Sóng gió trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Thứ năm, 17/05/2018 11:04

Sau những động thái hòa bình tích cực gần đây, Triều Tiên ngày 16-5 bất ngờ hủy cuộc gặp cấp cao liên Triều được lên kế hoạch tổ chức trong ngày. Bình Nhưỡng sau đó còn tuyên bố sẽ xem xét lại kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12-6 tới nếu Washington vẫn tiếp tục yêu cầu họ đơn phương phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nắm tay nhau tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều tổ chức tại làng biên giới Panmunjom hôm 27-4.   Ảnh: Yonhap

Sáng 16-5, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố dừng các cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc dự kiến diễn ra trong ngày, một động thái nhằm phản đối các cuộc tập trận đang diễn ra giữa Hàn-Mỹ. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố cuộc tập trận Thần Sấm giữa các lực lượng không quân Hàn-Mỹ là hành động tập dượt cho cuộc xâm lược Bình Nhưỡng và là hành động gây hấn giữa lúc quan hệ liên Triều đang ấm lên. Bình Nhưỡng cũng cho rằng, cuộc tập trận này đi ngược lại xu hướng cải thiện quan hệ Hàn-Triều và Tuyên bố Panmunjom.

Trong tuyên bố khác sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan nói rằng, Bình Nhưỡng sẽ xem xét lại kế hoạch cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều nếu Washington vẫn tiếp tục yêu cầu Triều Tiên đơn phương phi hạt nhân hóa. "Chúng tôi không còn quan tâm tới những cuộc đối thoại nếu họ chỉ cố gắng đơn phương đẩy chúng tôi vào chân tường và bắt chúng tôi dừng chương trình hạt nhân", ông Kim nói. Nhà ngoại giao Triều Tiên thúc giục Washington nên tham gia cuộc đàm phán với sự chân thành cũng như vì mục tiêu cải thiện quan hệ giữa 2 nước và Bình Nhưỡng sẽ "đáp trả hợp lý" thiện chí của Mỹ.

Quan chức này cũng nhấn mạnh Triều Tiên không quan tâm đến đề xuất từ phía Washington trong đó Mỹ sẽ hỗ trợ về mặt kinh tế đổi lại Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân, "Bình Nhưỡng chưa bao giờ kỳ vọng sẽ phát triển nền kinh tế dựa vào sự giúp đỡ của Washington".

Mỹ-Hàn lo lắng

Ngay sau quyết định đột ngột đình chỉ cuộc hội đàm cấp cao liên Triều của Triều Tiên, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo có cuộc điện đàm để thảo luận về động thái của Bình Nhưỡng phản đối cuộc tập trận chung thường niên đang diễn ra giữa các đồng minh Hàn-Mỹ. Bà Kang cũng giải thích cho ông Pompeo lập trường của Seoul về việc hoãn các cuộc đàm phán liên Triều và lưu ý quyết tâm "mạnh mẽ" của Seoul để thực hiện thỏa thuận đạt được trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều gần đây cũng như kế hoạch của Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên nhanh chóng quay lại đàm phán.

Về phần mình, ông Pompeo cho biết Washington sẽ tiếp tục công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với Bình Nhưỡng sẽ diễn ra tại Singapore vào ngày 12-6 tới, trong khi vẫn sẽ theo dõi sát sao các phản ứng của Triều Tiên. Trong khi đó, vài giờ sau khi Triều Tiên thông báo hủy bỏ các cuộc hội đàm cấp cao liên Triều, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này và Mỹ sẽ vẫn diễn tập trên không kết hợp đang diễn ra như kế hoạch.

Cuộc tập trận Thần Sấm giữa lực lượng không quân của Mỹ - Hàn bắt đầu hôm 11-5 và kéo dài tới ngày 25-5. Cuộc tập trận thường niên kể từ năm 2009 này có sự tham gia của hơn 100 máy bay, trong đó có máy bay tàng hình F-22, máy bay ném bom B-52 và máy bay F-15K. Mặc dù Triều Tiên coi đây là hành động khiêu khích, nhưng cả Mỹ và Hàn đều khẳng định cuộc tập trận của hai nước chỉ mang mục đích "phòng vệ" chứ không nhắm mục tiêu cụ thể tới bên nào.

Đòn "nắn gân" của Triều Tiên?

Việc tuyên bố hủy cuộc gặp cấp cao liên Triều là một trong những diễn biến khó đoán từ phía Triều Tiên dù gần đây nước này đã có những động thái hòa bình tích cực. Tuyên bố của Triều Tiên đưa ra cũng mang tính bất ngờ, bởi nước này không hề lên tiếng về cuộc tập trận Đại bàng non và Giải pháp then chốt mà Mỹ và Hàn Quốc tiến hành trước đó, gần thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh cuối tháng 4.

Trong khi đó, lời đe dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều được cho là nhằm gây áp lực lên Mỹ và Hàn trong bối cảnh tổng thống hai nước đồng minh này sẽ có cuộc gặp ở Washington vào tuần tới. Triều Tiên cũng được cho là đang tìm cách tạo lợi thế để "mặc cả" trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Theo nhà quan sát Josh Smith của tờ Financial Review, ông Trump đã rất kỳ vọng vào thành công của cuộc gặp với ông Kim Jong-un nên bất cứ sự hủy bỏ nào cũng sẽ là một đòn giáng nặng nề nhắm vào nỗ lực của ông nhằm đạt được thành tựu ngoại giao lớn nhất trong nhiệm kỳ. Bởi vậy, ông Smith cho rằng, động thái này nhiều khả năng là hành động thăm dò của ông Kim Jong-un, nhằm đánh giá xem ông Trump sẵn sàng nhượng bộ đến đâu để có thể đạt được kết quả trong cuộc gặp thượng đỉnh.

Chuyên gia an ninh Park Won-gon tại Đại học toàn cầu Handong cũng cho rằng, mục đích thực sự của Triều Tiên không phải là hủy bỏ các cuộc gặp với Mỹ và Hàn Quốc, mà đây là nỗ lực mang tính chiến lược của Bình Nhưỡng nhằm nâng vị thế "mặc cả" trên bàn đàm phán cũng như thể hiện mức độ nhượng bộ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước khi đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Washington và Seoul.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, lời đe dọa này của Triều Tiên mới chỉ là khởi đầu cho những trở ngại trên con đường gập ghềnh hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra ở Singapore. Theo McGough, dù ông Kim Jong-un chưa chính thức đưa ra tuyên bố đe dọa hủy cuộc gặp với Trump, đây sẽ là bài học cho Mỹ về việc Triều Tiên có thể "đổi giọng đột ngột đến mức nào". Bởi vậy, vẫn còn quá sớm để ông Trump có thể khoe khoang về thành tựu mà những người tiền nhiệm không thể đạt được.

AN BÌNH