Tam Kỳ tiếp tục chiến dịch “giành lại vỉa hè”
Vỉa hè bị tái chiếm sau 1 năm ra quân lập lại trật tự. |
Tròn 1 năm trôi qua kể từ ngày TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) bắt đầu chiến dịch "giành lại vỉa hè", cùng với sự quyết liệt của lãnh đạo địa phương cũng như sự ra quân đều đặn nên vỉa hè đã được dẹp “loạn”, thông thoáng hơn. Tuy nhiên, từ thời điểm cuối năm 2017 đặc biệt là sau Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, trật tự vỉa hè trên một số tuyến đường tại Tam Kỳ lại diễn biến phức tạp. Nhiều tuyến đường chính, tình trạng tái chiếm vỉa hè lại diễn ra. Trước tình trạng tái chiếm vỉa vè, thành phố Tam Kỳ cho biết, từ ngày 28-2 trở đi sẽ mở đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự đô thị trên toàn địa bàn.
Từ đầu tháng 3-2017, lực lượng chức năng TP Tam Kỳ và các xã, phường trực thuộc đồng loạt ra quân kiểm tra, phát hiện, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp treo đặt biển hiệu quảng cáo sai quy định, lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm nơi buôn bán kinh doanh và các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Ngày 26-2, lực lượng TP Tam Kỳ tiến hành kiểm tra các tuyến đường. Qua kiểm tra cho thấy, sau Tết tình hình trật tự đô thị trên một số tuyến đường như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tôn Đức Thắng, Bạch Đằng… và một số khu vực như phía sau chợ Tam Kỳ, đường dẫn vào cầu Kỳ Phú 1 và 2 có những chuyển biến phức tạp. Một số tiểu thương tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, kinh doanh, để vật dụng, xây dựng công trình sai quy định… Người dân tái chiếm vỉa hè vì nhiều lý do, nhưng nguyên nhân hàng đầu là vì thói quen và nhu cầu mưu sinh. Đi dọc tuyến đường Hùng Vương không khó để bắt gặp những pa-nô, quảng cáo để tràn ra đường. Khu vực gần khách sạn Mường Thanh tình trạng xâm chiếm vỉa hè công khai. Thậm chí có những hộ buôn bán cà-phê còn ngang nhiên để ghế ra cả vỉa hè để khách ngồi cho thoáng. Ngồi bán chè tại vỉa hè trước cổng Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, bà Lim (45 tuổi) cho biết: “Chiến dịch làm sạch mỹ quan môi trường là của thành phố nhưng việc mưu sinh là của chúng tôi. Gánh chè của tôi chỉ có vài cái ghế thì không ra bán vỉa hè thì biết bán ở đâu? Nếu tôi có đủ tiền để thuê mặt bằng bán chè thì còn nói làm gì nữa?”. Còn ông Tú bán hàng ăn sáng tại tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “TP Tam Kỳ không có quá nhiều khách du lịch hay quá đông đúc để phải dẹp vỉa hè dành đường cho người đi bộ. Trong khi đó điều cần nhất chính là việc an sinh cho chính người dân sống tại đây. Nói thật dẹp thì tôi chấp hành nhưng tôi vẫn phải tìm cách mưu sinh. Đời sống kinh tế không ổn định thì khó nói đến giành lại vỉa hè cho phát triển du lịch, thành phố văn minh”.
Đối nghịch với vẻ đông đúc, nháo nhác của vỉa hè nhiều tuyến phố chính thì khu vực chợ Vườn Lài, nơi được quy hoạch sắp xếp hàng rong lại vô cùng im ắng. Từ 2 năm nay khi Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật khó khăn trong việc tuyển sinh thì khu chợ này cũng dần vắng bóng, hàng quán ế ẩm. Chính vì vậy mà lãnh đạo TP Tam Kỳ đã có nhiều chủ trương nhằm kích cầu nơi đây trong đó có việc sắp xếp lại chợ, quy hoạch hàng rong vào khu vực này. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam, trong tương lai thành phố có chủ trương đưa chợ Vườn Lài thành chợ đầu mối về rau củ quả của Tam Kỳ. Ngoài ra, địa phương có chủ trương thành lập một khu buôn bán tập trung tại chợ Vườn Lài nên sẽ sắp xếp hàng rong vào đấy. Đã có rất nhiều cuộc làm việc, đối thoại nhằm tìm ra tiếng nói chung giữa TP Tam Kỳ và các hộ tiểu thương về việc di dời đến chợ Vườn Lài. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ trương này không nhận được sự đồng thuận từ đa số tiểu thương. Nguyên nhân chủ yếu là các tiểu thương lo sợ di dời đến chợ Vườn Lài buôn bán ế ẩm so với các nơi khác.
Khu vực chợ Vườn Lài nơi được quy hoạch sắp xếp hàng rong vô cùng im ắng, ế ẩm. |
Trước thực tế trên có thể thấy rằng việc tái chiếm vỉa hè ở TP Tam Kỳ là việc chẳng đặng đừng do người dân chưa thực sự tìm được hướng mưu sinh ổn thỏa. Thiết nghĩ song song với việc ra quân lập lại trật tự vỉa hè, TP Tam Kỳ cần nhanh chóng tìm ra giải pháp để ổn định mưu sinh cho những người buôn bán nhỏ và hàng rong, có như vậy thì cuộc chiến “giành lại vỉa hè” mới có thể có kết quả lâu dài.
Đồng Dao