Sứ mệnh bất khả thi của tân Thủ tướng Iraq

Thứ sáu, 20/03/2020 12:08

Nhằm tháo gỡ bế tắc kéo dài nhiều tháng qua trên chính trường Iraq, Tổng thống Barham Salih hôm 17-3 đã đề cử ông Adnan al-Zurfi, cựu Thị trưởng thành phố Najaf, làm Thủ tướng mới của nước này. Tân Thủ tướng Iraq là người đứng đầu nhóm nghị sĩ đảng Nars của cựu Thủ tướng Haider Al Abadi tại Quốc hội và là đồng minh của Mỹ. Ông Zurfi có 30 ngày để thành lập chính phủ mới với mục đích đưa nước này vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Tổng thống Iraq Barham Salih (trái) gặp Thủ tướng mới được chỉ định Adnan al-Zurfi tại Baghdad hôm 17-3.   Ảnh: Reuters

Chính trường Iraq lâm vào bế tắc sau khi làn sóng cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra buộc Thủ tướng Adel Abdul Mahdi phải từ chức hồi tháng 11-2019. Cựu Bộ trưởng Truyền thông Mohammed Allawi sau đó đã được chỉ định thay thế, nhưng buộc phải rút lui sau khi Quốc hội không thông qua nội các do ông đề cử vì bất đồng giữa các phe phái về các vị trí bộ trưởng.

Kêu gọi đoàn kết

Trong một đoạn băng được công bố bởi cơ quan truyền thông nhà nước Al-Sabaah, ông Zurfi đã phác thảo chương trình cho chính phủ mới của mình. Bên cạnh việc tổ chức các cuộc bầu cử mới tự do và công bằng cho phép người Iraq quyết định tương lai của chính họ, đẩy lùi bùng phát dịch Covid-19 và thúc đẩy Quốc hội thông qua ngân sách, ông Zurfi cho biết ông quyết tâm đưa các phe phái vũ trang của Iraq đoàn kết trở lại và bảo vệ quyền của người biểu tình. “Tôi đã tuyên bố thực hiện kế hoạch hành động của nội các mới mà tôi đã vạch ra - nếu các nghị sĩ và người biểu tình trên đường phố ủng hội tôi - để cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng ở Iraq”, ông Zur Zurfi nói. “Tất cả hãy cùng phối hợp với nhau để mang lại hòa bình và tự do cho đất nước”, ông kêu gọi.

Tương tự số phận của ông Allawi?

Nhiệm vụ của tân Thủ tướng Zurfi là vô cùng khó khăn. Ngoài việc thành lập chính phủ đoàn kết được sự chấp thuận của các phe phái chính trị, ông Zurfi còn phải tìm cách đưa Baghdad ra khỏi thế kẹt giữa cuộc đối đầu của Mỹ và Iran ngay tại nước này. Sau cuộc không kích của Mỹ giết chết Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh vệ binh Iran, những vụ đáp trả qua lại thường xuyên giữa hai phía khiến Iraq rơi vào bất ổn. Các chính trị gia Iraq thân Iran đã tìm cách chuyển hướng dư luận từ bất mãn với giới cầm quyền quay sang phản đối Mỹ và yêu cầu rút quân Washington khỏi Iraq.

Tuy nhiên, kế hoạch hành động của ông Zurfi rất giống với kế hoạch do người tiền nhiệm Allawi đặt ra chỉ vài tuần trước. Ông Allawi cũng đã cam kết tổ chức các cuộc bầu cử mới, đảm bảo ngân sách và bảo vệ người biểu tình. Dường như, chính sách của ông Zurfi không có gì đảm bảo sẽ thành công. Các nhà hoạt động chiếm các quảng trường công cộng trên khắp miền nam và miền trung Iraq kể từ tháng 10-2029 yêu cầu xóa bỏ trật tự chính trị sau năm 2003, đại tu hệ thống chính trị và bầu cử sớm vẫn tiếp diễn. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, hơn 600 người đã thiệt mạng và khoảng 18.000 người bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh và dân quân thân chính phủ.

Ông Allawi được một số đảng Shiite ủng hộ. Tuy nhiên, các đảng Sunni, Kurd và một số đảng Shiite đã chống lại ông. Không thể giành được sự chấp thuận cho nội các của mình, ông Allawi đã từ chức vào ngày 2-3, chỉ một tháng sau khi được đề cử. Ông Zurfi cũng đối mặt với sự phản đối tương tự trong Quốc hội. Liên minh Fatih được Iran hậu thuẫn do cựu chỉ huy dân quân Hadi al-Amiri lãnh đạo, cùng với liên minh Nhà nước Pháp luật do cựu thủ tướng Nouri al-Maliki lãnh đạo, đã lên tiếng phản đối việc ứng cử của ông Zurfi làm thủ tướng.

Các phe phái này cùng với các khối al-Nahij al-Watani và al-Aqid al-Watani đã đưa ra tuyên bố chung hôm 18-3 phản đối ông Zurfi. “Tổng thống Barham Salih rõ ràng vi phạm hiến pháp khi ông từ chối ứng cử viên của khối lớn nhất (liên minh Bina) cho chức vụ thủ tướng và bổ nhiệm một ứng viên mà không tham khảo ý kiến của các đảng chính trị”, tuyên bố cho biết. Liên minh Bina thân Iran tuyên bố là khối lớn nhất trong Quốc hội Iraq. Theo hiến pháp Iraq, khối lớn nhất trong Quốc hội có quyền lập hiến để chọn thủ tướng mới. Bina đã đề cử thống đốc Basra Asaad al-Aidani cho vị trí này hồi tháng 12-2019 nhưng bị Tổng thống Salih từ chối. Ông Salih tuyên bố sẽ từ chức tổng thống chứ không chịu thua áp lực của Bina.

Các đảng Shiite phản đối ông Zurfi cũng đang tiến hành một chiến dịch trên truyền hình và phương tiện truyền thông xã hội cáo buộc ông tham nhũng trong thời gian giữ chức thị trưởng thành phố Najaf. Ông Zurfi cũng đối mặt với một chiến dịch bôi nhọ vì những mối quan hệ “mờ ám” với Mỹ. Ông sống ở tiểu bang Michigan trước khi trở về Iraq sau khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003.

AN BÌNH