Tại sao Libya vô luật lệ?

Thứ hai, 08/08/2016 09:18

(Cadn.com.vn) - Libya rơi vào hỗn loạn kể từ khi các lực lượng do NATO hậu thuẫn lật đổ chính quyền Tổng thống Muammar Gaddafi vào tháng 10-2011. Các cường quốc phương Tây quan ngại rằng Tổ chức Hồi giáo IS đã hiện diện tại quốc gia Bắc Phi này và phản ứng bằng cách thực hiện các cuộc không kích nhằm vào nhóm phiến quân này.

1.700 nhóm vũ trang

Các nhóm phiến quân vũ trang mới  thực sự nắm quyền tại Libya. Chúng thường xuyên bắt giữ các chính trị gia để đòi tiền chuộc. Trong cuộc nổi dậy, ai có súng đều có thể trở thành chỉ huy, và rất nhiều nhóm vũ trang nổi lên - lên đến 1.700 nhóm.

Libya hiện có 2 quốc hội đối đầu và 3 chính phủ. Chính phủ mới được thành lập trong các cuộc đàm phán do LHQ làm trung gian hồi tháng 12-2015 với mục đích thay thế 2 chính phủ còn lại. Tuy nhiên, sáng kiến này không mấy khả thi.

Quốc gia giàu dầu mỏ này từng có tiêu chuẩn sống cao nhất Châu Phi với y tế và giáo dục miễn phí, nhưng 5 năm kể từ sau cuộc nổi dậy, Libya đang đối mặt với khủng hoảng tài chính. Sản xuất dầu đình trệ, ngân hàng kẹt tiền, bệnh viện thiếu thuốc. Ước tính khoảng 400.000 người Libya phải di tản. Tại các khu vực do IS kiểm soát, chúng thực hiện luật Hồi giáo khắc nghiệt.

Bầu cử quốc hội được tổ chức vào năm 2014 song không đạt được kết quả. Chính phủ cũ từ chối trao lại quyền lực và cố thủ ở Tripoli. Quốc hội mới được bầu sau đó phải chuyển đến Tobruk và thành lập chính phủ đối thủ. Quốc hội mới muốn Tướng Khalifa Haftar, chỉ huy cuộc chiến chống phiến quân Hồi giáo, giữ vai trò cao cấp trong quân đội tương lai, song LHQ không đồng ý. LHQ muốn Hội đồng gồm 9 thành viên, đứng đầu là Thủ tướng Fayez Sarraj nắm quyền. Hồi tháng 3, ông Sarraj đến Tripoli để lập chính quyền và thu hút sự ủng hộ của các lực lượng dân quân, các chính trị gia, nhưng không thành công.

Bình Minh Libya, một nhóm phiến quân Hồi giáo đang hoạt động tại Libya. Ảnh: BBC

Mối đe dọa IS

Khủng hoảng giúp IS có được chỗ đứng tại Libya. IS đã chiếm được lãnh thổ trong và xung quanh thành phố Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo Gaddafi, biến nơi đây thành nơi an toàn cho các chiến binh thánh chiến tiến hành đào tạo, gây quỹ và lên kế hoạch tấn công khu vực Địa Trung Hải.

Libya tràn ngập vũ khí bị cướp phá từ kho vũ khí của ông Gaddafi, biến nơi đây thành một sân chơi lý tưởng cho các phần tử thánh chiến chạy trốn khỏi các cuộc không kích ở Syria và Iraq. Các phần tử này tấn công các cơ sở dầu mỏ ở Libya, bắt cóc các công nhân nước ngoài. Năm ngoái, các tay súng được đào tạo ở Libya thực hiện hai vụ tấn công khủng bố tại Tunisia, buộc Tunis phải xây dựng một hàng rào an ninh dọc theo biên giới với Libya nhằm ngăn chặn phiến quân.

Hành động của quốc tế

Mỹ thừa nhận đã thực hiện 3 cuộc không kích tại Libya từ năm 2015 – lần gần đây nhất là vào ngày 1-8 ở Sirte. Đó là sự khởi đầu của chiến dịch giúp các lực lượng chống IS loại bỏ nhóm phiến quân này. Anh và Pháp cũng có các lực lượng đặc biệt hoạt động tại Libya, song tính chất và mức độ của các hoạt động này được giữ bí mật. Đầu năm nay, 6.000 quân từ một số nước NATO được gửi tới Libya giúp đào tạo quân đội địa phương cũng như bảo đảm an ninh cho các phái đoàn ngoại giao đang hoạt động tại nước này.

An Bình (Theo BBC)