Suối nguồn tri ân trên vùng “đất lửa” (Bài 1: Người “đồng hành” đặc biệt)
Nhân vật mà chúng tôi tìm gặp là cô gái Phạm Thị Phượng (1986). Phượng mang nét đẹp đặc trưng của những cô gái vùng đất Vĩnh Linh, đằm thắm và phúc hậu. Nhưng đó chưa phải là điều thu hút duy nhất ở cô gái này. Toát lên ở Phượng chính là sự khiêm tốn, tâm hồn sâu sắc được hun đúc qua tháng năm. Phượng hiện là nhân viên quản trang, chăm sóc hơn 5.600 mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) H.Vĩnh Linh, nơi có quy mô lớn thứ 3 trong số 72 NTLS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, chỉ đứng sau NTLS quốc gia Đường 9 và Trường Sơn. Và thật bất ngờ khi nhiều thân nhân liệt sĩ ở xa về đây nhận ra Phượng chính là con gái của o Nguyễn Thị Nguyệt, người đã có gần 40 năm gắn bó với NTLS H.Vĩnh Linh từ những ngày mới xây dựng đến nay. Việc gia đình hai đời mẹ và con gái làm nhân viên quản trang NTLS là câu chuyện hiếm, thực sự khiến nhiều người xúc động. Bởi lựa chọn công việc có tính chất đặc biệt ấy, chúng ta không thể mang những suy tính đời thường để so sánh.
Không khó để gặp o Nguyệt, bởi dù đã nghỉ hưu từ năm 2010 nhưng mỗi ngày o đều đến NTLS tự nguyện làm những công việc quen thuộc chăm sóc mộ liệt sĩ mà mình đã làm trong mấy mươi năm. O Nguyệt quê xã Vĩnh Tú (H.Vĩnh Linh), từng tham gia bộ đội thuộc sư đoàn 470, Binh đoàn 12 (Binh đoàn 559). Năm 1983, NTLS H.Vĩnh Linh xây dựng, o Nguyệt là 1 trong số những nhân viên quản trang đầu tiên tại đây. Gia đình nhỏ của o lúc đó cũng ở gần để tiện công việc. Sau biến cố hôn nhân, o Nguyệt một mình tần tảo nuôi con và dành thời gian cho công việc đặc biệt này. Mỗi ngày, Phượng đều được mẹ đưa đi làm cùng. Bước đi đầu tiên của Phượng là dưới hàng cây hoa Chăm-pa đang mùa Tháng Bảy ở nghĩa trang. Ngày Phượng bật gọi tiếng mẹ đầu tiên cũng là lúc đang chập chững theo người thân liệt sĩ đến thăm viếng. Hàng ngày, tiếng bi bô con trẻ vợi qua từng hàng dãy bia mộ khiến không gian trở nên ấm áp lạ thường. Rồi khi lớn thêm lên, Phượng đã biết cùng mẹ chăm sóc mộ liệt sĩ. Đêm giao thừa mỗi năm, mẹ và các bác quản trang thắp hương cho liệt sĩ khi vừa chuyển sang năm mới, Phượng vẫn luôn đòi đi theo. Những giao thừa đặc biệt ấy đã theo Phượng dọc dài năm tháng. Phượng cũng nhớ hình ảnh người ở xa về tìm mộ đồng đội, những người mẹ tìm con, vợ đi tìm chồng giữa bạt ngàn mộ liệt sĩ chưa biết tên…Tất cả những hình ảnh như cuốn phim lặng lẽ, khắc sâu vào tâm khảm của cô gái bé nhỏ. Nên khi tốt nghiệp THPT, Phượng chọn học ngành Văn thư lưu trữ để xin về làm nhân viên quản trang NTLS huyện. Năm 2010, Phượng trở thành nhân viên quản trang NTLS H.Vĩnh Linh thuộc Phòng Lao động thương binh & xã hội huyện, nối tiếp công việc mà mẹ đã làm. Không ai ngỡ ngàng trước quyết định của Phượng, bởi họ rất hiểu tấm lòng đẹp đẽ, chân thành ấy của hai mẹ con.
