Sợi yêu - Thương nhớ tình quê
Dù đa tài, có duyên với nhiều lĩnh vực (nhà quản lý doanh nghiệp, nhà thiết kế thời trang, MC - P.V), nhưng với riêng tôi, tôi luôn mặc định Huệ Thi là một nhà thơ. Bởi thơ là tình yêu đầu, là đam mê, là một phần máu thịt luôn tự vị, luôn thôi thúc trong tâm hồn và tình yêu của Huệ Thi. Tôi đã dõi theo con đường thơ của chị từ những tập thơ đầu tiên như "Khát khao", "Bóng quê"… cho đến những "Đa Đoan"; "Ngược dòng"…. Mỗi tập thơ là một bước tiến chín hơn, xa hơn, cao hơn trong hành trình sáng tạo. Cứ như thế, thơ chị ngày càng khẳng định giá trị nghệ thuật và vị thế của một nhà thơ đã vào độ chín.
"Sợi yêu" gồm 42 bài thơ, con số 42 là một ẩn ý chị muốn đánh dấu tuổi xuân của mình - cái độ tuổi "rực rỡ" nhất của một người phụ nữ đã vào độ cuối xuân, khi cuộc đời đã trải qua đủ đầy buồn vui, được mất, hạnh phúc, khổ đau… Huệ Thi là người phụ nữ đa cảm và nhạy cảm, yêu thương hết mình đến hệ lụy. Chính vì thế tình yêu là tiếng lòng, là cảm xúc chủ vị trong những bữa tiệc thơ của Thi Huệ. Tập thơ nào cũng chan chứa yêu thương, một vị ngon tưởng chừng như nhàm chán nhưng lại chưa bao giờ thôi quyến rũ, chưa bao giờ làm Huệ Thi thôi theo đuổi. Tình trong "Sợi Yêu" vẫn thế, vẫn là những cung bậc da diết của tình yêu, như thể chữ tình vận vào người phụ nữ sự khao khát được yêu và được sống. Dẫu cho cuộc sống bộn bề, cho dù có già đi thì tình càng đằm sâu, càng thắm đượm, thủy chung. Đó là tình yêu chân thực, đời thực. "Hình như chúng mình già lại càng thấy thương nhau/Bữa cơm nhạt vẫn thấy đời mật ngọt/Là nhân nghĩa đâu cần lời thánh thót/Đôi tay già nắm chặt vẫn run run" (Thôi anh à, mình thương nhau mà sống).
"Sợi yêu" còn như thông điệp, gắn kết và khẳng định vai trò của tình yêu trong cuộc đời, không có tình yêu thì chẳng còn gì để bấu víu để nỗ lực. Xuyên suốt trong tập thơ là sự khao khát níu giữ cái mong manh tưởng chạm đấy rồi đứt đoạn ngay thôi, sợi yêu tưởng dài mà ngắn, tưởng trói buộc lại đôi lúc quá mơ hồ. Tình yêu trong thi ca là thế, có thể thực mà cũng có thể chỉ là tình yêu thi ca, một thứ tình yêu do nhà thơ tạo ra từ cảm xúc và hình ảnh. Người đàn ông, người tình trong thơ Huệ Thi có khi thấp thoáng như điểm tựa, là gần gũi trong hơi thở mà lại ảo mờ xa lạ, cho dù hình tượng của người tình được khắc họa thật sinh động, rõ nét từ hình hài đến tính cách.
"Hơn một lần em gọi giữa chơi vơi/Nơi trái tim không ngoan ấp vào anh mộng mị/Ta vẫn ghìm nhau, hờn ghen bi lụy/Bóp nghẹt nụ cười, héo hắt đành cam/Hơn một lần em thức gọi tên anh" (Hơn một lần).
Tuy nhiên, tình yêu trong "Sợi yêu" cũng đã khác nhiều tình yêu trong các tập thơ trước đó. Hầu hết các bài thơ viết về tình yêu trong "Sợi yêu" là một chuỗi những tự sự, những dặn lòng của một người đã đi qua những nông nổi yêu đương thời tuổi trẻ. Không còn thấy thấp thoáng những dỗi hờn thương nhớ vu vơ, những mộng mơ hoa bướm, mây trời…Tình yêu giờ đây là yêu thương chồng vợ, là mái ấm gia đình, là lòng bao dung, vị tha, chia sẻ… "Không còn hơn thua lời nói/Mình nhường nhau canh ngọt cơm lành". Cũng phải thôi, dù là ai, ở vị trí nào, dù thành công hay thất bại thì Huệ Thi cũng như bao người phụ nữ, cũng luôn mơ về mái nhà bình yên, mơ về một cuộc sống gia đình bình yên, hạnh phúc vợ chồng cùng những đứa con ngoan.
Là người con xứ Quảng nhưng Huệ Thi đã chọn miền đất Tây Đô "Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về" là quê hương thứ hai của đời mình. Dù sống xa nơi chôn nhau cắt rốn, tình quê vẫn luôn đau đáu nhớ thương… Vì thế, không ngẫu nhiên mà chị chọn Sợi yêu làm tên của tập thơ. Sợi yêu không chỉ là tình yêu thi ca, tình yêu đôi lứa, mà còn là hình ảnh sợi mỳ hồn cốt quê hương. Là nỗi nhớ niềm thương quê cha đất mẹ: "Sợi yêu/Sợi nhớ lưng chừng/Cong cong dáng mẹ van đừng xa quê/Sợi yêu níu lắm bộn bề/Sớm mai thức giấc câu thề vẹn nguyên" (Sợi yêu).
Huệ Thi mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ. Chính vì thế mà quê hương trong chị luôn là nỗi niềm thương nhớ, mỗi khi "Lặng nghe chim vịt kêu chiều/Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau". Mỗi một bước đường đời buồn vui hay đau khổ, thua thiệt hay muộn phiền chị lại chứa chan nước mắt nhớ mẹ nhớ quê: "Mỗi lần khổ đau con gục khóc nhoẻn cười/Vin đau khổ, dựa vào đôi chân tự bước/Thương cơn gió từ đâu thổi ngược/Sợi nhớ sợi thương dặn con chớ nản lòng". Và chị luôn dặn lòng cho dù cuộc đời có thế nào, cho dù đi đâu, góc bể chân trời thì trong tâm mình vẫn luôn mang theo quê hương đi đó: "Con mang quê hương theo khắp nẻo non ngàn/Ru ký ức làm hành trang khôn lớn/ Giữa vinh quang nghe tiếng rao: ai mỳ Quảng/Bỗng chùn chân... thèm quỳ gối quay về" và "Mỳ Quảng Nàng Thơ" không đơn thuần là một tiệm ăn ngon, mà đó còn là quê hương, là điểm tựa tinh thần khi mỗi ngày chị được sống giữa lòng quê hương yêu dấu của mình.
"Sợi yêu" là tập thơ đạt đến độ chín, độ sâu cả về nội dung và nghệ thuật, ngôn ngữ và cấu trúc. Thi cảm luôn đầy ắp trong từng tác phẩm. Tác giả đã gói ghém và trang trải được lòng mình qua từng câu chữ, chuyển tải được đủ đầy tình yêu đôi lứa, tình yêu con người và tình yêu quê hương. "Sợi yêu" - một tập thơ hay rất… Huệ Thi, rất đáng đọc.
Trịnh Đình Nghi