Thao thức với nghề tằm tang

Thứ tư, 25/05/2016 10:29

(Cadn.com.vn) - Làng Đại Bình (xã Quế Trung, H. Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) lâu nay nổi tiếng là "miệt vườn Nam Bộ". Dải đất hình chữ C nằm riêng biệt bên kia dòng sông mẹ Thu Bồn, chân thò ra bãi, đầu gác núi, cả dãy tre xanh ôm gọn lấy làng, chạy dọc theo bờ cát ven sông trải dài từ đầu truông Nông Sơn đến Thổ Làng, Bàn Cúng. Những con đường làng uốn mình theo xóm làng giữa những vườn cây trái đầy bóng mát. Tách hẳn với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp của chợ Trung Phước, nơi đây như một ốc đảo thanh bình, yên ắng. Làng cũng từng nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Theo lời cụ Nguyễn Trí thì làng dâu tằm Đại Bình có từ lâu đời, cách đây khoảng 300-400 năm. Vùng đất này mặc dù thường xuyên bị lụt lội, nhưng được phù sa bồi đắp nên rất thích hợp với việc trồng dâu. Trước kia, làng Đại Bình có đến 80% người dân sinh sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm.

Những bãi bồi dọc sông Thu Bồn chính là vựa dâu xanh tốt giúp làng dâu tằm Đại Bình, Hương Quế nổi tiếng một thời. Phát triển mạnh nhất là vào những năm 1990 đến năm 2000, thời điểm ấy dường như hộ nào cũng trồng dâu, nuôi tằm và kén được bán cho các Hợp tác xã ươm tơ ở Đại Lộc, Duy Xuyên. Ông Phan Thông nhớ lại: Cái nghề này ông bà ngày trước nói rồi, kiểu như "Nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một lứa" bởi nó mang lại thu nhập cao cho người dân. Hơn nữa, nuôi tằm không tốn nhiều chi phí, có thể tận dụng các vật liệu sẵn có như tranh, tre để làm nhà nuôi tằm và cây rang chặt trên đồi về để bủa tằm. Kỹ thuật nuôi tằm không khó, chỉ cần cẩn thận, chịu khó và chăm chỉ... Điều kiện thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với trồng cây dâu, chỉ sau bốn đến sáu tháng là đã cho thu hoạch lá, cây dâu còn có thể trồng xen canh với các loại cây ngắn ngày như đậu phộng, đậu xanh, khoai lang...nên tiện chăm sóc. Mặt khác, chi phí trồng dâu thấp, thời gian ngắn, từ già đến trẻ ai cũng có thể làm các việc như hái dâu, chăm tằm tranh thủ lúc nông nhàn...

Dâu xanh làng Đại Bình.

Ánh mắt xa xăm nhìn ra bãi dâu ven sông, ông Thông hồi tưởng: "Thời gian trước, đến lúc tằm làm kén, nhà nào cũng giăng đầy sân, trong vườn, cuối chiều là kén đã vàng ươm trên bủa. Bây chừ, còn đâu như trước kia...". Trước năm 2000, gia đình ông và nhiều người khác trong làng mỗi năm có thể nuôi được 12-13 lứa tằm, khoảng 20 nong tằm/ lứa, thu được 35-40 kg kén. Trừ xong các khoản chi phí trung bình mỗi hộ thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá kén bắt đầu trôi nổi trên thị trường, có khi xuống thấp và kén không bán được. Hiện nay, sản phẩm kén ở Đại Bình chủ yếu bán cho hai lò ươm tư nhân là ông Đoàn Văn Tuấn và Đoàn Lượng tại Duy Trinh (Duy Xuyên), phụ thuộc vào giá tơ trên thị trường nên  người dân không yên tâm sản xuất, dẫn tới sự thiếu sự gắn bó tha thiết với nghề.

Nhiều gia đình đã chặt bỏ cây dâu để chuyển sang các cây trồng khác. Người làm tằm cũng chuyển công việc khác, cả làng Đại Bình chỉ còn lại khoảng trên 20 hộ theo nghề. "Bỏ sao được, cái thân đã vận vào cái nghề "ăn cơm đứng" rồi, nuôi tằm như nuôi con mọn, vất vả đấy nhưng thiếu vắng là  nhớ, không chịu được"-ông Phan Đình Mão, người gắn bó nghề làm tằm lâu năm nhất làng tâm sự.  Thời gian qua, H. Nông Sơn đã lồng ghép một số chương trình, dự án và hỗ trợ phân bón, mở lớp tập huấn, đánh giá lại hiệu quả của nghề trồng dâu nuôi tằm để giúp người dân có thêm thu nhập và yên tâm với nghề. Bên cạnh đó, huyện còn kết hợp phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với định hướng phát triển du lịch sinh thái Đại Bình trong tương lai.

Làng Đại Bình hiện còn rất ít hộ nuôi tằm.

Dẫu qua những thăng trầm, bây giờ đi dọc theo từ bên kia sông Thu Bồn, trên những bãi bồi phù sa vẫn ngàn dâu xanh biếc, vào mùa, trên những đường làng ngõ xóm vẫn những nong kén vàng tươi... Ông Nguyễn Văn Hai- Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, thật ra những hộ còn theo nghề trồng dâu nuôi tằm, bên cạnh duy trì kế sinh nhai thì họ càng luyến tiếc với cái nghề bao đời nay gắn bó với tiền nhân, với quê hương nghĩa tình. Địa phương hiện đang quy hoạch lại và tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con duy trì và phát triển làng nghề, thêm một sản phẩm du lịch độc đáo khi du khách đến tham quan và trải nghiệm làng quê Đại Bình trong nay mai. Điều đó sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa của vùng đất yên bình nằm hiền hòa bên dòng sông mẹ Thu Bồn. Để mỗi lần có dịp trở lại mảnh đất Đại Bình vẫn còn đó bãi dâu xanh e ấp quanh làng, để nghề trồng dâu nuôi tằm không phai nhạt với thời gian...

Thảo Nguyên