Syria - Trung tâm thánh chiến toàn cầu

Thứ sáu, 18/10/2013 12:12

(Cadn.com.vn) - Bộ Ngoại giao Anh và Cơ quan Tình báo Nội địa Anh (MI5) cảnh báo về các mối đe dọa khủng bố từ các phần tử thánh chiến người Anh đang chiến đấu ở Syria. Đó là những người đàn ông trẻ, chiến đấu với tinh thần “thà chết chứ không chịu khuất phục”. Tất cả biến Syria thành “trung tâm thánh chiến toàn cầu”.

Đến Syria chiến đấu

Có khoảng 200 thanh niên người Anh đang chiến đấu tại Syria. Cùng với các phần tử người Châu Âu khác, họ chiếm khoảng 10% lực lượng đối lập. Hầu hết họ có nguồn gốc từ Saudi Arabia, Tunisia và Libya.

Nhóm phóng viên BBC phát hiện một nhóm 20 người đàn ông trẻ tuổi đến từ Anh đang chiến đấu chống lại lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad gần Atma. Một người trong nhóm, tự xưng là Abu Muhadjar, cho biết mình được học hành đàng hoàng. “Tôi lớn lên trong gia đình tử tế, hạnh phúc, có giáo dục. Mọi người trong gia đình đều tốt nghiệp đại học. Gia đình tôi thuộc tầng lớp trung lưu. Họ biết tôi đang ở đâu và đang làm gì”.

BBC phỏng vấn một số phần tử thánh chiến trên mặt trận nhờ sự trợ giúp của một nhà báo người Hồi giáo ở Syria. Họ không nói chuyện trực tiếp qua điện thoại hoặc Skype do lo ngại về an ninh của mình. Abu Muhadjar giải thích lý do tại sao ông ở đây: “Có nhiều lý do khiến tôi rời khỏi Anh và đến đây. Đầu tiên là lý do tôn giáo - thực tế là mọi người Hồi giáo đều muốn bảo vệ đất và máu của người Hồi giáo. Thứ hai là lý do nhân đạo. Tôi muốn chiến đấu để trợ giúp người Hồi giáo”.

Ông Shiraz Maher của Trung tâm nghiên cứu thánh chiến tại trường đại học King’s London, cho biết, Syria trở thành một nam châm hút thanh niên Hồi giáo trên toàn thế giới. Họ muốn tham gia vào cuộc thánh chiến để bảo vệ người Hồi giáo. “Tại thời điểm này, Syria dường như là trung tâm thánh chiến toàn cầu”, ông Maher nhận định.  Ông nói rằng, nguồn tin tình báo cho thấy, hầu hết các phần tử thánh chiến của Anh ở độ tuổi 20, được giáo dục đại học, là người Anh theo Hồi giáo, có nguồn gốc từ Pakistan.

Hiện có hàng ngàn phần tử chiến đấu nước ngoài ở Syria và 200 người trong số này được
cho là công dân Anh. Ảnh: BBC

Mối đe dọa cho quê hương?

Tuy nhiên, điều mà các quan chức Anh quan tâm nhất là có bao nhiêu người trong số này đang chiến đấu với các nhóm thánh chiến có liên quan đến khủng bố. Theo ông Richard Barrett, một cựu sĩ quan tình báo hiện đang làm việc cho tổ chức chống khủng bố của LHQ, có khả năng là phần lớn trong số họ tham gia các nhóm thánh chiến. Nhiều nhóm nổi dậy không tiếp nhận các chiến binh nước ngoài do lo ngại khó kiểm soát các phần tử này. Do đó, nhiều phần tử nước ngoài bị hút vào các nhóm cực đoan. Trong khi đó, Al-Qaeda cũng đang khuyến khích họ gia nhập nhóm.

Các chiến binh thánh chiến chỉ cần bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó vượt qua biên giới để đến Syria. Trong khi để đến Afghanistan hay Somalia, họ phải tốn kém hơn nhiều. Salah al Bande, người điều hành Dự án cộng đồng người Hồi giáo Sudan, cho biết những kẻ cực đoan tuyển dụng những người trẻ tại các buổi cầu nguyện ở các nhà thờ Hồi giáo và sau đó sắp xếp chuyến đi cho họ.

Nhưng Abu Muhadjar cho biết, anh tự mình quyết định đi đến Syria. “Không có ai tuyển dụng cả. Đây là quyết định của cá nhân tôi khi tìm thấy một số anh em cùng chí hướng”. Bộ trưởng Nội vụ Theresa May cho rằng, Syria là một trường đào tạo một thế hệ mới những kẻ khủng bố Anh. Trong khi đó, Giám đốc MI5 cho biết hàng ngàn người Hồi giáo cực đoan xem Anh là một mục tiêu cho các cuộc tấn công trong tương lai.

Tuy nhiên, một phần tử thánh chiến người Anh, tự xưng là Abu Islam nói rằng, người Anh không nên lo lắng: “Đối với tôi, đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên, đó là nhà của tôi. Nếu tôi muốn làm một điều gì đó ở Anh, tôi đã thực hiện rồi, nhưng tôi không làm điều đó”. Abu Muhadjar cũng phủ nhận việc các phần tử thánh chiến sẽ là một mối đe dọa: “Quay trở lại Anh và bắt đầu một cuộc thánh chiến, đó là điều không tưởng”.

An Bình

(Theo BBC)