Tầm quan trọng của miền Trung

Thứ hai, 18/08/2014 06:46

(Cadn.com.vn) - Miền Trung hết sức quan trọng trong sự tồn vong của đất nước - đó là khẳng định của nhà sử học nổi tiếng Dương Trung Quốc cũng như nhận định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung được tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 15-8 vừa qua.

Nhìn nhận về vai trò, vị trí của miền Trung và của biển Đông, ông Dương Trung Quốc nhắc lại câu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Biển Đông vạn dặm giang tay giữ, đất Việt muôn năm vững trị bình. Ông Quốc đề nghị cần ưu tiên đầu tư cho “khúc ruột” miền Trung nhất là trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nói, căng thẳng Biển Đông có thể sẽ tiếp tục gay gắt vì vậy trước mắt ông đề nghị, phải tăng thêm “sức mạnh” cho miền Trung. Với bờ biển dài 1.500km và các cảng biển chiến lược, miền Trung đã thành tiền tuyến của đất nước trong cuộc chiến đấu lâu dài bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cần phải có nỗ lực vượt bậc để phát triển chiến lược biển miền Trung. Ông Doanh cũng cho rằng tương lai của miền Trung phải là của doanh nghiệp dân tộc, phải là kinh tế dân doanh, nên cần phải tăng cường hợp tác để xây dựng thương hiệu lớn của Việt Nam, chứ không thể dựa vào mãi doanh nghiệp FDI.

Theo TS Đào Nguyên Cát- Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Biển Đông được xem là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới, trữ lượng dự báo 231 tỷ thùng, trong đó quần đảo Trường Sa khoảng 105 tỷ thùng. Bên cạnh đó, biển Đông là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 của thế giới với mỗi ngày khoảng 150-200 chuyến tàu qua lại, hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% số đó phải đi qua biển Đông. Đây cũng là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước. Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại biển Đông mà còn ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế khu vực duyên hải miền Trung có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1/3 so với cả nước, nhưng sự hỗ trợ đầu tư chỉ ở mức trung bình. Do đó, GS Cát đề nghị cần phải có sự quan tâm đặc biệt, cần nỗ lực rất lớn của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương, huy động hiệu quả nguồn lực của các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước để đầu tư cho khúc ruột miền Trung. Với tư cách là đơn vị tổ chức diễn đàn, GS Cát tuyên bố ra mắt “Ban vận động quỹ hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển” kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp hỗ trợ ngư dân miền Trung bám biển mưu sinh và tích cực ra khơi tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ quyền quốc gia...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của biển Đông miền Trung trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, ông Bùi Văn Cường, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương bật “đèn xanh”: Nếu Đảng, Nhà nước cho phép lập quỹ hỗ trợ cho ngư dân miền Trung thì Khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ phát động các thành viên thành lập ngay một quỹ để hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ...

Là địa phương có gần 150km đường biển, ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, tình hình biển Đông vẫn đang hết sức căng thẳng, mặc dù Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981 nhưng vẫn không loại trừ khả năng tiếp tục có những hành động ngang ngược khác nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông. Do vậy, ông Chữ đề nghị các tỉnh thành trong vùng cần có sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ để động viên ngư dân và các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo...

GS-TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong kết luận Diễn đàn: Miền Trung có vai trò chiến lược trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, bởi trong bối cảnh thực hiện chiến lược kinh tế biển và tình hình căng thẳng ở Biển Đông tác động trực tiếp đến xã hội của chúng ta, trong đó miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp. Cho nên vấn đề phát triển mạnh kinh tế biển, đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ... gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung ương và các địa phương.

Xuân Đương