Saudi Arabia và nỗi sợ MERS

Thứ hai, 12/05/2014 06:00

(Cadn.com.vn) - Một virus bí ẩn gọi là Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đang cướp đi mạng sống của nhiều người Saudi Arabia, nơi virus này đã lan rộng đến ít nhất 5 thành phố. Không có phương pháp điều trị cũng như vaccine phòng bệnh khiến nỗi sợ hãi ngày càng tăng.

"Sống trong sợ hãi"

Bác sĩ Fouad, 50 tuổi, bước vào trung tâm mua sắm ở Jeddah trong khẩu trang bịt kín mũi và miệng. Ông Fouad cho biết, trong thời gian gần đây, người mua hàng ít hơn do lo ngại virus MERS và ông cảm thấy lo lắng.

"Tôi thức dậy mỗi buổi sáng, cảm thấy ngột ngạt và bắt đầu hoảng sợ. Chúng tôi đang sống bên bờ vực. Điều này luôn ám ảnh tôi", ông nói. Ông Fouad hiện đang sống một mình. Vợ, em gái và con ông đã rời khỏi đất nước vì sợ nhiễm loại virus chết người MERS, đang tấn công một khu vực rộng lớn ở Saudi Arabia.

Loại virus này có họ hàng với virus cảm lạnh thông thường. Người bệnh cũng bắt đầu bị sốt giống như cúm và ho nhưng sau đó dẫn đến khó thở và viêm phổi. Ít nhất 126 người dân ở Saudi Arabia tử vong sau khi nhiễm bệnh, và hơn 463 người bị lây nhiễm kể từ tháng 9-2012 tới nay. Ảnh hưởng nặng nhất là các nhân viên bệnh viện.

Ông Fouad biết gần đây có 3 bác sĩ và 1 y tá dương tính với MERS. Tất cả được cho là nhiễm virus tại bệnh viện làm việc. 2 trong số họ được chẩn đoán khi bị ốm nặng và được đưa vào phòng cách ly. Còn một trong những bác sĩ chỉ phát hiện nhiễm virus sau khi được yêu cầu kiểm tra để phòng ngừa, mặc dù không có triệu chứng nhiễm bệnh nào. May mắn, sau một thời gian cách ly, cả 4 người khỏe mạnh trở lại.

Không có cách điều trị hoặc vaccine phòng ngừa MERS, và mặc dù không chắc chắn sẽ gây tử vong, các chuyên gia y tế ước tính khoảng 1/3 những người nhiễm virus sẽ tử vong. Những người có nguy cơ tử vong cao là những người già, yếu và những người có bệnh mãn tính. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi trong các nhân viên y tế ngày càng tăng sau cái chết gần đây của người đứng đầu bộ phận huyết học, Ayman Hamdan Simi, tại Bệnh viện King Fahd ở Jeddah.

Số lượng các ca nhiễm MERS gia tăng đột ngột ở Saudi Arabia. Ảnh: BBC

Hệ thống y tế cạn kiệt

Tân Bộ trưởng Y tế Adel Al Faqih được bổ nhiệm để xử lý cuộc khủng hoảng này sau khi người tiền nhiệm bị sa thải do không giải thích được tại sao số người chết do MERS tăng mạnh.

Bộ Y tế cho biết họ đang hợp tác với các chuyên gia từ nhiều nước để loại bỏ MERS. Một nhà virus học người Đức, mô tả hệ thống y tế Jeddah là "gần như cạn kiệt". Nói chuyện với tạp chí Science Insider, Christian Drosten cho biết, số lượng lớn các xét nghiệm đang được tiến hành gây áp lực lớn lên phòng thí nghiệm, độ chính xác và nguồn lực y tế.

Theo ông Drosten cho biết, điều kiện vệ sinh tại các bệnh viện khiến bệnh lây lan nhanh. Hiện ông đang kêu gọi một chiến dịch khẩn cấp cải thiện vệ sinh bệnh viện. Trong khi đó, mọi người được tuyên truyền đeo khẩu trang y tế để hạn chế số lượng các ca nhiễm mới.

Cách Jeddah khoảng 1.000km, thủ đô Riyadh hầu như ngày nào cũng có người tử vong do virus MERS. Sanaa, giáo viên và mẹ của hai đứa trẻ, cho biết, cô dự định không cho đứa con 2 tuổi của mình đến trường mẫu giáo nữa để hạn chế nhiễm bệnh.

Trong khi đó, 1/4 lớp học của đứa con 6 tuổi đã vắng học sinh. Gia đình Sanaa hầu như không rời khỏi nhà. Trong trường hợp không có vaccine, một số đồng nghiệp của ông Hakim chủng ngừa vaccine cúm lợn H1N1 như một biện pháp phòng ngừa, mặc dù không có bằng chứng cho thấy loại vaccine này có khả năng miễn dịch với MERS.

Chủ sở hữu một phòng tập thể dục ở Riyadh cho biết, phòng tập phải đóng cửa do không có người đến tập. Hakim, một bác sĩ ở Riyadh kêu gọi chính phủ phải nhanh chóng hành động cương quyết để bảo vệ người dân nếu không muốn mọi thứ tiếp tục tồi tệ hơn như xem xét đóng cửa trường học, cấm tụ tập, hạn chế di chuyển trong và ngoài nước...

An Bình
(Theo BBC)