Siêu bão Haiyan đe dọa trực tiếp các tỉnh Bắc Trung Bộ

Chủ nhật, 10/11/2013 16:40

 * Quảng Ngãi, Quảng Nam, TP Đà Nẵng “thoát nạn”

(Cadn.com.vn) - Sáng 10-11, tại Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu 5, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng về biện pháp phòng, chống bão HaiYan.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác ứng phó bão HaiYan
tại Sở chỉ huy tiền phương sáng 10-11.

Theo báo cáo mới nhất, diễn biến của siêu bão HaiYan càng trở nên quái lạ, phức tạp khi thay đổi dướng di chuyển dần ra xa bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Lúc  8 giờ sáng 10-11, tâm bão ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Thừa Thiên Huế 195km về phía Đông. Cường độ mạnh cấp 13, cấp 14. Đường đi của bão càng lúc càng dịch chuyển nhiều hơn về phía Bắc và sẽ quét dọc ven biển Bắc Trung Bộ với gió mạnh 100km mỗi giờ, tâm mưa sẽ dồn vào đồng bằng và Đông Bắc Bộ.. Dự báo, trong 6 giờ tới, di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km.Điều này khiến các tỉnh được dự báo là tâm bão bổ bộ như TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi thở phào nhẹ nhỏm vì đã gần như “thoát nạn” song nỗi lo lại dồn sang các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Bắc khi cơn bão dự báo quét qua khu vực này.

Do không đổ bộ thẳng, nên miền Trung nhiều khả năng sẽ không gánh chịu sức mạnh hủy diệt của một siêu bão. Tuy nhiên, đến sáng 10-11, đã có 4 người chết trong bão HaiYan, trong đó, Quảng Nam 2 người là ông Nguyễn Hoa, 57 tuổi trú khối phố Đông Yên, phường Hoà Thuận, thành phố Tam Kỳ, trong lúc chặt cây bị ngã chết lúc 13 giờ ngày 9-11; ông Nguyễn Văn Hiền, 44 tuổi, trú xã Đại Quang bị ngã từ mái nhà trong lúc chằng chống nhà cửa. Quảng Ngãi 1 người là ông  Phùng Thanh Liêm, 50 tuổi, ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, trong lúc chặt cây phòng, chống bão số 14 bị ngã chết lúc 15 giờ ngày 9-11 và TT-Huế 1 người là ông Nguyễn Giáp, 54 tuổi, trú Phong Hải bị tai nạn trong lúc chằng chống nhà cửa.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết phát biểu tại cuộc họp.

Sau khi nghe ý kiến về tình hình diễn biến cơn bão, các biện pháp ứng phó, khắc phục của các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cơn bão HaiYan có sức tàn phá khủng khiếp (báo cáo mới nhất Philipin có đến 1.200 người chết do bão HaiYan), tuy nhiên, với quyết tâm chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ T.Ư đến địa phương, sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, tất cả các địa phương dự báo ảnh hưởng cơn bão đã làm rất tốt công tác phòng chống bão.

Bão đổi hướng không đe dọa trực tiếp từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng, nhưng sự vào cuộc quyết liệt chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và việc thực thi chỉ đạo của từng ngành, đơn vị, địa phương là vô cùng cần thiết, không hề hoài công, thể hiện trách nhiệm cao bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân. Phó Thủ tướng đánh giá cao các tỉnh nằm trong vùng bão đe dọa đã làm tốt công tác tổ chức sơ tán di dời hàng chục ngàn hộ dân với hơn 600.000 người, lo đầy đủ chỗ ăn nghỉ, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, cũng như triển khai nhiều biện pháp đối phó với bão hiệu quả, sáng tạo như: Đào hầm trú bão, huy động lực lượng CA, Quân đội giúp dân sơ tán, tổ chức sơ tán du khách quốc tế…

Phó Thủ tướng lưu ý: Dự báo bão không vào nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là bởi vẫn còn diễn biến phức tạp, sức gió mạnh, lượng mưa rất lớn, còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải theo dõi thường xuyên, chủ động triển khai các biện pháp đối phó hiệu quả. Trước mắt, các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi bắt đầu từ 12 giờ trưa nay (10-11), tổ chức đưa dân vùng sơ tán trở về lại nhà mình an toàn, chú ý hỗ trợ, giúp đỡ tối đa người già, bệnh tật, trẻ em, cũng như tổ chức họp rút kinh nghiệm, làm tốt công tác cho người dân chú ý những hiểm họa sau bão. Ngoài ra, lưu ý theo dõi, có biện pháp giải quyết tốt tình trạng sạt lở ở miền núi, lũ lụt ở đồng bằng và có kế hoạch dự trữ đủ lương thực, nước uống, thuốc men trong tình huống xấu. Đặc biệt, các Bộ, ngành liên quan phải nhanh chóng phối hợp, chỉ đạo các tỉnh Bắc Trung Bộ và phía bắc tập trung nỗ lực đối phó khi cơn bão đổ bộ, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng chống bão
tại Âu thuyền Thọ Quang

* Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, trước 19 giờ đêm 9-11, toàn bộ 7 quận, huyện trên địa bàn đã hoàn thành việc sơ tán dân đến nơi an toàn. Đến sáng 10-11, mọi hoạt động ở thành phố dần trở lại bình thường. Trong sáng nay, các cấp chính quyền sẽ tổ chức cho dân sơ tán trở lại về nhà. Hiện thành phố chỉ đạo ngành chức năng tập trung biện pháp phòng chống lũ quét ở địa bàn miền núi và tuyên truyền không để người dân chủ quan khi bão tan.

