Số ca mắc COVID-19 tăng cao tại nhiều nước

Thứ tư, 25/08/2021 21:54

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 19 ngày 25-8 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 214.192.938 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.469.360 ca tử vong.

Các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Sân bay Quốc tế Incheon, phía tây Seoul, ngày 25-8.  Ảnh: Yonhap

Lào ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục, tăng gấp 3 lần sau 1 ngày

Bộ Y tế Lào ngày 25-8 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 952 ca mắc mới COVID-19, trong đó, ngoài 358 ca nhập cảnh được cách ly ngay, 594 ca còn lại là các ca lây nhiễm cộng đồng. Đây là số ca lớn nhất được ghi nhận tại Lào kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay.

Theo Bộ Y tế Lào, với số ca nhiễm tăng gấp 3 so với ngày hôm qua, trong đó có nhiều ca cộng đồng, tình hình dịch tại nước này đang có những diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là điểm nóng tại Savannakhet, Trung Lào, với số ca nhiễm chỉ trong 24 giờ qua là 551 ca, chủ yếu lại tại các trại giam của tỉnh. Ngoài ra, thủ đô Vientiane cũng ghi nhận 11 ca cộng đồng từ các nguồn lây trước đó.

Trước những diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, Chính quyền tỉnh Savannakhet đã ra lệnh phong tỏa có thời hạn đến ít nhất là ngày 5-9. Chính phủ Lào yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát hoạt động người xuất nhập cảnh, ngăn chặn vượt biên trái phép; tăng cường các biện pháp phòng chống COVID-19 tại các trại giam; đồng thời, yêu cầu người nhập cảnh vào Lào cần cài đặt ứng dụng theo dõi y tế.

Indonesia vượt mốc 4 triệu ca mắc COVID-19

Với 19.106 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, Indonesia hiện đã ghi nhận tổng cộng 4.008.166 ca mắc COVID-19. Đối mặt với biến thể Delta tấn công dữ dội, số ca mắc COVID-19 tại quốc gia vạn đảo đã tăng gấp đôi từ 2 triệu lên 4 triệu ca trong vòng hai tháng qua. Mặc dù số ca mắc mới hàng ngày đã giảm trong tuần gần đây so với đỉnh dịch của tháng 7, tuy nhiên số ca tử vong tại quốc gia này vẫn tăng cao với 1.038 trường hợp trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong của đất nước lên 128.252 người. 

Indonesia đang tăng tốc và mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết Chính phủ nước này đặt mục tiêu kể từ tháng 9 tới sẽ tiêm 50 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi tháng, nhằm hoàn tất chương trình tiêm chủng quốc gia vào tháng 1-2022. Hiện, đã có 91,1 triệu liều vaccine đã được tiêm, trong đó có 32,6 triệu dân đã được tiêm chủng đủ hai mũi vaccine, tương đương với 15,67% mục tiêu đã đề ra.

Trong diễn biến liên quan, quyền Phó giám đốc phụ trách sáng tạo của Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia (BRIN), ông Erry Ricardo Nurzal, công bố BRIN đặt mục tiêu cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Merah Putih do nước này tự nghiên cứu và phát triển vào tháng 3-2022.

Số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Seoul lập đỉnh mới

Hàn Quốc thông báo có thêm 9 ca tử vong do COVID-19, nâng số người tử vong bởi đại dịch này lên 2.237 người. Tỷ lệ tử vong hiện là 0,93%. Trong số các ca lây nhiễm trong nước, 673 ca là ở Seoul, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái. Tỉnh Gyeonggi xung quanh Seoul có 579 ca và 117 ca là ở thành phố cảng phía Tây Incheon.

Các nhà chức trách cho biết các vụ lây nhiễm tập thể, cùng với các ca bệnh không rõ nguồn lây đang khiến cuộc chiến chống dịch bệnh của nước này trở nên khó khăn. Các ca bệnh lây nhiễm biến thể Delta rất dễ lây lan cũng làm cho các nỗ lực chống dịch bệnh trở nên phức tạp. Trong tuần qua, Hàn Quốc đã thông báo 3.062 ca nhiễm biến thể mới, và 99% trong số đó là nhiễm biến thể Delta.

Khu vực Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm một nửa dân số 52 triệu người của Hàn Quốc, đã giãn cách xã hội ở cấp độ 4, mức cao nhất trong số các biện pháp phòng chống dịch 4 cấp của Chính phủ Hàn Quốc, trong 6 tuần qua. Các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại sẽ có hiệu lực cho đến ngày 5-9 tới.

Tính đến ngày 25-8, 26,7 triệu người, tương đương 52% dân số Hàn Quốc, đã tiêm mũi đầu tiên vaccine phòng COVID-19. Khoảng 25,1% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng để tạo miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 năm nay.

