“Thái tử” Samsung - nguy cơ trở lại nhà tù

Thứ bảy, 26/10/2019 12:03

Tòa án tối cao Seoul (Hàn Quốc) ngày 25-10 đã mở phiên tòa đầu tiên tái xét xử Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong. Nhiều khả năng, doanh nhân 51 tuổi này sẽ phải quay trở lại nhà tù.

Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong trả lời phóng viên khi ông đến Tòa án tối cao Seoul ngày 25-10.     Ảnh: Yonhap

Đi cùng với các luật sư, “Thái tử” của tập đoàn danh tiếng Samsung Lee Jae-yong bước thẳng vào Tòa án tối cao Seoul.  Ông nói với các phóng viên: "Tôi xin lỗi vì đã khiến nhiều người lo lắng”. "Tôi xin lỗi", ông nói thêm, cúi đầu khi những người biểu tình hét lên gần đó.

Tại phiên tòa, Thẩm phán Jung Joon-young nói với bị cáo: "Tôi yêu cầu ông Lee Jae-yong, với tư cách là Phó Chủ tịch của một tập đoàn đại diện cho đất nước chúng ta, chịu trách nhiệm và chấp nhận kết quả của phiên tòa này". Ông Jang Sang-kyun, một trong số các luật sư của ông Lee nói rằng, người bào chữa "tôn trọng phán quyết của Tòa án Tối cao" và sẽ bảo vệ ông trên cơ sở đó. "Điều quan trọng nhất ở đây là mức phạt”, ông nói thêm.

Năm 2017, Phó Chủ tịch Lee Jae-yong bị kết án tù 5 năm vì tội hối lộ, biển thủ và các hành vi khác liên quan đến vụ bê bối khiến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất. Ông Lee bị cáo buộc đưa hối lộ tổng cộng 8,6 tỷ won (7,3 triệu USD) cho cựu Tổng thống Park Geun-hye và bà Choi Soon-sil, trong đó có khoản tiền hỗ trợ 3 con ngựa đua cho con gái bà Choi và tài trợ cho Trung tâm năng khiếu thể thao mùa Đông do bà này đứng sau điều hành. Tuy nhiên, đến phiên phúc thẩm lần thứ nhất, Tòa án cho rằng hành động của ông không được coi là “nhờ vả gián tiếp”, qua đó tuyên án 2 năm 6 tháng tù giam, cho hưởng án treo 4 năm, và thả tự do ông Lee Jae-yong. Số tiền hối lộ cũng giảm xuống còn 3 tỷ won (2,5 triệu USD). Ông được trả tự do hồi tháng 2 vừa qua khi tòa phúc thẩm bác bỏ phần lớn tội danh của ông, cho rằng vai trò của ông trong vụ án tham nhũng của Tổng thống Park Geun-hye là không đáng kể.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Hàn Quốc sau đó đã ra lệnh mở lại vụ án. Trong phiên phúc thẩm lần thứ hai hồi tháng 8, Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao lại công nhận việc ông Lee Jae-yong đưa hối lộ để thừa kế quyền kinh doanh tập đoàn là hành vi “nhờ vả gián tiếp”, cho rằng, ông Lee đã chuyển quyền sở hữu 3 con ngựa đua cho bà Choi Soon-sil, bổ sung thêm khoản tiền hối lộ 5 tỷ won (4,2 triệu USD). Hồ sơ vụ án được trả về Tòa án cấp dưới để tái xét xử. Trong phiên tái xét xử lần này, hội đồng xét xử sẽ tập trung xem xét quyền sở hữu 3 con ngựa đua và vấn đề về thừa kế quyền kinh doanh. Nếu mức hối lộ được nâng lên, dự kiến mức án với bị cáo sẽ nặng hơn, tức là Phó Chủ tịch Samsung có thể bị bắt giam lại.

Tương lai nào cho Samsung?

Ông Lee Jae-yong đã lãnh đạo tập đoàn Samsung - nhà sản xuất điện thoại và chip nhớ lớn nhất thế giới - phát triển đáng kể, kể từ khi cha ông, Chủ tịch tập đoàn, Lee Kun-hee ốm liệt giường vì đau tim vào năm 2014.

Vụ xử mới nhất này có thể kéo dài nhiều tháng, có thể làm trầm trọng hơn những khó khăn mà Samsung đang phải đối mặt do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nhất là việc chính phủ Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các loại linh kiện điện tử quan trọng sang Hàn Quốc, trong đó có những nguyên liệu phục vụ nhà máy sản xuất chip bán dẫn của Samsung. Lợi nhuận của Samsung trên thị trường điện thoại thông minh đã giảm 50% trong quý 3 và đây cũng là quý giảm thứ 4 liên tiếp.

Một khi bị tuyên có tội và phải ngồi tù, khoảng trống mà ông Lee Jae-yong để lại sẽ là rất lớn, có thể ảnh hưởng tới các quyết định điều hành quan trọng của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này. “Nếu Cty có văn hóa doanh nghiệp như bình thường, thời điểm này họ đã có thể khởi động quá trình tìm kiếm người khác thay thế ông Lee Jae-yong - như khi Steve Jobs và Jack Ma dành thời gian tìm người kế nghiệp họ. Tuy nhiên Samsung khác, tập đoàn này hoạt động theo kiểu gia đình trị và chỉ có thành viên trong gia đình mới có quyền điều hành Cty. Trừ khi ông Lee chủ động lùi lại để tìm một người lãnh đạo chuyên nghiệp thay thế mình thì mới có hy vọng thay đổi", theo Geoffrey Gain, tác giả một cuốn sách về Samsung sắp ra mắt, nhận định.

Trên thực tế, Samsung có cả một đội quân gồm các chuyên gia kinh tế và quản lý cấp cao điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày. Ông Lee có thể điều hành ngay cả khi ngồi tù và quay lại nắm quyền khi ra tù. Gần đây ông Lee đã phải từ bỏ việc gia hạn nhiệm kỳ 3 năm trong hội đồng quản trị và nhiệm kỳ này sẽ chấm dứt vào tuần tới. Ông vẫn giữ cương vị là Phó Chủ tịch tập đoàn, nhưng hội đồng quản trị sẽ có toàn quyền đưa ra những quyết định quản lý. Chủ tịch hội đồng quản trị Lee Sang-hoon và chủ tịch Samsung Chung Hyun-ho sẽ đảm nhận việc quản lý trong thời gian ông Lee vắng mặt. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định khoảng việc ông Lee Jae-yong vắng mặt có thể ảnh hưởng tới các quyết định điều hành quan trọng bởi “có những việc chỉ ông Lee mới có thể làm được”.

AN BÌNH

HÀN QUỐC QUYẾT ĐỊNH TỪ BỎ VỊ THẾ “QUỐC GIA ĐANG PHÁT TRIỂN” TẠI WTO

Chính phủ Hàn Quốc quyết định không duy trì vị thế quốc gia đang phát triển tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổ chức mà nước này gia nhập từ năm 1995.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực nhạy cảm là nông nghiệp, chính phủ sẽ tiếp tục thực thi quyền lợi đàm phán linh hoạt, nhằm bảo hộ tối đa cho lĩnh vực này. Chính phủ nhấn mạnh vẫn duy trì lợi ích quốc gia đang phát triển cho đến khi đạt được đàm phán trong tương lai. Như vậy, Chính phủ sẽ có đủ thời gian tìm phương án đối phó phù hợp cho các vòng đàm phán sắp tới.