Tại sao Iran không lung lay trước đòn trừng phạt của Mỹ?

Thứ năm, 11/10/2018 11:58

Trong một tuyên bố mới nhất hôm 10-10, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani đã kịch liệt lên án những chính sách đơn phương của Mỹ vốn được áp dụng trên khắp thế giới, nhất là lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran và cho rằng, những cách tiếp cận như vậy sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề mang tính toàn cầu. Thực tế cho thấy, nền kinh tế và cả nền chính trị của Iran bị ảnh hưởng nghiêm trọng do những lệnh trừng phạt này.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao trừng phạt của Mỹ không lay chuyển được Iran? Có thể thấy, thông điệp từ Tehran rất rõ ràng. Vào ngày 1-10, các lực lượng Iran bắn 6 tên lửa nhằm vào phe phiến quân ở miền đông Syria. Điều quan tâm là các vũ khí hạ cánh cách nơi đóng quân của quân đội Mỹ tại Syria khoảng 5km.

Iran tuyên bố, loạt không kích tấn công các nhóm phiến quân ở Syria là nhằm trả đũa vụ khủng bố đẫm máu ngày 22-9 nhằm vào đoàn diễu hành tại thành phố Ahvaz. Nhưng không hẳn là vậy. Cuộc tấn công tên lửa trên được xem là mang thông điệp rõ ràng của Iran, nhằm vào chính quyền Tổng thống Trump và các đồng minh ở Trung Đông rằng Tehran sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại, bất chấp lệnh trừng phạt của Washington – trong đó, vòng tiếp theo sẽ có hiệu lực vào tháng 11. Trong khi Bộ Ngoại giao Iran phủ nhận mọi liên quan, cuộc tấn công theo kế hoạch trên đất Châu Âu có thể phản ánh dấu hiệu của sự thiếu thận trọng của những nhân vật cứng rắn ở Iran, vốn sẵn sàng hành động mà không có sự chấp thuận của chính phủ.

Nói ra như vậy không phải để tranh luận rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã không ảnh hưởng đến Iran. “Cuộc tấn công” bốc lửa của ông Trump nhằm vào Iran tại phiên họp Đại hội đồng LHQ hồi tháng trước đã khiến đồng rial của Iran lao xuống mức thấp kỷ lục. Hiện nay, đồng tiền đã hồi phục nhẹ - giúp làm giảm những lo ngại của người dân Iran vốn đang lo ngại khi thấy giá trị tiết kiệm của mình đang giảm mạnh.

Tuy nhiên, áp lực nội bộ cũng không buộc Tehran sửa đổi các chính sách ngoại giao quyết đoán. Một phần lý do là người Iran muốn củng cố vị thế trong khu vực, và phần khác, họ muốn phản ứng lại sức ép của Mỹ. Đối với Tehran, đề xuất đàm phán mới của Washington dưới “áp lực tối đa” được xem là sự nhục nhã. Các nhà lãnh đạo quốc gia Hồi giáo vẫn luôn tin rằng, các cuộc đàm phán ngoại giao với chính quyền Mỹ, vốn có xu hướng thay đổi chế độ ở nước này, sẽ làm suy yếu cơ sở ủng hộ ở trong nước và gây thiệt hại lớn vị thế của họ ở trên trường quốc tế của họ. Và tất nhiên, họ không thể thương lượng trừ khi Nhà Trắng có thể đưa ra một giải pháp để Iran không bị mất mặt - và thuyết phục họ rằng, bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng sẽ không đi theo số phận của hiệp ước hạt nhân lịch sử.

THANH VĂN