Miền Trung thoát bão, chưa thoát lũ

Thứ hai, 11/11/2013 13:21

(Cadn.com.vn) - Ngày 10-11, sau những giờ phút cực kỳ căng thẳng, lo âu, cuối cùng người dân miền Trung đã thở phào vì thoát khỏi cuồng phong. Thế nhưng, công việc phòng chống bão lụt vẫn ngổn ngang, chồng chất và ai cũng nơm nớp lo cho đồng bào miền Bắc phải đối mặt với siêu bão Haiyan, một trong 4 cơn bão mạnh nhất lịch sử nhân loại.

Sáng 10-11, tại phiên họp thứ 3 của Ban chỉ huy tiền phương và cuộc họp trực tuyến tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, các bộ ngành trung ương và địa phương vẫn phải cẩn trọng đề phòng bởi thông thường sau bão sẽ xuất hiện mưa lũ lớn...

Hồ thủy điện Ayun Hạ (Gia Lai) xả nước giảm dung tích hồ chứa.

Bão Haiyan vào Đông Bắc Bộ

Tại cuộc họp báo về cơn bão số 14 do Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức vào chiều 10-11, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, muộn là khoảng 3 - 4 giờ rạng sáng 11-11, bão số Haiyan đi vào bờ. Khi vào đến bờ, vùng gần tâm bão sẽ ở cấp 10, đầu cấp 11, giật cấp 12 - 13. Các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình - Quảng Ninh là những địa phương chịu ảnh hưởng của bão mạnh nhất.

Lúc 20 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão Haiyan ở cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Quảng Ninh khoảng 190km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng chống bão
tại P. Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc của Bắc Bộ và yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ hôm nay (11-11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ.

Theo bản tin chiều 10-11 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ngày 10-11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa phổ biến tính đến 13 giờ khoảng 40 – 100mm, một số nơi lớn hơn như Hòn Ngư (Nghệ An) 172mm; Nam Đông (Huế) 156mm; Trà Bồng (Quảng Ngãi) 155mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 297mm.

Dự báo, hôm nay (11-11) ở khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển các đảo từ Ninh Bình – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3,5 – 4,5m. Sóng biển 2,0 – 4,0m, vùng gần tâm bão có thể tới 6m.

Mực nước các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ lên. Hôm nay, 11-11, mực nước các sông từ Thanh Hóa đến TT-Huế và Quảng Ngãi lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2; các sông ở Quảng Nam còn dưới mức BĐ1; các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có dao động nhỏ. Đề phòng lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối miền núi các tỉnh từ Thanh Hóa đến TT-Huế.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tình hình phòng chống bão lụt tại Nghệ An.

Không hề hoài công

Thoát khỏi sức mạnh hủy diệt của siêu bão do tâm cuồng phong Haiyan không tiến thẳng vào đất liền, tuy nhiên, miền Trung vẫn  thiệt hại đáng kể, trong đó có 9 người chết, 2 người bị thương

Tại cuộc họp Ban Chỉ huy tiền phương và trực tuyến diễn ra tại Đà Nẵng ngày 10-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, rằng bão HaiYan có sức tàn phá khủng khiếp, nhất là từ báo cáo mới nhất của đất nước Philippines - có hơn 10.000 người đã chết nên khi không đổ bộ vào miền Trung là điều rất mừng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng rất ngợi khen sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác dự báo và phòng chống bão, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Đồn Biên phòng Mỹ Thủy (Quảng Trị) đón bà con đến trú bão tại đơn vị.

Đó là cuộc sơ tán dân lịch sử với hàng chục ngàn hộ dân, hơn 600.000 người. Đó là lo đầy đủ chỗ ăn nghỉ, đảm bảo an toàn, ANTT và triển khai nhiều biện pháp sáng tạo đối phó với bão hiệu quả như đào hầm trú bão, huy động lực lượng CA, Quân đội giúp dân sơ tán, tổ chức sơ tán du khách quốc tế... “Chúng ta làm tốt phương án phòng chống bão như thế không hề hoài công chút nào. Điều đó đã thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng, của chính quyền các cấp đối với người dân. Thậm chí có địa phương còn có phương án hay. Tôi đi kiểm tra thực tế, thấy hình ảnh đào hầm tránh bão ở Quảng Nam, cái đó mới sáng tạo, cần phải nhân rộng để phòng chống bão sau này” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ 12 giờ ngày 10-11, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng tổ chức đưa dân vùng sơ tán trở về lại nhà. “Trừ Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) , Cù Lao Chàm, Cù Lao Xanh... chờ khi điều kiện thời tiết tốt mới tiến hành di dời, còn lại các địa phương phải khẩn trương đưa dân về nhà. Mà lúc sơ tán dân đi có lực lượng hùng hậu hỗ trợ, xe cộ di chuyển thì khi về cũng phải như thế, cần có các lực lượng vũ trang, ĐVTN, dân quân tự vệ... giúp dân, người già phải được khiêng bế di chuyển... chứ không được bỏ mặc nhân dân tự về.

