Thái Lan dậy sóng

Thứ tư, 06/11/2013 11:54

(Cadn.com.vn) - Sau 3 năm “trời yên biển lặng”, chính trường Thái Lan bỗng nổi sóng vì dự luật ân xá vốn được cho nhằm mở đường cho cựu Thủ tướng Thaksin về nước.

Để trấn an dư luận, cựu Thủ tướng Thaksin ngày 5-11 cam kết sẽ chấp nhận phán quyết thu giữ 46 tỷ baht tài sản của mình cho dù Thượng viện bác bỏ dự luật ân xá vừa được Hạ viện thông qua hôm 1-11.

Biểu tình phản đối dự luật ân xá tại Bangkok hôm 4-11. Ảnh: Reuter

Ông Thaksin kêu oan

Báo Nation dẫn lời phát ngôn viên đảng Puea Thai, Prompong Nopparit cũng khẳng định, ông Thaksin không phải là “chủ mưu” thúc đẩy  thông qua dự luật như cáo buộc của phe đối lập.

Phát ngôn viên Prompong cáo buộc phe đối lập cố tình bóp méo sự thật liên quan đến ông Thaksin nhằm lật đổ chính phủ cầm quyền của bà Yingluck Shinawatra. Theo cố vấn pháp lý của cựu Thủ tướng đang sống lưu vong, lệnh ân xá, nếu được thông qua, sẽ là chìa khóa mở cánh cửa hòa giải giữa những người liên quan đến cuộc xung đột chính trị thời kỳ 2006-2010 chứ không phải là cơ hội để giải phóng khoản tài sản bị đóng băng hàng tỷ baht cho ông Thaksin. Ông Thaksin bảo vệ dự luật khi cho rằng, nó là một sự khởi đầu mới cho đất nước, nhằm tiến đến hòa giải dân tộc. “Chúng ta cần bắt đầu từ con số 0 và tiến về phía trước”, ông nói trong cuộc phỏng vấn tại Singapore với Post Today, một tờ báo tiếng Thái.

Rõ ràng, nội dung dự luật là ân xá cho “tất cả” những phạm nhân đang bị giam giữ hoặc sẽ bị xét xử liên quan đến những vụ biểu tình bạo động từ 2006-2010, không phân biệt thuộc phe Áo vàng hay Áo đỏ. Tuy nhiên, phe đối lập chỉ trích dự luật này vì cho rằng, người hưởng lợi nhiều nhất chính là cựu Thủ tướng Thaksin và đảng Puea Thai cầm quyền.  Đảng đối lập cho rằng, đảng cầm quyền sẽ lợi dụng dự luật này, mở đường cho ông Thaksin về nước, bằng cách “lau sạch” mọi dấu ấn tham nhũng của cựu Thủ tướng.

“Không có nơi nào khác trên thế giới lại xảy ra những việc như thế này”, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hiện lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập nói với hàng ngàn người biểu tình tụ tập tại Bangkok.

Sóng gió trên chính trường

Sau 3 năm tương đối ổn định và bình lặng, chính trường Thái Lan lại ồn ào vì dự luật ân xá, đe dọa “ném” nước này trở lại thế bế tắc vốn càn quét thiên đường du lịch Đông Nam Á sau đảo chính năm 2006.

Có lẽ, điều người ta chú ý hơn so với chiến dịch phản đối của đảng Dân chủ - kẻ thù truyền thống của ông Thaksin- là những lời chỉ trích mạnh mẽ từ khắp xã hội Thái Lan. Tờ báo được xem là có cảm tình với ông Thaksin và chính phủ bất ngờ có bài xã luận với ngôn từ mạnh mẽ chống lại dự luật. Nhiều thành viên hàng đầu phong trào Áo đỏ, vốn ủng hộ ông Thaksin nói rằng, họ thật sự bất ngờ vì “sự quá sâu rộng” của luật ân xá, đặc biệt là đề nghị tha thứ cho những người đã ra lệnh cuộc đàn áp quân sự chống lại phe Áo đỏ hồi năm 2010.

Một trong những lãnh đạo của phe Áo đỏ tại Bangkok, Sombat Boonngamanong, cho biết, đảng Puea Thai, đang làm “hỗn loạn” chính trường khi muốn ân xá cho các trường hợp tham nhũng. Theo ông, dự luật gây tổn thương đến lý tưởng của những người tin rằng, ông Thaksin là một nhà vô địch của nền dân chủ. Thước đo sự giận dữ vì dự luật vượt “giới hạn đỏ” khi chính con trai của ông Thaksin, Panthongtae Shinawatra, chỉ trích dự luật trên Facebook. Ông Panthongtae, người vốn được cho là chuẩn bị chu đáo cho một sự nghiệp chính trị, nói rằng, ông muốn cha mình trở về “nhiều hơn bất cứ điều gì”, nhưng vẫn phản đối dự luật mà ông gọi là “chăn xá”, đặc biệt là tha cho “những kẻ giết người” biểu tình trong năm 2010.

Để trở thành luật, dự luật ân xá vẫn cần sự chấp thuận của Thượng viện và chữ ký của Nhà vua. Nhưng ngay cả khi đó, nó cũng đã làm hỏng bộ máy chính trị vốn vẫn oai hùng của ông Thaksin và làm nạn rứt tình cảm người ủng hộ dành cho ông Thaksin.

Khả Anh