án này chứng tỏ mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Nó không chỉ phản ánh sự nhạy cảm của vụ án Chu Vĩnh Khang mà còn phản ánh sự quan tâm cá nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với vụ án này.  Bởi lẽ, kể từ khi kết thúc thời kỳ Cách mạng Văn hóa năm 1976 đến nay, tại Trung Quốc chưa có Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị nào, dù là về hưu hay đương chức, bị điều tra vì các tội kinh tế.

Quan chức tham nhũng thường được CCDI xử lý và bị tạm giam để gọi thẩm vấn trước khi giao cho cảnh sát và các công tố viên. Nhưng trong vụ này, ít nhất 3 nguồn tin riêng biệt cho biết, cảnh sát tham gia vai trò chính. Người ta tin rằng, Chủ tịch Tập và người đứng đầu CCDI  Vương Kỳ Sơn muốn cảnh sát có nhiều kinh nghiệm với các vụ án điều tra như thế này chứ không phải là CCDI, vốn đang khiến nhiều người nghi ngờ về năng lực và phương pháp điều tra.

Cũng theo giới chuyên gia, việc tăng cường điều tra vụ án ông Chu   - một nhân vật quyền lực hơn cả Bạc Hy Lai đã chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng đến cùng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhiều người cho rằng, số phận ông Chu cũng sẽ kết thúc như ông Bạc – chính trị gia thất sủng vừa bị kết án tù chung thân. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn quá sớm để nói liệu vị cựu Bộ trưởng Công an này có bị truy tố công khai như ông Bạc hay chỉ bị điều tra trong nội bộ CPC.

Khả Anh

 

 

Ngày 25-10, Trung Quốc xét đơn kháng cáo của ông Bạc

(Cadn.com.vn) - Tòa án Nhân dân Tối cao tỉnh Sơn Đông ngày 21-10 thông báo sẽ xét đơn kháng cáo của ông Bạc Hy Lai trong ngày 25-10 tới, động thái hướng tới việc khép lại vụ bê bối gây chấn động Trung Quốc trong thời gian qua.