Tất tả mưu sinh ngày cận Tết

Thứ hai, 01/02/2016 10:30

(Cadn.com.vn) - Cứ vào dịp cuối năm, tại Đà Nẵng lại xuất hiện nhiều nghề, việc làm mà những ngày thường rất ít khi bắt gặp. Mặc dù chỉ tồn tại được chừng nửa tháng, nhưng nó lại tạo thêm thu nhập cho nhiều gia đình. Đặc biệt hơn, nhìn vào những công việc ấy, cảm nhận được không khí Tết đang đến gần...

Nghề "hái ra tiền"...

Những ngày này, đi dọc các tuyến phố như Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Trần Bình Trọng hoặc các chợ lớn nhỏ trong thành phố, có thể thấy các điểm bán cát trắng rất đắt khách. Theo những người bán cát cho biết, cát được lấy từ những động cát trắng ở Đà Nẵng hoặc Quảng Nam vận chuyển ra, không cần bỏ vốn nhiều, thậm chí không cần vốn nên rất nhiều người tham gia. 25 năm nay, cứ sau rằm tháng chạp là ông Nguyễn Chạ (57 tuổi, P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu) lại bỏ nghề làm thuê, chở hàng mà chuyển sang bán cát ở chợ Hòa Khánh. "Tôi bán cát từ 6 giờ sáng đến chập tối. Giá cát thì vẫn như mọi năm, bán theo bao, mỗi bao 5 lon cát giá 10 ngàn đồng, mỗi ngày bán được cỡ 1 xe, thu về khoảng 1 triệu đồng. Đặc biệt vào những ngày cao điểm, từ 21 đến 23 âm lịch (trước ngày đón ông Táo về trời-PV) có khi thu nhập 1,5 triệu đồng/ngày. Tính sơ sơ cứ mỗi dịp tết đi bán cát, trừ các chi phí ra tôi cũng bỏ túi được gần 15 triệu đồng", ông Chạ phấn khởi nói. Một người bán hàng ở chợ Hòa Khánh cho biết: "Vợ ông ấy bỏ nhà đi 7-8 năm nay, một mình ông nuôi 7 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Ông làm việc chịu khó, nhiệt tình lại sống rất tình nghĩa, ai nhờ gì cũng giúp nên bà con thương. Cứ đến tết lại mua cát ủng hộ để giúp ông có tiền lo cho các con".

"Cát có giá rồi nên không ai trả giá. Bởi cát dùng để thay lư hương trên bàn thờ ông bà tổ tiên, nghề bán cát là một nghề thiêng liêng, nghề làm phước, nếu người ta xin 1, 2 lon thì chúng tôi sẵn sàng cho nhưng trả giá thì tuyệt đối không", ông Thăng Đức Ký (52 tuổi, ở Điện Bàn, Quảng Nam), chuyên bán cát thay lư hương ở đường Nguyễn Lương Bằng chia sẻ.

Song song với nghề bán cát, nghề đánh bóng lư đồng cũng rất "hot" vào thời điểm những ngày giáp tết. Với người Việt, gia đình nào cũng có hương án với bát hương, đài rượu, bình hoa, chân đèn... là những vật gia bảo thiêng liêng. Hàng năm, đến cận Tết, các gia đình đều thỉnh những vật ấy xuống để làm mới. Nghề đánh bóng lư đồng ra đời từ chính nhu cầu đó. Qua tìm hiểu, những người thợ đánh lư đồng cho biết, nghề này bắt đầu từ khoảng 12 tháng Chạp đến Tết. Thực chất đây không  phải nghề "tay phải" của họ, ngày thường họ là những thợ sửa xe, thợ hồ, xe ôm..., nhưng đến hẹn lại lên, cứ gần tết họ gác lại công việc để theo nghề thu nhập cao này. "Tôi là thợ hồ, đến gần tết thì rảnh rỗi, nghe mấy người bạn bảo đánh mới lư đồng kiếm được khá lắm, nhìn thấy người ta làm cũng đơn giản, sẵn có bộ mô tơ trong nhà, tôi bỏ vốn gần 200 nghìn đồng để mua máy mài, cục tẩy, vải và thuốc đánh bóng rồi bắt đầu hành nghề, đến nay cũng đã được 12 năm", anh Lê Thanh Liêm (49 tuổi, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu) cho biết. Tùy vào kích cỡ lớn nhỏ của từng bộ lư mà thợ lấy giá khác nhau. Bộ nhỏ từ 100-120 nghìn đồng, bộ lớn thì 200 nghìn đồng. Mỗi ngày anh đánh được khoảng 3 - 4 bộ. Anh dự định làm đến 28 tết là nghỉ, nếu ngày nào cũng đều đặn như vậy thì đến tết cũng kiếm được hơn 5 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập đáng kể đối với những người lao động chân tay.

