Tại sao Nga muốn mở rộng căn cứ quân sự ở Syria?

Thứ hai, 01/06/2020 14:58

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký quyết định chỉ thị cho Bộ Quốc phòng cùng với Bộ ngoại giao đàm phán với Syria về việc mở rộng căn cứ quân sự của Moscow tại Syria. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Yury Shvytkin, kế hoạch này nhằm tăng cường công năng và đảm bảo an ninh của các căn cứ quân sự của Nga ở Syria.

Binh sĩ Nga (trái) trao đổi với binh sĩ Mỹ dọc đường cao tốc M4 của thị trấn Tal Tamr hôm 25-5, khi cả hai lần đầu tiên theo dõi việc mở lại con đường đến giao thông dân sự giữa các thị trấn biên giới Kobane và Tal Tamr ở Đông Bắc Syria.

Mỹ yêu cầu Nga trả tự do cho người bị cáo buộc gián điệp

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 30-5 yêu cầu Nga trả tự do cho một cựu lính thủy đánh bộ bị phía Moscow cáo buộc là gián điệp, sau khi người đàn ông này phải mổ cấp cứu ở một bệnh viện tại thủ đô Moscow.

Ông David Whelan, anh trai của Paul Whelan cho biết, người đàn ông 50 tuổi này đã phải phẫu thuật cấp cứu vì sa ruột hôm 28-5 sau khi ông này “bị đau bụng dữ dội”. Paul Whelan đồng thời cũng có quốc tịch Canada, Ireland và Anh, đã bị bắt giam ở Moscow hồi tháng 12-2018 với cáo buộc tiếp nhận bí mật nhà nước. Ông này đã khẳng định bản thân bị mưu hại khi tới Moscow dự đám cưới của một người bạn và ông này đã nhận một thẻ nhớ USB từ một người quen và cứ nghĩ rằng trong đó chứa các bức ảnh chụp kỳ nghỉ lễ của mình. Trên mạng xã hội Twitter ông Pompeo nêu rõ: “Không thể chấp nhận được việc Paul Whelan đã bị từ chối điều trị y tế cần thiết cho đến khi tình trạng của ông trở nên tồi tệ… Chúng tôi yêu cầu trả tự do cho Paul”.

 B.N

Tích cực đàm phán

Nga, một đồng minh thân cận của Syria, hiện có 2 cơ sở quân sự thường trực ở quốc gia Trung Đông là căn cứ không quân Hmeymin ở tỉnh Latakia và căn cứ hải quân Tartus trên Địa Trung Hải.

Trước đó, hãng tin Interfax dẫn nguồn tin quân sự nói rằng, quân đội Nga sẽ hiện đại hóa căn cứ Tartus đến mức độ sẽ cho phép các tàu tuần dương có thể tiến vào cảng. Để làm được việc này, cần phải đào sâu và mở rộng luồng vào cảng Tartus. Ngoài ra, Syria sẽ chuyển giao các khu đất ở sân bay và các chủ thể bất động sản trong khu vực này cho phía Nga sử dụng. Ngoài ra, thỏa thuận cũng xem xét việc hiện diện của các tàu chiến Nga, bao gồm các tàu có trang bị các tổ hợp hạt nhân tại khu vực cảng quân sự Tartus của Syria. Cơ sở hạ tầng của căn cứ này được chuyển giao miễn phí cho phía Nga sử dụng.

Theo quyết định trên, các cơ quan quốc phòng và ngoại giao của Nga sẽ đàm phán với các đối tác Syria về việc chuyển giao thêm cho quân đội Nga sử dụng các bất động sản và vùng nước trong khuôn khổ thỏa thuận về triển khai nhóm không quân Nga tại Syria được ký từ ngày 26-8-2015. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ký quyết định bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga tại Damacus Aleksandr Efimov làm đại diện đặc biệt của Tổng thống về phát triển quan hệ với Syria. Đại sứ Aleksandr Efimov mới nhận nhiệm sở tại Damacus từ tháng 1-2020.

Hợp tác quân sự, quốc phòng giữa Nga và Syria được đẩy mạnh kể từ khi Moscow tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hồi năm 2015. Tháng 1-2017, Nga và Syria ký kết thỏa thuận triển khai nhóm không quân thuộc lực lượng không quân vũ trụ Nga tại căn cứ Hmeymin trong vòng 49 năm. 

Đảm bảo an ninh

Bình luận về việc Nga đàm phán mở rộng các căn cứ tại Syria, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Yury Shvytkin cho rằng, kế hoạch này nhằm tăng cường công năng và đảm bảo an ninh của các căn cứ quân sự Hmeymin và Tartus của Nga ở Syria.

Theo ông Yury Shvytkin, hiện nay căn cứ Tartus có chức năng khá hạn chế, cần phải làm nhiều việc để nó trở thành căn cứ hải quân một cách đầy đủ, mở rộng công năng phục vụ các tàu chiến ra vào cảng để sửa chữa, tiếp nhiên liệu và khi cần thiết có thể giáng đòn tấn công cần thiết vào các nhóm khủng bố. Còn về căn cứ không quân Hmeymin, ông Shvytkin cho rằng tại đây có các sân bay quân sự và dân sự đang hoạt động song song, điều này là không phù hợp và cần phải tách biệt ra nhằm đảm bảo an toàn cho các nhân viên và các thiết bị đặt tại căn cứ này.

Thách thức Mỹ ở Địa Trung Hải

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, với việc mở rộng các căn cứ quân sự ở Syria và gia tăng sự hiện diện của máy bay chiến đấu và tàu chiến thường trực, Nga sẽ có lực lượng không quân và hải quân mạnh ở Trung Đông, đặc biệt là phía đông Địa Trung Hải, hình thành một thế trận tương hỗ, tạo thành chỉnh thể thống nhất của sức mạnh quân sự Nga ở Trung Đông.

Tranh giành lợi ích giữa hai đối thủ Moscow và Washington hiện vẫn tiếp tục diễn ra tại Syria và những khu vực xung quanh. Hôm 26-5, Hạm đội 6 của Mỹ cáo buộc Nga chặn máy bay do thám P8 của Hải quân Mỹ với hai chiếc Su-35 của Nga hoạt động theo cách "không an toàn và không chuyên nghiệp" ở phía đông Địa Trung Hải. Tuyên bố cho biết đây là lần thứ ba phía Nga có hành động như vậy kể từ tháng trước. Tình trạng hỗn loạn của Syria bắt đầu vào năm 2011 khi các cuộc biểu tình chuyển sang nội chiến. Với việc Damascus đánh bại phần lớn phe đối lập, phe phái mạnh nhất tiếp theo hiện nay là Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo, chủ yếu ở phía đông bắc đất nước. Mỹ và Nga bị buộc phải ở đây để giành lấy các đường kiểm soát chồng chéo. Các cuộc tuần tra của Mỹ và Nga thường xuyên đụng độ nhau ở phía đông bắc Syria, dẫn đến những cuộc đối đầu căng thẳng giữa quân đội hai nước.

Ngoài Syria, việc Nga đã khẳng định thêm chỗ đứng của mình ở Libya sẽ thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Địa Trung Hải.

AN BÌNH