Thay tướng, đổi mệnh

Thứ sáu, 26/04/2019 07:05

Những đồn đoán về thông tin Triều Tiên thay thế quan chức hàng đầu của nước này tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ đang làm dấy lên những câu hỏi lớn, trong đó chủ yếu tập trung vào giả thiết: Bình Nhưỡng muốn duy trì động lực đối thoại với Washington trên bàn đám phàn hạt nhân, trừng phạt.

Theo nguồn tin của Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc, ông Kim Yong-chol, Trưởng ban Mặt trận Thống nhất đảng Lao động Triều Tiên, một trong các nhà đàm phán cấp cao của Triều Tiên, được coi là “cánh tay phải” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã được thay thế bởi một nhân vật ít được biết tới là ông Jang Kum-chol, lãnh đạo một cơ quan tình báo chủ chốt chuyên giải quyết các vấn đề liên Triều.

Triều Tiên không công khai thông báo về quyết định này, nhưng thực tế cho thấy, ông Kim Yong-chol vắng mặt trong danh sách các quan chức cấp cao Triều Tiên tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến thăm Nga để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên với Tổng thống Putin. Và nếu quyết định thay thế trên được xác nhận, điều này có nghĩa ông Kim Yong-chol là người phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, bởi đây được xem là nỗi hổ thẹn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người đã phải đi một chặng đường dài bằng tàu hỏa từ Bình Nhưỡng đến Hà Nội với hy vọng Washington sẽ dỡ bỏ trừng phạt.

Việc cách chức ông Kim Yong-chol khỏi vị trí chuyên trách đàm phán hạt nhân cũng có thể phát đi thông điệp tới Washington rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẵn sàng đối thoại bất chấp sự thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sau khi Bình Nhưỡng tỏ ý không muốn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dẫn đầu các cuộc đàm phán bên phía Mỹ và muốn Washington thay người. Một quan chức cấp cao Triều Tiên đổ lỗi cho ông Pompeo về tình trạng đàm phán trì trệ, thậm chí gợi ý rằng nên loại vị ngoại trưởng này khỏi bàn họp thì mới mong giải quyết thành công khúc mắc Mỹ - Triều.

Có một thực tế là Ngoại trưởng Pompeo không quá thích người đồng cấp Kim Yong-chol. Ngay cả khi quyết định thay thế này gần như không ảnh hưởng đến đàm phán hạt nhân, nhưng  đây vẫn có thể là tín hiệu cho Washington thấy rằng “chúng tôi muốn tiếp tục đối thoại và hãy tiến hành vòng tiếp theo”. Ngoài ra, bằng việc thay thế ông Kim Yong-chol, Triều Tiên dường như buộc Mỹ phải thừa nhận, đối thoại cần được các nguyên thủ quốc gia dẫn dắt, thay vì tiêu tốn thời gian thông qua đàm phán cấp chuyên viên.

THANH VĂN