Thách thức cho ông Tập Cận Bình
(Cadn.com.vn) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay từ khi lên nắm quyền đã công bố kế hoạch chi tiết và táo bạo về cải cách. Năm nay là thời điểm thích hợp để ông thực hiện lời hứa. Nhưng rõ ràng, kéo theo đó là những thách thức lớn mà ông Tập phải đối mặt.
Thách thức đầu tiên mà vị lãnh đạo quyền lực của Trung Quốc đối mặt trong năm 2014 chắc chắn là thực hiện gói cải cách kinh tế, vốn làm dấy lên cả sự phấn khích và thái độ hoài nghi kể từ khi nó được công bố vào giữa tháng 10-2013.
Những người lạc quan chỉ ra những mục tiêu đầy tham vọng của gói này như bằng chứng về cam kết cải cách của ông Tập trong khi các nhà phê bình cho rằng, kế hoạch này không rõ ràng và thiếu thời gian biểu cụ thể.
Vậy thì, để chứng tỏ và đập tan những hoài nghi, ông Tập phải nỗ lực rất nhiều để biến cam kết thành hiện thực. Điều này có nghĩa là, bắt đầu năm mới, ông Tập phải thực hiện cải cách hành chính, chẳng hạn như cấp giấy phép cho các ngân hàng tư nhân, tăng tính cạnh tranh bằng cách loại bỏ các rào cản để tạo điều kiện thuận lợi cho các Cty tư nhân, tự do hóa trao đổi lãi suất và tiền tệ đồng thời mở rộng quyền cư trú cho người lao động nhập cư tại các thành phố nhỏ và thị trấn.
Thách thức lớn thứ hai mà ông Tập phải đối mặt là duy trì tầm ảnh hưởng bằng chiến dịch chống tham nhũng. Nhưng chiến lược này sẽ rất khó khăn. Một chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào số lượng lớn các quan chức Trung Quốc có khả năng dẫn đến sự tha hóa, bất mãn, và phân chia giữa các tầng lớp cầm quyền. Phép thử thực sự lần này là liệu chính phủ của ông có chính thức tuyên bố rộng rãi việc truy tố ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan hoạch định chính sách cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trên thực tế, truy tố một thành viên từng là một trong 9 nhân vật quyền lực nhất quốc gia tỷ dân là điều không dễ bởi đây là cuộc điều tra vi phạm đầu tiên nhằm vào các thành viên thuộc Bộ Chính trị thuộc hàng có "kim bài miễn tử" của nước này.
Vì vậy bây giờ, ông Tập phải đối mặt với tình thế khó xử. Nếu ông tuân thủ các "quy tắc bất thành văn" với nhân vật của Ban Thường vụ, ông có nguy cơ phá hoại uy tín của chiến dịch chống tham nhũng. Nhưng nếu để "đồng nghiệp cũ" vào tù, ông có thể làm suy yếu sự gắn kết giữa các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.
Thách thức thứ ba đối với ông Tập là tránh cuộc xung đột không cần thiết với Nhật Bản khi mối quan hệ song phương, vốn ở mức thấp nhất trong 40 năm, đang tiếp tục xấu đi.
Thanh Văn