Sri Lanka săn lùng những kẻ đánh bom liều chết

Thứ ba, 23/04/2019 11:54

Hiện vẫn chưa có tổ chức hay cá nhân nào nhận trách nhiệm đứng sau loạt tấn công này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hình thức của vụ tấn công cho thấy tổ chức cực đoan IS có thể là thủ phạm.

Cơ quan an ninh điều tra bên trong nhà thờ St Sebastian ở Negombo, 1 ngày sau loạt tấn công rung chuyển Sri Lanka.   Ảnh: AFP

Số người chết vì loạt đánh bom xé toạc các nhà thờ và khách sạn sang trọng ở Sri Lanka tiếp tục tăng lên tới 290 trong bối cảnh cảnh sát tuyên bố tiếp tục bắt giữ những kẻ tình nghi liên quan các vụ tấn công tồi tệ nhất của quốc đảo Ấn Độ Dương trong hơn một thập kỷ qua.

8 vụ nổ với kế hoạch tấn công  xảy ra trong dịp kỷ niệm lễ Phục sinh tại các nhà thờ và khách sạn ở thủ đô Colombo và những khu vực khác của đất nước vào hôm 21-4. AFP cho biết, theo con số công bố mới nhất, ngoài 290 người chết, hơn 500 người bị thương trong loạt tấn công đúng vào Lễ Phục sinh này. Trong số những nạn nhân thiệt mạng có 37 người nước ngoài, là công dân Ấn Độ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Nhật Bản và Bồ Đào Nha, cũng như một người mang hộ chiếu Mỹ-Anh.

Ban bố tình trạng giới nghiêm, chặn các mạng xã hội

Cảnh sát hôm 22-4 cho biết, 24 kẻ tình nghi đã bị bắt giữ. Tuy nhiên, lo ngại bùng nổ những căng thẳng sắc tộc, tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan, chính phủ chỉ cung cấp một vài chi tiết về những người kẻ bị bắt giam, động thái khiến các nhà lãnh đạo Hồi giáo hàng đầu ở Sri Lanka đã yêu cầu áp “hình phạt cao nhất” đối với các thủ phạm.

Theo các nguồn tin cảnh sát cấp cao cho biết, 13 người trong số này đều là những thành viên bị nghi thuộc nhóm cực đoan. AFP còn dẫn một nguồn tin cho biết, một kẻ đánh bom tự sát đã xếp hàng chờ đợi dùng bữa sáng tại khách sạn Cinnamon Grand ở Sri Lanka trước khi kích nổ quả bom mang trên lưng. Một quản lý của khách sạn Cinnamon Grand cho biết, người đàn ông ôm bom tự sát trên đã đăng ký phòng khách sạn dưới cái tên Mohamed Azzam Mohamed vào tối trước đó. Khách sạn Cinnamon sau đó đã kiểm tra địa chỉ của kẻ đánh bom và hóa ra đó là địa chỉ giả. Y là người Sri Lanka và nói với khách sạn rằng, y đến thành phố để kinh doanh.

Cùng với một chiến dịch săn lùng quy mô lớn, chính quyền Sri Lanka đã chặn hầu hết các dịch vụ mạng xã hội tại nước này. Tổ chức quan sát mạng Internet NetBlocks cho biết, họ nhận thấy việc mất tín hiệu các dịch vụ mạng xã hội bao gồm Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, Snapchat và Viber tại Sri Lanka. Trong khi đó, các quan chức Sri Lanka cho biết họ tạm thời chặn các mạng xã hội nhằm ngăn chặn việc đăng tải các thông tin sai sự thật và nhằm giảm căng thẳng hiện nay. Bộ Quốc phòng Sri Lanka khẳng định việc dừng các dịch vụ sẽ được kéo dài cho đến khi chính phủ kết thúc điều tra loạt đánh bom.