“Thời điểm em nhận việc còn có một chú nhân viên quản trang nữa, nhưng năm 2018 thì chú cũng nghỉ hưu. Đến năm 2021 mới bổ sung thêm nhân viên” - Phượng thủ thỉ trên đường dẫn chúng tôi đến nơi nhân viên quản trang Hoàng Công Thịnh (1993) đang dùng máy phát cỏ, dọn dẹp chuẩn bị cho ngày lễ 30-4. Nhìn công việc nặng nhọc bất chợt liên tưởng đến hình ảnh Phượng trong 3 năm liên tục chỉ có 1 mình làm việc không kể ngày đêm, càng thấy ngưỡng mộ bội phần. Từ quản lý sổ sách, sơ đồ mộ chí, tiếp thân nhân liệt sĩ, hỗ trợ tìm kiếm mộ liệt sĩ đến chăm sóc từng mộ phần, nghĩa trang sạch đẹp, khang trang trên diện tích 6ha…, trong quãng thời gian chưa bổ sung người ấy, đều do một mình Phượng quán xuyến hết. Từ ngày có Thịnh về đồng hành, công việc của Phượng chia đều cho hai chị em nhưng vẫn tất bật mỗi ngày. “Nhờ có o Nguyệt hỗ trợ nữa đó ạ”- lời Thịnh đầy biết ơn. Được biết, Thịnh tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn ngành Quản lý nhà nước. Trải qua một số công việc, đến năm 2021 thì chàng thanh niên quê xã Vĩnh Long (H.Vĩnh Linh) quyết định xin về làm nhân viên quản trang NTLS huyện. Khi chúng tôi hỏi thông tin những liệt sĩ hy sinh yên nghỉ tại đây, Thịnh cũng đã rành rẽ không kém đồng nghiệp đi trước của mình. Trong lúc trò chuyện, dù cả hai không ai chia sẻ về những khó khăn, nhưng chúng tôi hiểu những vất vả trong cuộc sống với lương tháng hiện tại của nhân viên quản trang. Và điều đó càng khiến chúng tôi thêm nể phục họ.
Phượng và Thịnh dẫn chúng tôi đi qua từng khu mộ, hướng về nơi yên nghỉ của những liệt sĩ quê Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định. “Cả nghĩa trang có 5.630 mộ, trong đó 753 liệt sĩ người trong tỉnh, 2.844 liệt sĩ là người ngoại tỉnh và 2.051 liệt sĩ chưa xác định được thông tin” - Phượng nằm lòng chi tiết. Trước mộ phần liệt sĩ Lâm Sĩ Hoán (1935, quê Thăng Bình, Quảng Nam, hy sinh năm 1968), chúng tôi đã thấy o Nguyệt đang tỉ mẩn, lau dọn sạch sẽ. “Phía gần còn có mộ liệt sĩ Lê Xăng, quê Quảng Nam – Đà Nẵng đó” - o Nguyệt hướng dẫn thêm cho chúng tôi. Giữa cái nắng tháng Tư, nhìn Phượng và đồng nghiệp chăm chút tô lại chữ trên bia mộ, tưởng như có tác động vô hình nào đó khiến nét cọ mượt mà, thẳng lối. Kết quả hơn cả mong đợi, ai nấy không giấu nỗi ngạc nhiên trong lòng.
Từ trong sự vui giản dị ấy, chúng tôi nhận ra niềm an ủi lớn lao mà thân nhân liệt sĩ nhận được và yên tâm khi gửi gắm nhờ cậy đến Phượng cùng đồng nghiệp. Bởi họ hiểu, dù ở xa, dù khó khăn chưa về được thì đã có “người thân” đặc biệt đồng hành chăm sóc mộ phần liệt sĩ. Ân tình thầm lặng trong dòng chảy tri ân xuyên qua năm tháng, qua mọi khó khăn và được giữ gìn, hun đúc ngày càng sâu nặng, thiết tha.
(còn nữa) Bảo Hà