Saudi Arabia lao đao vì giá dầu giảm

Thứ tư, 30/12/2015 08:45

(Cadn.com.vn) - Chính phủ Saudi Arabia đã buộc phải quyết định cắt giảm trợ cấp giá dầu và điện trong bối cảnh phải hứng chịu mức thâm hụt ngân sách kỷ lục.

Mức thâm hụt ngân sách trong năm 2015 tại Saudi Arabia - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới  - ở con số kỷ lục: 367 tỷ riyal (98 tỷ USD).

Bóng mây u ám bầu trời kinh tế không dừng lại ở đó. Chính phủ quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn nhất Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng dự kiến mức thâm hụt ngân sách lên đến 327 tỷ riyals (87 tỷ USD) trong năm 2016 do ảnh hưởng từ việc giá dầu lao dốc. Theo AFP, Riyadh ước tính mức chi tiêu dự kiến trong năm 2016  là 224 tỷ USD nhưng nguồn thu chỉ đạt 137 tỷ USD.

Giá dầu giảm khiến nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Saudi Arabia khốn đốn. Ảnh: CNBC

Tất cả là do giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, từ mức 100 USD/thùng hồi giữa năm 2014 xuống dưới 35 USD/thùng như hiện nay. Trước tình hình này, chính quyền Riyadh quyết định cắt giảm hàng loạt biện pháp trợ giá, trong đó có trợ giá dầu và điện cho người dân, để có thể cân bằng lại chính sách chi tiêu cho năm tới.

Saudi Arabia cũng quyết định tăng giá xăng cao nhất là hơn 50%, kể từ ngày 29-12. Theo đó, giá điện, nước, dầu diesel và dầu hỏa cũng sẽ tăng do việc cắt giảm các biện pháp trợ giá, vốn do hội đồng bộ trưởng, đứng đầu là Quốc vương Salman bin Abdul Aziz, quyết định. Tuy nhiên, Quốc vương đã lên tiếng trấn an người dân, đồng thời khẳng định, chính phủ vẫn ưu tiên phát triển và đầu tư vào các chương trình xã hội.

Giới phân tích cho rằng, mức thâm hụt này là cái giá phải trả cho chính sách sai lầm của chính quyền Saudi Arabia trước cơn bão giá dầu giảm từ giữa năm 2014. Theo đó, thay vì cắt giảm sản lượng dầu để nâng giá, Saudi Arabia quyết định giữ mức sản xuất cao trong động thái được cho là nhằm giữ thị phần và cản trở sự lớn mạnh của khí đá phiến Mỹ trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, Saudi Arabia  đã phải trả giá.

Trong những năm giá dầu tăng cao, chính phủ quốc gia Arab này dự trữ ngoại hối rất lớn. Để bù vào mức thâm hụt kinh tế, trong năm qua, Saudi Arabia bất ngờ giảm lượng dự trữ ngoại hối, từ 728 tỷ USD vào cuối năm 2014 xuống còn khoảng 640 tỷ USD. Với con số thâm hụt kỷ lục như hiện nay, rõ ràng, các nhà đầu tư phải theo dõi sát sao ngân sách tài khóa năm tới của Saudi Arabia, để xem liệu vương quốc này sẽ củng cố chi tiêu như thế nào sau nhiều năm “vung tay quá trán”.

Điều người ta quan tâm là chính phủ Saudi Arabia vẫn quyết định không cắt giảm ngân sách quốc phòng, an ninh, hiện ở mức 213 tỷ riyal (57 tỷ USD) cho năm 2016. Saudi Arabia hiện đang dẫn đầu một liên minh quân sự chống phiến quân Houthi ở Yemen kể từ tháng 3 và là thành viên của liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS ở Syria và Iraq. Những cuộc chiến này buộc Riyadh không thể cắt chi tiêu quốc phòng bất chấp ngân sách có thâm hụt kỷ lục.

Nhà kinh tế trưởng Fahad Alturki của Quỹ đầu tư Jadwa cho rằng, ngân sách năm tới của Saudi Arabia vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào giá dầu. Nhưng nếu sản lượng dầu vẫn ở mức 10,2 triệu thùng/ ngày, giá dầu có thể sẽ tiếp tục đà sụt giảm. Trong ngân sách năm 2015, doanh thu dầu mỏ chiếm 72%, so với 87% năm 2014.

Thực tế, kinh tế Saudi Arabia chủ yếu phụ thuộc vào dầu mỏ. Vì vậy, Riyadh và các nước láng giềng Vùng Vịnh Arab đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế nhằm giảm sự phụ thuộc vào giá dầu cũng như hỗ trợ khu vực tư nhân thu hút hàng triệu lao động trẻ. Tuy nhiên, chính sách này chưa thu được kết quả như mong đợi.

Khả Anh