Saudi Arabia vung tiền vượt “khủng hoảng Jamal Khashoggi”

Thứ năm, 25/10/2018 12:43

Cả thế giới dường như đang đứng về một phe chỉ trích Saudi Arabia vì vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại bên trong Lãnh sự quán của nước này tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thái tử quyền lực của Saudi Arabia Mohammed bin Salman (phải) và Nhà vua Jordan Abdullah II (trái) tại Hội nghị FII.   Ảnh: AFP

Saudi Arabia tiếp tục hứng chịu làn sóng chỉ trích nặng nề từ cộng đồng quốc tế khi cái chết bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi dần được hé lộ. Dù Riyadh khẳng định vụ việc không liên quan đến Hoàng gia, các nước vẫn đặt ra nhiều nghi ngại và bắt đầu đưa ra các đòn trừng phạt đầu tiên nhằm vào vương quốc Vùng Vịnh này.

Giới phân tích cho rằng, có thể nói, cả thế giới dường như đang đứng về một phe để chỉ trích Saudi Arabia. Trước nguy cơ bị quốc tế cô lập, Saudi Arabia đang nỗ lực dùng “các khoản đầu tư và viện trợ” để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng lần này.

Những giao dịch hàng tỷ USD

Theo tờ CNBC, Saudi Arabia đang cố gắng dập tắt ngọn lửa bùng cháy trong vụ nhà báo Jamal bị sát hại bằng cách tung ra các thỏa thuận kinh doanh trị giá hàng tỷ USD cho các lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Hội nghị sáng kiến đầu tư tương lai (FII) năm 2018, đang diễn ra ở thủ đô Riyadh.

Các hợp đồng lớn trị giá hơn 55 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và hóa dầu đã được công bố vào cuối ngày 23-10, ngày đầu tiên của diễn đàn này.  Nhiều giao dịch được công bố liên quan đến Cty dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia. Cty cho biết đã ký 15 biên bản ghi nhớ (MOU) và các hợp tác thương mại trị giá 34 tỷ USD. Các thỏa thuận liên quan đến các đối tác quốc tế bao gồm Total, Hyundai, Baker Hughes, Halliburton và Cty Norinco của Trung Quốc. “Các bản ghi nhớ này phản ánh cả chiến lược hợp tác quốc tế của Aramco và quyết tâm đa dạng hóa nền kinh tế, tăng cường môi trường đầu tư trong nước và thúc đẩy các cơ hội việc làm”, Saudi Aramco cho biết.

Riyadh cũng rất hào phóng khi rút hầu bao tài trợ. Theo các nguồn tin, Saudi Arabia đã đồng ý khoản viện trợ 3 tỷ USD cho Pakistan, và khoản vay trả định kỳ 3 tỷ USD đối với mặt hàng nhập khẩu dầu, nhằm giúp quốc gia Nam Á thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Có giúp Riyadh thoát nạn?

Bất chấp các thỏa thuận tiền tỷ như thế này, mọi con mắt đổ dồn về Saudi Arabia vì một lý do rất khác - cái chết đầy uẩn khúc của nhà báo Jamal. Bởi vấn đề ở đây là giải thích quá vòng vo của Saudi Arabia trong tuyên bố về cái chết của nhà báo bất đồng chính kiến này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 23-10 đã vạch trần Saudi Arabia khi nhấn mạnh, vụ giết hại nhà báo Jamal “đã được lên kế hoạch phức tạp trước đó vài ngày” chứ không phải là vụ ẩu đả bất ngờ như tuyên bố của Riyadh. Và giờ đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn rất dịu giọng với Riyadh trong vụ việc này, cũng đã thay đổi thái độ. Ông chủ Nhà Trắng đã chỉ trích cách chính quyền Riyadh úp mở về vụ việc này và cảnh báo cấm vận vương quốc này.

Tổng thống Trump cho rằng, cách Riyadh xử lý vụ việc là “vụ che đậy tồi tệ nhất từ trước tới nay”. Phát biểu với phóng viên, Tổng thống Trump nhấn mạnh muốn biết được toàn bộ sự thật về cái chết của nhà báo Jamal trước khi nhất trí với những đánh giá của ông Erdogan. Trong tuyên bố hôm 24-10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 23-10 cho biết, Washington đã xác định được một số quan chức Saudi Arabia gây ra vụ sát hại nhà báo Jamal và sẽ đưa ra các hành động, trong đó có thu hồi thị thực và cân nhắc các biện pháp trừng phạt. “Các biện pháp trừng phạt này sẽ chưa phải là lời cuối của Mỹ về vấn đề này. Chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng, Mỹ không dung thứ cho những hành động tàn nhẫn như vậy để bịt miệng nhà báo Jamal bằng bạo lực”, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ.

Mỹ cũng đã vào cuộc gay gắt hơn khi cử Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Gina Haspel đến Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về vụ việc này. Theo các nguồn thạo tin cho biết, bà Haspel đã yêu cầu được nghe một đoạn ghi âm có nội dung ghi lại việc tra tấn và sát hại nhà báo Jamal.

KHẢ ANH