Sự chủ quan nguy hiểm

Chủ nhật, 10/11/2013 23:37

(Cadn.com.vn) - Hơn 10.000 người có thể đã chết và gần 80% nhà cửa, công trình ở tỉnh Leyte, Philippines bị san phẳng-con số kinh hoàng ấy đủ khiến chúng ta giật mình thon thót ngay cả khi Đà Nẵng và các tỉnh Nam Trung Bộ đã thở phào nhẹ nhõm vì thoát khỏi lưỡi hái của cơn siêu bão HaiYan. Sẽ chẳng thể tưởng tượng hậu quả khủng khiếp thế nào nếu như cơn siêu bão đổ bộ trực diện vào đất liền trong khi sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão vẫn còn diễn ra ở một bộ phận người dân, đơn vị.

Ứng phó với diễn biến phức tạp, nguy hiểm của cơn bão, cả hệ thống chính trị T.Ư đến địa phương và mọi người dân, phương tiện cần thiết đã được huy động vào cuộc quyết liệt nhất phòng, chống, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Tất cả đều thể hiện quyết tâm chính trị cao phải đặt tính mạng và tài sản của nhân dân lên hàng đầu.

Mệnh lệnh ấy đã được hầu hết chính quyền các cấp, đơn vị chức năng và người dân thực thi một cách nghiêm túc, hiệu quả bằng nhiều hình ảnh cảm động LLVT giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, sơ tán và bố trí nơi ăn nghỉ chu đáo cho du khách nước ngoài ở Hội An hay cách làm sáng tạo đào hầm tránh bão ở Quảng Nam...

Điều lạ là trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng, căng thẳng cực độ đó thì một bộ phận người dân, đơn vị vẫn chưa ý thức chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương đề ra, vẫn còn chủ quan, lơ là trước sự nguy hiểm khó lường của thiên tai. Đơn cử ngay tại cuộc họp chiều 9-11, một lãnh đạo Quân khu 5 vẫn còn cảnh báo: Ngay sát thời điểm bão HaiYan đổ bộ, qua kiểm tra trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn còn nhiều hộ dân ở các vùng cửa sông, cửa biển và công nhân, sinh viên sống trong các nhà trọ tạm bợ chưa sơ tán di dời. Một số nơi, nhiều người dân đóng cửa “cố thủ” trong các căn nhà rất tạm bợ.

Tính đến 16 giờ 30 chiều 9-11, vẫn còn hơn 320 tàu cá của các ngư dân miền Trung đang tranh thủ đánh bắt gần bờ và cả ngàn thủy thủ trên các tàu hàng đậu tại 7 cảng ở các tỉnh miền Trung chưa chịu lên bờ. Những trường hợp trên buộc chính quyền phải có biện pháp mạnh, cưỡng chế sơ tán hoặc đưa lên bờ nhằm đảm bảo tính mạng.

Hay công trình tòa nhà cao tầng Ngân hàng Công Thương Việt Nam do đơn vị Vinaconex 25 đang thi công xây dựng, không hiểu vì nguyên nhân bất khả kháng nào đã không tiến hành hạ cẩu tháp trước 19 giờ ngày 9-11 theo Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP. Đơn vị thi công chỉ cho dựng hàng rào chắn tạm trên các tuyến đường vào khu vực tòa nhà, trong khi nhiều nhà dân trong khu vực bên dưới cẩu tháp vẫn không được sơ tán hết sức nguy hiểm nếu bão đổ bộ vào.

Đó là chưa kể nhiều hành vi khác coi thường ngay cả tính mạng chính mình như tình trạng một số đối tượng chạy ra đường trong mưa bão để hôi của, kể cả chuyện thủy điện xả lũ không đúng quy trình cũng gây chết người, thiệt hại tài sản trước đây...

 Rất may, siêu bão HaiYan đã đổi hướng, không trực diện quét vào đất liền miền Trung, song nó cũng kịp cướp đi 9 mạng người và làm bị thương 2 người, nhiều trường hợp trong số đó là do bất cẩn, chủ quan để xảy ra tai nạn trong khi chằng chống nhà cửa. Sự chủ quan, thờ ơ nguy hiểm đáng báo động ấy chính là một trong những nguyên nhân khiến thiệt hại tăng lên. Điều cần thiết là sự chủ quan ấy phải được xóa bỏ triệt để trong ý thức, nhận thức của từng cấp, từng ngành, đơn vị, từng người dân để biến thành hành động quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn trong việc ứng xử, ứng phó với tai họa thiên nhiên đang ngày càng bất thường, nguy hiểm hơn.

Nói như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp phòng chống bão HaiYan tại Sở chỉ huy tiền phương sáng 10-11: “Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong mọi tình huống, kể cả khi bão tan. Phải đặt mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân lên hàng đầu, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên nhiên gây ra”.

Quang Sang