Khi về rồi phải họp dân rút kinh nghiệm, cái gì tốt biểu dương, phát huy tinh thần chủ động, chấp hành, tự giác qua đó giáo dục ý thức cho người dân tốt hơn để làm tốt khâu sơ tán những cơn bão sau” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Người dân xã ven biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đi sơ tán bão đã trở về nhà.

Nơi nào cấp thiết sẽ huy động máy bay, thiết giáp

Thiếu tướng Phạm Quang Cử - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo PCLB&TKCN-Bộ CA cho biết, trong các ngày 9 và 10-11, theo chỉ đạo của Bộ CA, lực lượng CA các địa phương đã huy động 90 đoàn công tác kiểm tra phòng chống bão và 9.000 CBCS tham gia giúp dân sơ tán, chằng chống, gia cố nhà cửa. Bên cạnh chốt chặn, không cho các phương tiện giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đi vào các địa phương chịu ảnh hưởng của bão, lực lượng CSCĐ-Bộ CA đã huy động hơn 5.000 CSCĐ trực chiến, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi cần thiết. CA các đơn vị địa phương cũng túc trực 24/24 đối phó với bão, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Quân khu V huy động xe đặc chủng sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu.

Theo Trung tướng Lê Chiêm - Tư lệnh Quân khu V: Quân khu đã thiết lập 4 Sở Chỉ huy ứng phó với bão Haiyan, gồm: Sở chỉ huy tiền phương tại Quân khu 5 (TP Đà Nẵng), 1 ở Sư đoàn BB315, 1 ở Bình Định và 1 Sở chỉ huy cơ động. Lữ đoàn CB270 đã chuẩn bị lực lượng cứu hộ, sẵn sàng cơ động theo lệnh của Quân khu. Lữ T-TG 574 và Tiểu đoàn PH78 triển khai 5 xe thiết giáp lội nước cùng 1 xe chỉ huy sẵn sàng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống khác trong bão. 24 xe đặc chủng, 88 ca nô, tàu xuồng cũng đã được đưa vào trực chiến, phục vụ công tác ứng phó bão Haiyan. Đến nay, Quân khu V đã triển khai 5.400 bộ đội chủ lực và 7.500 dân quân tự vệ xuống hỗ trợ người dân phòng chống bão. Đồng thời, huy động 2 trực thăng, 200 phương tiện ứng cứu kịp thời khi có tình huống khẩn cấp.

Vẫn chưa hết lo

Theo ông Phan Công Bình, Trưởng Ban Quan hệ cộng đồng, Tổng Cty Điện lực miền Trung (EVNCPC), đến chiều 10-11, toàn bộ lưới điện 110 kV khu vực miền Trung đã cơ bản khắc phục xong sự cố và đang vận hành bình thường ngoài địa phương Quảng Nam còn 2 xuất tuyến ở Kỳ Hà mất 1,2 MW, nhưng dự kiến sẽ khôi phục trong buổi tối cùng ngày.

Với ngành hàng không, trong ngày 10-11, các hãng đã hủy gần 100 chuyến bay đến và đi từ sân bay Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Quy Nhơn, Tuy Hòa, trong đó Vietnam Airlines hủy nhiều nhất với 62 chuyến. Đại diện các hãng cũng cho hay, đến khoảng 18 giờ ngày 10-11 các đường bay đã hoạt động trở lại đồng thời tăng cường thêm các chuyến bay để giải phóng khách.

Tại TT-Huế, đến chiều 10-11, các hồ thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh như: A Lưới, Bình Điền, Hương Điền tiếp tục xả lũ, các hồ thủy lợi đều mở hết các cửa van. Làm việc với lãnh đạo tỉnh TT-Huế, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị những ngày tới phải thường xuyên thông báo cho bà con ở hạ du về việc xả lũ của các hồ thủy điện, thủy lợi để người dân chủ động đối phó.

Tại Nghệ An, để đảm bảo an toàn các hồ đập, các đơn vị thủy lợi đã tiến hành xả lũ 1 cửa tại hồ Vực Mấu (Quỳnh Lưu) hồ Khe Canh (Nghĩa Đàn) và hồ Sông Sào (Nghĩa Đàn). Hiện mực nước ở các hồ chứa này đang ở mức an toàn... Từ trưa 10-11, CA tỉnh Nghệ An cũng đã huy động 800 CBCS xuống các địa bàn xung yếu để giúp nhân dân phòng chống bão lụt.

Trong ngày 10-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã đến Hà Tĩnh kiểm tra công tác phòng chống bão. Phó Thủ tướng chỉ đạo, dù bão không đổ bộ vào đất liền nhưng tuyệt đối địa phương không được chủ quan, kể cả công tác di dời dân cũng như phương án xả lũ, bảo vệ hồ đập thủy lợi, tài sản của nhân dân.         

NHÓM P.V THỜI SỰ