Israel, Cuba: số ca mắc mới trong ngày cao nhất trong năm

Bộ Y tế Israel ngày 24-8 thông báo nước này ghi nhận thêm 10.945 ca mắc COVID-19, mức trong ngày cao nhất trong năm nay, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.010.055 ca.  Israel cũng ghi nhận thêm 24 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 6.880 ca trong khi số bệnh nhân nặng nghiêm trọng cũng tăng từ 664 ca lên 690 ca. Đến nay, 928.358 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Trên 5,91 triệu người Israel đã tiêm mũi vaccine đầu tiên (tương đương 63,3% dân số nước này) trong khi trên 5,45 triệu người đã tiêm 2 mũi và trên 1,63 triệu người đã tiêm mũi vaccine bổ sung.

Bộ Y tế Cuba ngày 24-8 thông báo nước này có thêm 9.907 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức trong ngày cao nhất từ trước đến nay ở nước này, nâng tổng số ca bệnh ở đảo quốc Caribe này lên 602.526 ca. Cuba cũng có thêm 92 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 4.710 ca. Theo Giám đốc Cơ quan vệ sinh và dịch tễ quốc gia Cuba Francisco Duran, toàn bộ các tỉnh của nước này, ngoại trừ các tỉnh la Habana, Matanzas và quận đảo đặc biệt Isla de la Juventud đều ghi nhận tỉ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2  từ các mẫu xét nghiệm được phân tích tăng hơn 16%. Chính phủ Cuba đang tiến hành chương trình tiêm chủng quốc gia với 3.132.266 người trong  tổng số 11,2 triệu người Cuba đã tiêm 3 mũi của các loại vaccine sản xuất trong nước làAbdala, Soberana-02 hoặc Soberana Plus.

Ấn Độ “bật đèn xanh” cho vaccine COVID-19 công nghệ mRNA tự sản xuất

Ấn Độ đã thông qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiếp theo cho vaccine phòng COVID-19 công nghệ mRNA tự phát triển trong nước. Vaccine do công ty công nghệ sinh học Gennova phát triển và thu được kết quả an toàn, hiệu quả trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu.

Ấn Độ đã thông qua việc sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine COVID-19 tự phát triển trong nước bởi công ty Bharat Biotech và Zydus Cadila. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa có vaccine công nghệ mRNA nào trong chương trình tiêm chủng của nước này. Hiện New Delhi đang lo ngại về làn sóng dịch COVID-19 thứ ba có thể bùng phát.

Gennova dự kiến tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ hai tại 10-15 địa điểm và giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng tại 22-27 địa điểm ở Ấn Độ.  Nhà phân tích Prashant Khadayate tại GlobalData đánh giá: “Vẫn còn quá sớm để vui mừng về loại vaccine này bởi nó mới ở giai đoạn thử nghiệm và chưa hoàn thiện. Đến thời điểm vaccine này được đưa vào thị trường thì Ấn Độ đã tiêm đủ vaccine cho phần lớn dân số”. Tuy nhiên, theo ông Khadayate, việc phát triển và điều chế được vaccine công nghệ mRNA sẽ giúp Ấn Độ “thể hiện sáng tạo khoa học ở tầm cỡ quốc tế”.

Châu Âu phê chuẩn thêm các cơ sở sản xuất vaccine Pfizer/ BioNTech và Moderna

Ngày 24-8, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo phê chuẩn thêm các cơ sở sản xuất vaccine ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ tiên tiến mRNA của hãng dược Pfizer/ BioNTech và hãng Moderna nhằm giúp tăng sản lượng vaccine trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng trở lại tại châu Âu. Theo EMA, một nhà máy ở Saint Remy sur Avre ở Pháp, nằm dưới sự quản lý của Tập đoàn sản xuất dược phẩm Delpharm, dự kiến sẽ được phép sản xuất thêm 51 triệu liều vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech trong năm 2021. EMA cũng phê chuẩn một dây chuyền sản xuất mới t ại một nhà máy của hãng dược BioNTech ở Marburg, Đức với sản lượng khoảng 410 triệu liều vaccine trong năm nay. Bên cạnh đó, EMA cũng thông qua việc sản xuất vaccine của hãng Moderna tại một nhà máy ở Bloomington, bang Indiana, Mỹ cũng như một số địa điểm khác liên quan tới hoạt động thử nghiệm và đóng gói vaccine. Cơ sở sản xuất tại Bloomington do hãng dược phẩm Catalent Inc vận hành.

Cùng ngày, một nghiên cứu diện rộng của Mỹ vừa được công bố cho thấy, hiệu quả chống lây nhiễm của vaccine mRNA ngừa Covid-19 do các hãng Pfizer và Moderna sản xuất giảm từ 91% vào thời điểm trước khi biến thể Delta lây lan mạnh xuống còn 66% sau đó.Tuy nhiên một nghiên cứu khác của CDC thực hiện với các bệnh nhân ở New York cho thấy mức độ bảo vệ của vaccine đối với tình trạng bệnh nặng vẫn ổn định trên 90%.

AN BÌNH