Tàu chiến Mỹ - Trung chạm trán "không an toàn" trên biển Đông

Thứ tư, 03/10/2018 15:00

Các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 1-10 cho biết, một tàu hải quân Mỹ có cuộc "chạm trán không an toàn" với tàu chiến Trung Quốc hôm 30-9 trong khi tàu của Lầu Năm Góc đang tiến hành chiến dịch tự do hàng hải ở gần quần đảo Trường Sa trên biển Đông. Vụ việc khiến tàu Mỹ phải đổi hướng "để ngăn chặn va chạm".

Tàu khu trục USS Decatur của Mỹ hoạt động trên biển Đông. Ảnh: AFP

Tình huống nguy hiểm

"Một tàu khu trục Luyang tiến đến gần tàu USS Decatur theo cách không an toàn và không chuyên nghiệp tại khu vực gần rạn đá Gaven trên biển Đông", chỉ huy Charles Brown, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói với CNN qua một thông cáo xác nhận sự việc.

Ông Brown cho hay, tàu Trung Quốc "đã thực hiện một loạt hành động với mức độ hung hăng gia tăng kèm theo cảnh báo yêu cầu tàu Decatur rời khỏi khu vực". Ông nói thêm rằng, khu trục Trung Quốc chắn trước mũi tàu Mỹ "với khoảng cách chưa đến 41m", và khu trục hạm Decatur "đã đổi hướng để tránh va chạm". "Lực lượng của chúng tôi sẽ tiếp tục bay, đi lại trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép", ông nói. Ông Carl Schuster, cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ, người đã trải qua 12 năm kinh nghiệm trên biển, cho biết việc tiếp xúc ở cự ly gần khiến thuyền trưởng chỉ có vài giây để thực hiện đổi hướng. "Tình huống này rất nguy hiểm. Thuyền trưởng sẽ dễ mất bình tĩnh khi các tàu cách nhau dưới 900m", ông Schuster, hiện là giáo sư Đại học Thái Bình Dương ở Hawaii, nói.

Nhạy cảm với tàu Mỹ

Sự việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang vì một loạt vấn đề. Các tàu chiến Trung Quốc thường xuyên theo dõi tàu Mỹ trong các hoạt động tự do hàng hải nhưng những tương tác đó thường được xem là an toàn.

Hôm 30-9, tàu khu trục Decatur thực hiện cuộc tuần tra kéo dài 10 tiếng trong khu vực 12 hải lý quanh các rạn đá san hô Gaven và Johnson thuộc quần đảo Trường Sa. Việc này được Mỹ xem là các hoạt động điều hướng, thực thi quyền tự do đi lại trên các vùng biển quốc tế. Trong khi Hải quân Mỹ tích cực thực thi quyền tự do đi lại trên toàn thế giới, Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm khi Washington đến gần các khu vực mà Bắc Kinh hoạt động trái phép. "Mỹ nhiều lần gửi tàu chiến đến các đảo và các vùng biển lân cận ở biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và an toàn của Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian cho biết hôm 2-10.

Ông Schuster cho rằng, Trung Quốc dường như đang áp dụng "một chính sách phản ứng tích cực hơn" đối với các tàu Mỹ, được khuyến khích một phần bởi vụ va chạm giữa các tàu khu trục Mỹ và các tàu buôn ở Châu Á-Thái Bình Dương hồi năm ngoái. Các học giả hải quân đưa ra giả thuyết rằng, các vụ va chạm vốn làm 16 thủy thủ Mỹ thiệt mạng, khiến Hải quân Trung Quốc nghi ngờ kỹ năng của các thủy thủ Mỹ và tự tin "hăm dọa" các thuyền trưởng Mỹ.

Giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ -Trung gia tăng, cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã hủy chuyến thăm tới Bắc Kinh dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10. Theo kế hoạch ban đầu, ông Mattis tới Bắc Kinh và thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc các vấn đề về an ninh. Bộ Quốc phòng Mỹ hiện chưa xác nhận thông tin Bộ trưởng Mattis hủy chuyến thăm Bắc Kinh.

Căng thẳng nhiều mặt

Căng thẳng gia tăng trên nhiều mặt trận, từ việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc đến các lệnh trừng phạt mới được công bố chống lại quân đội Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo tuần trước, Tổng thống Trump cho biết, tình bạn của ông với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đã kết thúc. "Ông ấy có thể không phải là bạn của tôi nữa. Nhưng tôi nghĩ ông ấy có thể tôn trọng tôi", ông Trump nói. Những nhận xét này xuất hiện sau khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ. Phát biểu tại HĐBA LHQ hồi tuần trước, ông Trump nói, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử vào giữa năm 2018 để chống lại đảng Cộng hòa. "Họ không muốn tôi hoặc chúng tôi giành chiến thắng vì tôi là tổng thống đầu tiên từng thách thức Trung Quốc về thương mại. Chúng tôi đang chiến thắng trong thương mại. Chúng tôi đang chiến thắng ở mọi cấp độ. Chúng tôi không muốn họ can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới của chúng tôi", ông Trump nói.

Chính quyền Tổng thống Trump áp đặt mức thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 24-9, ngoài các biện pháp thương mại đã được áp dụng. Chính phủ Trung Quốc ngay lập tức đáp trả, với mức thuế 5% đến 10% nhằm vào 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Sau vòng áp thuế mới, Bắc Kinh kêu gọi đàm phán thương mại với Washington, nhưng không thể mang lại dấu chấm hết cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

AN BÌNH