Thay đổi lịch sử

Thứ năm, 09/04/2015 09:59

(Cadn.com.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS) lần thứ VII,  diễn ra tại Panama từ ngày 10 đến 11-4 tới, đánh dấu sự thay đổi lịch sử khi lần đầu tiên tập trung vào mối quan hệ Mỹ - Cuba với sự tham dự của La Havana.

Và Cuba cũng kết thúc hơn 5 thập kỷ bị cô lập chính thức ở Tây bán cầu trong tuần này, khi Chủ tịch Raul Castro tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khu vực với sự có mặt của 35 lãnh đạo nhà nước và chính phủ, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhà Trắng cho biết sẽ có "nhiều cơ hội" cho các cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Cuba tại hội nghị kéo dài 2 ngày này, song lưu ý, không có cuộc họp song phương chính thức.

Trong khi các quan chức chính phủ cho biết, không chắc rằng liệu Washington và La Havana có hoàn tất các cuộc đàm phán nhằm tái thiết lập quan hệ ngoại giao trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh hay không, nhưng có dấu hiệu mạnh mẽ, một trong những trở ngại chính trong các cuộc đàm phán sắp bị loại bỏ.

Trên thực tế, Bộ Ngoại giao Mỹ đang trên con đường hoàn thành đánh giá để có thể loại bỏ Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ chủ nghĩa khủng bố, theo lệnh của ông chủ Nhà Trắng khi ông Obama và ông Castro ra tuyên bố lịch sử xích lại gần nhau hôm 17-12-2014. Vì vấn đề này, mặc dù diễn ra 3 phiên đàm phán cấp cao cho đến nay, La Havana vẫn ngần ngại trong việc cho phép Washington mở lại đại sứ quán.

Đối với Chủ tịch Cuba Raul Castro, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần này chính là biểu tượng trở lại hoàn hảo. Bởi lẽ lâu nay, mặc dù OAS, vốn trục xuất Cuba vào năm 1962, mời La Havana tái gia nhập, ông Castro tuyên bố sẽ "không bao giờ" làm như vậy.

Hội nghị Thượng đỉnh OAS, được tổ chức 3 năm một lần, là phiên họp lần thứ 3 trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama và là người đầu tiên không bị lu mờ trước sự phản đối của Mỹ Latinh về vấn đề Cuba. Tại Hội nghị Thượng đỉnh, được tổ chức vào năm 2009 tại Trinidad và Tobago và vào năm 2012 tại Colombia, OAS thất bại trong việc ra Tuyên bố chung do bất đồng về vấn đề Cuba.

Và có thể xem, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, chắc chắn mối quan hệ Cuba-Mỹ sẽ bước sang một trang mới và trong quá trình này, OAS sẽ đóng vai trò quan trọng như là chiếc cầu nối giữa 2 bên. Trong đó, chắc chắn Brazil cũng có thể đóng vai trò quan trọng "hòa giải" giữa Mỹ và Venezuela hiện đang trong trạng thái căng thẳng. Có thể nhận thấy rõ điều này khi Brasilia tránh chỉ trích Caracas và thông qua Ngoại trưởng Mauro Vieira, bày tỏ ra quan ngại trước khả năng mối quan hệ Mỹ-Venezuela căng thẳng có thể làm "ô nhiễm" bầu không khí hội nghị OAS tới.

Khi mối quan hệ Mỹ - Venezuela đang ngày xuống dốc và Caracas trở thành cái gai trong mắt OAS, Cuba trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Và Chủ tịch Castro đứng trước cơ hội tuyệt vời để dẫn dắt Cuba đến con đường hiện đại hóa, mở cửa đầu tư nước ngoài và sẵn sàng cho sự tăng trưởng ngoạn mục.

 Thanh Văn