Sinh viên thờ ơ với luận văn tốt nghiệp!
(Cadn.com.vn) - Luận văn tốt nghiệp (LVTN), Khóa luận/đồ án... là công trình khoa học đánh dấu quá trình học tập của mỗi sinh viên (SV) khi chuẩn bị ra trường, giúp SV hệ thống hóa kiến thức, phát triển tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học... Nhưng hiện nay, SV dường như không còn hào hứng với LVTN.
Nên học hay làm luận văn?
Chọn làm LVTN hay học đủ tín chỉ (TC) để ra trường luôn là một vấn đề nan giải với SV, đặc biệt là SV năm cuối. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho các SV không mặn mà với LVTN, mà nguyên nhân chính là không thể "đổi màu" tấm bằng ĐH và sợ vất vả, tốn kém thời gian...
Cẩm Hoàng (SV năm 4 ngành Cử nhân Văn học Trường ĐH Sư Phạm Đà Nẵng) chia sẻ: "Thang điểm 4 theo đào tạo tín chỉ quy định điểm tốt nghiệp đạt loại khá là từ 2,5 đến 3,19, loại giỏi là từ 3,2 đến 3,59... Điểm TB của mình chỉ được 3,12 (loại khá), kể cả làm luận văn được 10 điểm cũng không đủ được loại giỏi".
Thùy Trinh (SV năm 4 ngành Sư phạm Vật lý- Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) lại lo lắng: "Mặc dù năm 3 ĐH mình đã tham gia nghiên cứu khoa học và có đề tài đạt giải cấp ĐH Đà Nẵng nên đủ tiêu chuẩn làm LVTN. Tuy nhiên, nghe các anh chị khóa trước khuyên làm luận văn vừa khó lại phải đầu tư nhiều thời gian, tốn kém chi phí... Nếu không chắc chắn lên bằng giỏi thì đừng làm. Cho nên mình quyết định đăng ký thêm một số môn học tương đương nhằm tích lũy đủ tín chỉ ra trường, vừa tiết kiệm thời gian, công sức lại không quá căng thẳng".
Làm LVTN đòi hỏi SV phải đầu tư công sức, có lòng say mê nghiên cứu. Kim Vương (cựu SV Khoa Báo chí- Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ: "Khi nhà trường, khoa thông báo danh sách các SV có đủ tiêu chuẩn làm LVTN, SV phải bắt tay tìm đề tài, liên hệ giảng viên hướng dẫn, tìm tài liệu tham khảo...
Quá trình này diễn ra từ một đến 2 tháng vô cùng gian nan, vất vả, phải chỉnh sửa công trình của mình rất nhiều lần đến khi hoàn thiện, nếu không có lòng say mê tìm tòi, nghiên cứu thì không thể thành công. Vương nói thêm: "Có một thực tế là các bạn SV đã không còn hứng thú với việc làm luận văn. Mặc dù có đủ tiêu chuẩn để làm thì họ cũng "cân đong đo đếm" xem có lợi hay không thì mới làm".
Một buổi bảo vệ LVTN tại trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. |
Khuyến khích SV có khả năng
Với quy mô nhỏ nên hiện nay LVTN được gọi là khóa luận/đồ án để phân biệt với Luận văn cao học. Giá trị khoa học của khóa luận không cao, thiếu giảng viên hướng dẫn, SV theo học chế tín chỉ, ngại tốn kém thời gian, công sức... khiến quan niệm không làm khóa luận, khuyến khích những SV có khả năng nghiên cứu làm LV được khá nhiều người ủng hộ. TS. Lê Thanh Huy, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho biết: "Theo quy chế đào tạo tín chỉ số 43/QĐ- BGDĐT, SV chỉ cần tích lũy đủ 135 tín chỉ, trong đó bao gồm 110 tín chỉ bắt buộc và 25 tín chỉ tự chọn thì đủ điều kiện tốt nghiệp, nếu SV không làm khóa luận có thể học thêm 7 tín chỉ tương đương...".
PGS.TS Đậu Thị Hòa, GV trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: "Hiện nay, do số lượng SV quá đông trong khi một giảng viên chỉ được hướng dẫn một số SV nhất định, nên nếu để toàn bộ SV được làm khóa luận thì sẽ không có trường ĐH nào có thể đáp ứng đủ lượng giảng viên hướng dẫn. Nên để đảm bảo chất lượng cho LVTN, nhà trường, các khoa chỉ khuyến khích những SV có khả năng, đam mê nghiên cứu có khả năng đăng ký làm LVTN, cụ thể là điểm trung bình trên 3,0 và có tham gia đề tài Nghiên cứu khoa học cấp trường".
Nguyễn Việt Thành