Tập trung cắt đứt chuỗi lây nhiễm liên quan đến kiệt 407 Lê Duẩn

Thứ năm, 24/06/2021 11:06

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có tình trạng lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa vừa được thiết lập tại kiệt 407 Lê Duẩn và khu vực tam giác xung quanh đường Lê Duẩn - Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê), Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Đà Nẵng đã yêu cầu phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh tại đây tương tự như trong khu cách ly tập trung, đảm bảo người cách ly với người, nhà cách ly với nhà và bắt buộc phải thực hiện nghiêm “5K”...

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam chỉ đạo cuộc họp.

Tại cuộc họp trực tuyến với các đơn vị, địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 vào chiều 23-6, ông Phan Văn Sơn, Phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong 24 giờ qua, trên địa bàn TP ghi nhận 18 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 4 ca là F1 đã được cách ly tập trung tại khu Kí túc xá phía Tây, 1 ca là người nhà chăm sóc bệnh nhân F0 (mẹ chăm sóc con 1 tuổi là F0 tại bệnh viện), 1 ca được phát hiện khi đi khám tại bệnh viện (có liên quan đến “ổ dịch” tại kiệt 407 Lê Duẩn), còn lại 12 ca nằm trong khu vực phong tỏa tại kiệt 407 Lê Duẩn, trước đó tất cả đều được xét nghiệm lần 1 cho kết quả âm tính với SASR-CoV-2. Như vậy, từ ngày 18-6 đến 16 giờ ngày 23-6, TP Đà Nẵng ghi nhận 59 ca mắc mới COVID-19.

 Theo nhận định của BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP, tất cả các bệnh nhân này khi xét nghiệm lần thứ nhất đều có kết quả âm tính, và khi xét nghiệm lần thứ 2, thứ 3 thì phát hiện dương tính; và đa số các bệnh nhân mới ghi nhận đều nằm trong khu phong tỏa nên có thể nhận định tại khu vực này bắt đầu phát bệnh theo chu kỳ thứ 2, và điều lo lắng nhất vẫn là dịch bệnh thẩm thấu ra bên ngoài khu vực này. Vì vậy BCĐ đề nghị, khu vực này phải lập thành khu phong tỏa cứng và ứng xử như một cơ sở cách ly tập trung, còn bên trong mỗi nhà, mỗi hộ dân là như một phòng cách ly và phải thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (tức là ai ở nhà nấy, không ai qua nhà ai, khai báo y tế bắt buộc hàng ngày và phải báo cáo ngay với cơ quan y tế khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở)…

Song song với đó, địa phương phải tuyên truyền cho từng người dân biết nguy cơ dịch bệnh cũng như hậu quả nếu làm lây lan dịch bệnh cho những người xung quanh, thậm chí sẽ bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là làm lây lan dịch bệnh ra bên ngoài khu phong tỏa. BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP cũng yêu cầu Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, Chủ tịch UBND các phường có liên quan phải chịu trách nhiệm trước BCĐ, trước pháp luật về công tác phòng ngừa dịch bệnh trên địa bàn, nhất là tại khu vực phong tỏa này. “Nếu không có giải pháp giám sát, tuyên truyền đến với người dân thì nguy cơ ghi nhận các ca nhiễm mới do tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly là rất hiện hữu, thậm chí số lượng sẽ tăng nhiều trong khu phong tỏa trong thời gian tới”, ông Phan Văn Sơn nhìn nhận.

Bác sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) cho rằng, từ ngày 10-6, khi xuất hiện chuỗi lây nhiễm cho đến ngày 18-6 mới phát hiện, CDC đã nhận định đã trải qua ít nhất là 2 chu kỳ, mỗi chu kỳ 1 ca nhiễm sẽ lây cho 8 người khác, như vậy đến nay, con số 60 đến 70 ca nhiễm phát sinh là nằm trong dự báo. “Nếu không kiểm soát tốt thì các ca lây nhiễm có thể tăng lên rất nhiều. Vì vậy, vấn đề cách ly, xét nghiệm, giám sát thực hiện cách ly phải thực sự nghiêm túc thì mới cắt đứt được chuỗi lây nhiễm này”, Bác sỹ Thạnh nói.

Cũng theo Bác sỹ Thạnh, qua kiểm tra tại khu vực phong tỏa trên, CDC nhận thấy có một số vấn đề nổi lên. Cụ thể, đây là khu vực có nhiều kiệt, hẻm nhỏ, người dân chỉ cần đi ra khỏi nhà thôi cũng có thể tiếp xúc gần với nhau. Trong khi đó, nhiều khả năng chủng lây nhiễm tại đây là chủng delta nên rất dễ lây và lây nhanh khi chủng virus này có thể lơ lửng trong không khí. Bên cạnh đó, có một số người dân trong khu vực phong tỏa không mang khẩu trang, còn tụ tập ngồi ăn uống, nói chuyện với nhau, rồi vấn đề rác thải…

 Phải thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại khu tam giác Lê Duẩn – Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, Bác sỹ Thạnh đề xuất cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cách ly, kể cả vòng ngoài và vòng trong; tăng cường camera để kịp thời phát hiện những người không chấp hành theo Chỉ thị 16 (phải ở trong nhà); thậm chí tăng cường sự hiện diện của lực lượng công an trong khu phong tỏa để kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền và kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm… “Có thể khẳng định, tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 từ ngày 10-6 đến nay trên địa bàn TP Đà Nẵng đều có liên quan đến ca F0 ban đầu là bệnh nhân 12437. Vì vậy, cần phải thực hiện triệt để các giải pháp, cả cách ly vòng trong và vòng ngoài để cắt đứt chuỗi lây nhiễm”, Bác sỹ Tôn Thất Thạnh nói.

Liên quan đến các ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận trong ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam yêu cầu UBND quận Thanh Khê tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó tập trung các giải pháp cần thiết tại khu vực tam giác các tuyến đường Lê Duẩn – Lý Thái Tổ - Hoàng Hoa Thám đang thực hiện cách ly, phong tỏa. Theo đó, đề nghị địa phương tăng cường công tác tuyên truyền người dân trong khu vực; bố trí thêm lực lượng kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu người dân chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch; triển khai lắp đặt thêm các camera giám sát.

“Ngành y tế chủ động, phối hợp với UBND quận Thanh Khê tiếp tục xây dựng kế hoạch xét nghiệm đối với khu vực này; phun hóa chất khử khuẩn và đặc biệt là tăng cường hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng trong việc đi từng nhà tuyên truyền, nhắc nhở chấp hành các quy định về phòng, chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam chỉ đạo.

Liên quan đến các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố đề nghị lực lượng công an phối hợp với các sở, ngành, địa phương thay đổi, áp dụng một số sáng kiến trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động tại các điểm chốt chặn ở cửa ngõ thành phố; các địa phương tiếp tục truy vết, rà soát những đối tượng F1, F2 liên quan đến ca nhiễm mới để có giải pháp kịp thời. Bên cạnh đó, hoạt động xét nghiệm có định kỳ theo kế hoạch của UBND TP cần tiếp tục triển khai để sàng lọc, xác định nguy cơ trong cộng đồng.

DOÃN HÙNG