Thành quả của sự hòa giải

Thứ năm, 31/12/2015 09:31

(Cadn.com.vn) - Việc quân đội Iraq chiếm lại thành trì quan trọng Ramadi từ tay IS đang được ca ngợi hết lời. Và có thể thấy, đây là thành quả từ chính sách hòa giải giáo phái ở quốc gia Nam Á này.

Nhìn bên ngoài cuộc chiến chống IS của chính quyền Iraq, việc đánh giá sự tiến bộ của những chiến thắng quân sự là khá dễ dàng. Thật vậy, việc chiếm lại thành phố Ramadi của quân đội Iraq là một thắng lợi bước ngoặt. Nó giúp phá vỡ ảo tưởng về một Nhà nước Hồi giáo (Caliphate) của IS và rằng, các thế lực khủng bố không bao giờ có thể giành chiến thắng “trái tim và khối óc” của mọi người. Khi mất đi thành trì quan trọng này, rõ ràng IS đã đánh mất “sức thu hút hấp dẫn” của chúng đối với những người Hồi giáo đang có tư tưởng cực đoan.

Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, những tiến bộ nhanh chóng của IS trong cuộc chiến giành lãnh thổ ở Iraq và Syria là “nhờ” chủ yếu vào cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột tôn giáo ở cả hai quốc gia này. Tại Iraq, giới lãnh đạo thất bại trong việc hòa giải tôn giáo và sắc tộc. Người dân tộc Sunni phàn nàn về sự phân biệt đối xử của giới cầm quyền chủ yếu là người Shiite. Người Kurd, các Kito hữu và người Yazidi cũng vậy. Bất mãn, những nhóm này dễ dàng “trao” đất khi bị IS tấn công. Tại Syria là cuộc nội chiến kinh hoàng giữa nhiều phe phái chống chính phủ Tổng thống Bashar Assad.

Chiến thắng Ramadi là minh chứng cho thấy sự hàn gắn giữa người Sunni và người Shiite đã có hiệu quả. Thủ tướng Haider al-Abadi công bố chiến thắng trên Đài truyền hình bằng cách ghi nhận sự hợp tác của “các đảng phái, các tôn giáo và các giáo phái khác nhau” giữa các lực lượng khác nhau (Sunni, Shiite và các bộ tộc). Ông cũng tuyên bố, hiện nay, các lực lượng cảnh sát Sunni sẽ tuần tra thành phố chủ yếu của người Sunni, làm giảm những lo ngại rằng, các tay súng Shiite có thể gây tổn hại cho người dân. Và ông cũng cam kết sẽ tiếp tục gắn kết các phe phái để tiếp tục chiếm lại thành phố quan trọng hơn nữa, đó là Mosul, vào năm 2016.

Câu hỏi đặt ra là Thủ tướng Haider al-Abadi tìm kiếm sự hỗ trợ ở đâu? Ông thường trông mong vào thành phố linh thiêng nhất ở Iraq đối với người Shiite là Najaf và theo lời khuyên của các giáo sĩ hàng đầu, chẳng hạn như Đại Ayatollah Ali al-Sistani – giáo sĩ có ảnh hưởng nhất hiện nay ở Iraq. Sự tôn trọng tối cao mà Thủ tướng Haider al-Abadi dành cho ông Sistani đã giúp thu hẹp khoảng cách Sunni-Shiite. Ông cũng thận trọng với nhân tố Iran – vấn đề vốn gây chia rẽ ở Iraq.

Tất nhiên, để giành chiến thắng toàn diện trước IS, quân đội Iraq chắc chắn cần trợ giúp nhiều hơn nữa từ bên ngoài. Nhưng sự hòa giải tôn giáo sắc tộc ở bên trong là điều kiện tiên quyết mà Iraq cần phải có trước khi tính đến bất kỳ chiến dịch quân sự nào.

Thanh Văn