Sóng thần Ấn Độ Dương - 10 năm đã qua

Thứ sáu, 26/12/2014 09:59

(Cadn.com.vn) - Ngày 26-12-2004, một trận động đất 9 độ Richter ngoài khơi bờ biển phía tây Sumatra, Indonesia gây ra sóng thần lan khắp Ấn Độ Dương, cướp sinh mạng hơn 226.000 người và tàn phá khủng khiếp khu vực ven biển 11 quốc gia.

Sóng thần gây ra một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử hiện đại. Tỉnh Aceh của Indonesia, nằm ngay mũi phía bắc của đảo Sumatra, nơi những con sóng đầu tiên đánh vào, là nơi chịu thiệt hại nặng nhất. 10 năm trôi qua, khu vực này có những tiến bộ đầy ấn tượng trong việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Nhưng những vết sẹo tinh thần vẫn còn đó.

Tàn phá khủng khiếp

Tại Aceh, sóng thần cướp đi sinh mạng của 130.000 người và buộc 500.000 người phải di dời.

Thậm chí, sau đó, địa lý ven biển của tỉnh này được vẽ lại. Thủ phủ Banda Aceh hầu như bị xóa khỏi bản đồ. Tại Ulee Lheue, "khu vực zero" sau sóng thần, chỉ còn một tòa nhà vẫn đứng: nhà thờ Hồi giáo Baiturrahim đã có hàng thế kỷ. Các bức ảnh cho thấy, tòa nhà đứng trơ trọi giữa một cánh đồng không có gì cả, tất cả mọi thứ bị cuốn trôi ra biển.

Người đứng đầu nhà thờ, đã mất anh trai và bà ngoại trong thảm kịch, cho rằng, sự sống còn của nhà thờ là nhờ trời. "Tất cả mọi thứ đã bị phá hủy. Chỉ có các nhà thờ Hồi giáo vẫn còn đứng vững. Cảnh tượng giống như ngày tận thế. Chỉ 10% dân số của Ulee Lheue, khoảng 6.000 người, còn sống sót.

"Khi tôi đến đây, mọi người vẫn đang thu gom các xác chết", Amrullah, nhân viên cứu trợ  tổ chức phi chính phủ Plan International (PI) cho biết. Quy mô sự tàn phá thậm chí còn mở đường hướng đến giải pháp lâu dài cho cuộc chiến tranh dân sự trong khu vực, vốn nổ ra trong gần 3 thập kỷ.  Ngay sau sóng thần, Phong trào Tự do Aceh (GAM) và quân đội Indonesia tuyên bố ngừng bắn để cứu trợ. Tháng 8-2005, hai bên ký thỏa thuận hòa bình, khép lại cuộc xung đột vốn giết chết 15.000 người.

Aceh thay đổi nhanh chóng trong 10 năm qua. Ảnh: Dailymail

Thay đổi nhanh chóng

Thế giới nhanh chóng hỗ trợ Indonesia tái thiết và đối phó với tình trạng khẩn cấp nhân đạo đang diễn ra. Tổng cộng, khoảng 7 tỷ USD viện trợ được đóng góp để xây dựng lại nhà cửa và khôi phục cơ sở hạ tầng ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Sau sóng thần, chính phủ Jakarta phải suy nghĩ lại về cơ chế quản lý thiên tai. Tiến trình ứng phó thảm họa được đặt dưới quyền điều hành trực tiếp của Tổng thống. Năm 2007, chính phủ thông qua đạo luật bắt buộc áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro thảm họa khi xây dựng mới các văn phòng, trường học, nhà máy, nhà cửa. 4 năm sau, LHQ công nhận những nỗ lực của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono là "nhà vô địch toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thiên tai".

Banda Aceh cũng tăng cường các biện pháp cảnh báo. Xung quanh thị trấn, các biển hiệu màu cam chỉ dẫn các tuyến đường di tản sóng thần, và ở một số nơi dọc theo bờ biển, còi cảnh báo được cài đặt. Các trường học, bị phá hủy trong thảm họa sóng thần và được xây dựng lại vào năm 2006 với kinh phí từ PI, cũng đưa chương trình này vào dạy cho học sinh. Hiện giờ, Banda Aceh còn rất ít các dấu vết cho thấy nơi này đã từng trải qua thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất Đông Nam Á.

Dấu hiệu duy nhất của thảm họa là những chiếc thuyền bị sóng thần đẩy vào những nơi kỳ lạ trong thành phố: một chiếc nằm trên đỉnh tòa nhà ở Banda Aceh - một trong những đài tưởng niệm nhỏ - và một chiếc nằm trên bãi biển bên ngoài thị trấn.

Tổn thương tinh thần dai dẳng

Một thập kỷ là đủ để xây dựng lại cơ sở hạ tầng trong khu vực, song những vết sẹo tinh thần có thể phải mất thêm nhiều thời gian nữa mới có thể chữa lành.

Nhiều người chứng kiến cảnh những người thân yêu, của cải, và các cộng đồng dân cư bị cuốn ra biển - gánh nặng về tình cảm và tâm lý khó có thể xóa sạch. Dilla Damayanti chứng kiến cảnh bạn học mình bị những con sóng cuốn đi khi cô chỉ mới 5 tuổi. Hiện giờ, cảnh tượng đó vẫn ám ảnh cô và cảm giác hoảng sợ vẫn không ngừng tăng lên.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, 20% số người sống sót bị rối loạn tâm thần sau thảm họa, gánh nặng kép đối với Aceh sau nhiều năm nội chiến và xung đột. Người dân Aceh "bị tổn thương do nội chiến, sau đó họ lại bị sóng thần tấn công", Amrullah của PI nói.  Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, đến lúc đứng lên cho một khởi đầu mới.

An Bình
(Theo Diplomat)