Thấp thỏm trước mùa mưa bão
Thời gian qua, người dân nằm trong vùng sạt lở núi và sạt lở ven sông tại Quảng Nam luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Trước mùa mưa bão năm nay, các ngành chức năng vẫn đang loay hoay tìm giải pháp ứng phó, khắc phục...
Hàng chục hộ dân sống ngay sát chân núi Rẫy Tranh Lớn đang đối mặt với nguy cơ sạt lở. |
Ám ảnh họa núi đè
Ngay sát dưới chân ngọn núi Rẫy Tranh Lớn có hàng chục hộ dân xã Tiên Cảnh (H. Tiên Phước) sinh sống. Từ lúc mới lập làng, khi chưa có dấu hiệu sạt lở, ngọn núi này là nơi che chắn mưa bão an toàn cho người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngọn núi có dấu hiệu bị "động" nên người dân luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ. "Ngọn núi có nguy cơ sạt lở rất cao vì đã xuất hiện vết nứt rộng hơn 1m, dài cả cây số. Nhiều người thường xuyên nghe những tiếng động lạ phát ra từ trong lòng núi. Đất đá liên tục đổ xuống khiến chúng tôi rất bất an. Nhiều đêm tôi không dám ngủ, phải thức canh nếu có gì bất trắc thì gọi nhau mà chạy", bà Nguyễn Thị Lan (trú xã Tiên Cảnh), bộc bạch. Bà Lan vẫn không quên nhắc lại chuyện hai ngọn núi ở Bắc và Nam Trà My "nổi giận" trong đêm cuốn trôi hàng chục ngôi nhà, nhiều người dân sống ngay dưới chân núi bị vùi lấp trong đống đất đá đổ nát. "Vụ lở núi kinh hoàng đó là nỗi ám ảnh thật sự. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng có giải pháp đưa người dân đến khu tái định cư (TĐC) để ổn định, chấm dứt cảnh sống trong nỗi sợ hãi này", bà Lan khẩn thiết. Ông Trần Văn Bốn, có nhà ngay dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão là tôi sẵn sàng trong tâm thế bỏ của chạy lấy người. Nói thì mọi người nghĩ là hơi quá nhưng sự thật đúng như vậy. Nhiều người đã di dời đồ đạc quý đến nơi an toàn, nhà thì không bỏ được nên đành chấp nhận ở lại đây".
Theo người dân, ngọn núi này cũng đã từng xảy ra một trận sạt lở lớn do mưa kéo dài. Hậu quả, nhiều ruộng vườn cùng một nhà dân bị vùi lấp. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, chính quyền địa phương cũng đã xuống kiểm tra và hứa sẽ di dời dân đến khu TĐC nhưng chờ mãi vẫn không thấy. Hy vọng, thời gian tới chúng tôi sớm có nơi an cư để không còn sống trong cảnh thấp thỏm nữa", ông Nguyễn Hùng (xã Tiên Cảnh), giãi bày. Ông Nguyễn Phước Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Cảnh cho biết, hiện có 36 hộ dân sống dưới chân núi Rẫy Tranh Lớn có nguy cơ bị sạt lở. Trong đó, có 25 hộ trong vùng nguy hiểm cảnh báo cần duy dời khẩn cấp. "Trước thực trạng này, chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng huyện, tỉnh đã cử các đoàn kiểm tra xuống nắm tình hình và lên các phương án, hỗ trợ kinh phí di dời. Hiện tại, khu TĐC đã được lựa chọn trên diện tích 20.000m2, tất cả thủ tục đã hoàn thành nhưng vẫn còn những khó khăn, bất cập", ông Dương nói. Theo ông Dương, khó khăn lớn nhất là kinh phí giải phóng mặt bằng. Bởi, khu TĐC được chọn nằm trên phần đất sản xuất của người dân, muốn san ủi phải có kinh phí giải tỏa đền bù. Chưa kể đến là việc đảm bảo hạ tầng giao thông, điện nước trước khi người dân chuyển về. Ước tính tổng kinh phí đầu tư khoảng 6-7 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Lê Trí Hiệu, Phó Chủ tịch UBND H. Tiên Phước cũng cho rằng, địa phương gặp khó khăn về vốn. Trước mắt để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão, huyện đã cử lực lượng túc trực, kịp thời di tản người dân đến nơi an toàn. Về lâu dài, chính quyền huyện sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn sớm triển khai xây dựng khu TĐC, chậm nhất sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2019.
Sạt lở bờ sông đã ăn sát vào vách nhà dân. |
Lo làng trôi sông
Nếu người dân ở Tiên Phước thấp thỏm với họa núi đè thì người dân sống dọc sông Ly Ly đoạn chảy qua xã Duy Thành (H. Duy Xuyên) lại đối mặt với nỗi lo làng trôi theo sông. Sạt lở đã khiến bờ sông ăn sát vào đến mép nhà dân, nguy cơ cuốn trôi nhà, tài sản cũng như đe dọa tính mạng nếu có mưa lũ kéo dài. Theo người dân địa phương, để khắc phục tình trạng sạt lở họ đã trồng tre giữ làng nhưng không khả quan. "Có trồng bao nhiêu rồi cũng bị cuốn trôi. Vả lại đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi nếu muốn khắc phục tình trạng này phải có kè kiên cố chống sạt lở", ông Huỳnh Tấn Bốn (trú thôn An Lạc, xã Duy Thành), phân trần. "Trước đây nhiều diện tích đất bị cuốn trôi, không còn nơi sản xuất khiến cuộc sống rất khhó khăn, khốn đốn. Đến nay nhà cửa cũng có nguy cơ trôi theo sông nên chúng tôi vô cùng lo lắng, bất an", ông Bốn ngao ngán.
Theo quan sát của chúng tôi, dòng sông Ly Ly đã "bào mòn" những hàng cây, bờ đá kiên cố, chỉ còn cách vách tường rào nhà dân vài bước chân. Chỉ một trận mưa nhỏ đã khiến nhiều nhà bị ngập lụt. Khi có mưa lớn, người dân buộc phải di dời đến những nơi an toàn. Ông Lê Tấn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành thông tin, xã hiện có 250 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng sạt lở ven sông. Tại khu vực sông Ly Ly, lưu lượng nước ở các nơi đổ dồn về nhiều. Vì vậy, mưa lớn kéo dài sẽ có đến 600 hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng. Trước đây, tại xã Duy Thành, sau khi đập para được thực hiện, chính quyền xã có kiến nghị nên tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương xây dựng kè chống xói lở ở phần thượng lưu, tổng chiều dài 1.000m. "Hiện vẫn còn hơn 3.000m đoạn ven lưu vực sông Ly Ly chưa có kè nên người dân phải đối mặt với nỗi lo sạt lở. Đây cũng là khu vực có nút giao thông huyết mạch nối xã Duy Thành với xã Bình Giang (H. Thăng Bình) nên chính quyền địa phương hy vọng tỉnh sẽ tiếp tục có phương án hỗ trợ xây dựng kè sớm nhất có thể", ông Bảo trao đổi. Theo lãnh đạo UBND xã Duy Thành, trước mùa mưa bão, nhằm giải "bài toán" giảm thiểu rủi ro thiên tai, xã cũng đã lên các phương án, tổ chức lực lượng di dời dân cùng tài sản đến nơi an toàn nếu có trường hợp xấu xảy ra. Về vấn đề ổn định cuộc sống lâu dài, chính quyền xã cũng đã bố trí khu đất TĐC cho người dân nhằm giúp người dân an cư lập nghiệp, thoát khỏi nỗi lo sạt lở ven sông.
Phi Nông