Lệnh giới nghiêm cũng được áp đặt trên toàn quốc trong khi cuộc sống dần trở lại trên các đường phố ở thủ đô, mặc dù chính phủ đã ra lệnh nghỉ 2 ngày và các trường học và sàn giao dịch chứng khoán Colombo đóng cửa. Tuy nhiên, quốc đảo này vẫn đứng trên bờ vực nguy hiểm khi một quả bom tự chế đã được tìm thấy và gỡ thành công gần sân bay quốc tế Bandaranaike ở Sri Lanka.

Một người đàn ông Sri Lanka đau đớn khóc trong khi nỗ lực tìm kiếm thi thể các thành viên gia đình thiệt mạng trong vụ nổ nhà thờ.  Ảnh: AP

Do IS gây ra?

Hiện vẫn chưa có tổ chức hay cá nhân nào nhận trách nhiệm đứng sau loạt tấn công này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hình thức của vụ tấn công cho thấy tổ chức cực đoan IS có thể là thủ phạm.

Trên thực tế, chuyên gia phân tích tội phạm của chính phủ Sri Lanka Ariyananda Welianga cho biết, các vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời ở 3 nhà thờ và 3 khách sạn ở trong và quanh thủ đô Colombo được thực hiện bởi 7 kẻ đánh bom liều chết. Theo chuyên gia Welianga, một bản phân tích về các bộ phận cơ thể của những kẻ tấn công thu được từ hiện trường cho thấy đây đều là các vụ đánh bom liều chết. Chuyên gia này nêu rõ, 2 phần tử liên quan vụ tấn công khách sạn Shangri-La, trong khi 5 vụ tấn công ở các khách sạn Cinnamon Grand và Kingsbury, nhà thờ St. Anthony ở Colombo, nhà thờ St. Sebastian ở thành phố Negombo và nhà thờ Zion ở thành phố Batticaloa là do 5 phần tử khác thực hiện. 2 vụ đánh bom vài giờ sau đó tại một nhà khách và gần một cầu vượt ở ngoại ô Colombo vẫn đang được điều tra.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE)  đã gây ra vụ tấn công này. Bạo lực sắc tộc và tôn giáo đã khiến Sri Lanka khốn đốn trong nhiều thập kỷ, với cuộc xung đột kéo dài 37 năm với nhóm LTTE và sau đó là một cuộc đụng độ trong những năm gần đây giữa phe đa số Phật giáo và Hồi giáo.

Vì sao Sri Lanka không thể ngăn chặn dù được cảnh báo?

Nhiều người dân Sri Lanka đặt câu hỏi vì sao không thể ngăn chặn các cuộc tấn công dù đã có những cảnh báo về các vụ nổ bom như thế này.

Vào ngày 11-4, cảnh sát trưởng Sri Lanka Pujuth Jayasundara từng đưa ra cảnh báo tình báo với các sĩ quan hàng đầu, nói rằng, những kẻ đánh bom tự sát từ một nhóm có tên là National Thowheeth Jamaath (NTJ) - một nhóm Hồi giáo cực đoan liên quan đến việc phá hoại các bức tượng Phật giáo - đã lên kế hoạch đánh vào “các nhà thờ nổi tiếng”.

Chuyên gia phân tích chính trị và địa chiến lược Javed Rana nhận định, mặc dù vẫn còn quá sớm để kết luận nhưng rõ ràng giới chức Sri Lanka hoàn toàn không được chuẩn bị cho một loạt các vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Trả lời phỏng vấn kênh RT, chuyên gia này cho rằng giới chức Sri Lanka hoàn toàn “mất cảnh giác” trước loạt vụ đánh bom được lên kế hoạch kỹ càng này bởi “đây là những điều họ không nghĩ sẽ xảy ra sau năm 2009, khi làn sóng nổi dậy của lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) chấm dứt”. Theo ông Rana, chính phủ Sri Lanka yên tâm, chủ nghĩa khủng bố đã không còn ở quốc gia này.

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena, người đã ở nước ngoài trong thời gian xảy ra các vụ tấn công ở trong nước, đã triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia vào sáng 22-4. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng tham dự cuộc họp này và cho biết đã mở cuộc điều tra vì sao không có các biện pháp phòng ngừa đầy đủ.

KHẢ ANH