Thoát siêu bão Haiyan, nhân dân Đà Nẵng thở phào

Vậy là các tỉnh miền Trung từ Đà Nẵng trở vào cơ bản đã thoát siêu bão Haiyan khi Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo nhanh tại cuộc họp Ban chỉ huy tiền phương do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Quân khu 5. Dự báo mới nhất cho thấy, bão đã đi chệch hướng ra phía Bắc, chỉ gây gió cỡ cấp 7 -8 trên các đảo và ven biển miền trung. Tuy nhiên Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn lưu ý các địa phương phải đề phòng tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra, bởi sau bão sẽ xuất hiện mưa lũ lớn.

Theo ghi nhận của phóng viên tại Đà Nẵng, do lo lắng siêu bão nên cả đêm 9-11, rât nhiều người dân đã không ngủ, nhất là nhân dân các vùng ven biển Thanh Khê, Sơn Trà. Thực tế của phóng viên tại quận Sơn Trà cho thấy, bắt đầu từ 4 giờ sáng 10-11, gió bắt đầu lớn kéo theo mưa to trên diện rộng. Tại các khu chung cư ở tổ 25 phường Nại hiên Đông nhiều người dân vẫn đứng ngồi không yên, thức trắng đêm dù chính quyền địa phương đã sơ tán tới nơi an toàn.

Bà Huỳnh Thị Mai (phường Mân Quang) cho biết: "không ngủ được cháu ạ. Làm sao ngủ được khi số phận của căn nhà nhỏ đang treo mình trước miệng siêu bão Haiyan". Nhiều người được di dời, ở chung với bà Mai cũng không khác, thức đến sáng để nghe ngóng tin bão. Ai cũng lại trời thương cho Đà Nẵng, thương cho căn nhà nhỏ của mình đang đánh đu số phận bên miệng biển. "Bão số 11 vừa qua, mái tôn bay một góc rồi, nay vừa sửa lại mà bão cho bay luôn thì khổ lắm" - chị Nguyễn Thị Tám lo lắng.

Khoảng 6 giờ, toàn TP Đà Nẵng mưa phủ trắng trời, tất cả các tuyến đường chỉ lác đác vài chiếc xe taxi qua lại. Ở tuyến đường Vân Đồn, Nguyễn Trung Trực, Hoa Lư, Hồ Sĩ Tân, (Sơn Trà),  nhiều thùng rác di động bay tung tóe còn người dân thu mình trong nhà, thi thoảng mở cửa ra  nhìn ra đường đầy lo lắng.

Mặc dù tâm bão không vào Đà Nẵng nhưng sức gió vẫn lớn, mưa to trên diện rộng, trong khi đó lúc 8 giờ cùng ngày, người dân vẫn rất chủ quan. Nhiều người đã ra đường biển dạo chơi và tàu thuyền trên sông đã bắt đầu đi lại đánh cá. Dọc tuyến Nguyễn Tất Thành, Trường Sa- Hoàng Sa, từng đợt cuồng phong vẫn riết lên từng hồi, sóng biển nhiều khi đánh cao 1-2m, cây cối lắc lư như muốn gãy đổ.

Dưới đây là những hình ảnh phóng viên Báo CATP Đà Nẵng ghi lại được từ 4 giờ đến 9 giờ cùng ngày:

Vô số người dân Đà Nẵng thức trắng đêm ở nơi được di dời đến.

Gió rít mạnh lúc 4 giờ 15 sáng 10-11.

Người dân thi thoảng mở cửa ra  nhìn ra đường đầy lo lắng lúc 7 giờ sáng.

Đến 7 h 30, người dân đã thở phào, đi ra đường vì bão không và Đà Nẵng.

Sáng 10-11, cán bộ phường Nại Hiên Đông đã thăm bà con nơi di dời và tặng mỳ tôm.
Dù bão không vào nhưng tại đường Hoàng Sa, gió vẫn rít mạnh lúc 8 giờ 15.

Dù bão đã đi qua nhưng sức gió vẫn lớn, tuy nhiên ngư dân Đà Nẵng vẫn chủ quan,
đi đánh cá trên sông lúc 9 giờ sáng 10-11.

Công Hạnh-Quang Sang