Để có được cát trắng, sạch bán cho người dân phải cần rất nhiều công sức, thời gian.

Cũng lắm gian nan...

Nghề thu nhập cao tuy nhiên để theo được nghề không phải đơn giản. Ông Thành, làm nghề bán cát thay lư hương cho biết: "Để có được cát bán vào dịp tết, người bán phải đi lấy cát từ mùa hè, chứ mùa này không có nắng để phơi, cát ướt thì không ai mua. Cứ lên động cát xúc đầy xe về bán là không phải, mà phải đào sâu xuống hơn 1 mét mới có thể lấy được nguồn cát sạch. Chưa kể phải trải qua rất nhiều công đoạn như xả nước rửa sạch cát, phơi khô, sàng kỹ cho đến khi sục tay vào không còn bụi bẩn, cát trắng tinh mới đi bán được. Nghề này vất vả lắm, không có sức khỏe không làm được".

Còn anh Thắng làm nghề đánh bóng lư đồng trải lòng: Là người rất kỹ tính và cẩn thận nhưng cũng có lần đang đánh bóng, con rồng trên lư đồng rời ra va vào đầu anh chảy máu nhiều, thêm nữa công việc cũng không phải... sướng như mọi người vẫn nghĩ. "Ngồi đánh bóng lư từ sáng đến tối, đau lưng và mỏi mắt. Lấy được đồng tiền của người khác không phải chuyện dễ dàng", anh Thắng phân trần. Mặc dù lợi nhuận cao nhưng đánh bóng lư đồng còn là một nghề độc hại. Quan sát những người thợ đánh bóng, có thể thấy được ai cũng phải đeo kính, đội mũ và bịt kín khẩu trang. Mỗi lần đánh bóng, người thợ phải tiếp xúc với một lượng bụi bẩn rất lớn, đặc biệt là hóa chất đánh bóng ảnh hưởng rất nhiều đến mắt và đường hô hấp.

Mặc dù có thu nhập khá cao nhưng nghề đánh bóng lư đồng cũng rất vất vả,
ảnh hưởng nhiều sức khỏe.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, làm việc tại một ngân hàng trên địa bàn thành phố chia sẻ: Năm nào tôi cũng tìm đến thợ nhờ đánh mới bộ lư đồng để "làm đẹp" bàn thờ ông bà, tổ tiên và mua cát trắng thay lư hương. Tiền bạc thì không bao nhiêu mà họ làm rất tận tâm, lư đồng lúc nhận về luôn sáng bóng, nguyên vẹn, cát trắng luôn sạch sẽ. Cuối năm nhà nhà đều bận rộn, công việc của tôi thì 28 tết mới được nghỉ. Nên thấy cái nghề này nó cũng hay, giúp ích được cho nhiều nhà". Tết là dịp để người ta sắm sửa, nghỉ ngơi sau một năm làm việc nhưng lại là thời điểm bận rộn nhất của những người làm "nghề nửa tháng" này. Tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng là cơ hội để người dân lao động kiếm thêm một khoản đáng kể giúp cái Tết của gia đình đỡ thiếu thốn hơn.

Bài, ảnh: Thủy Triều