Thế giới cách ly thời dịch bệnh

Thứ năm, 19/03/2020 10:41

Chính phủ các nước đã phải vật lộn trong những quyết định quyết liệt và mạnh mẽ trong ngày 18-3 nhằm chống đại dịch Covid-19, trong đó thêm nhiều nước đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại và phong tỏa khắp mọi ngõ ngách.

Những động thái này đã khiến giao thông rơi vào hỗn loạn và nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng, nhưng các nước nhấn mạnh, đây là các biện pháp cần thiết để SARS-CoV-2 chậm lây lan.

Hệ thống y tế Italia quá tải vì số bệnh nhân mắc Covid-19 ngày càng tăng mạnh. Ảnh: AP

Gần 8.000 người chết

Theo báo cáo mới nhất vào ngày 18-3, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu hiện nay đã vượt quá 198.000, mặc dù hơn 81.000 trong số đó đã phục hồi, chủ yếu ở Trung Quốc. Trong khi đó, hơn 7.900 người đã tử vong.

Tại Italia, số ca nhiễm nhảy vọt lên 27.980, với 2.503 người chết. Tây Ban Nha là ổ dịch lớn thứ 4 thế giới khi chứng kiến các trường hợp mắc bệnh tăng hơn 2.000 ca trong một ngày, lên 11.178 ca.

Những lệnh cấm nhập cảnh

Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đồng ý đóng cửa biên giới bên ngoài khối trong 30 ngày.

Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến qua video với lãnh đạo các nước EU, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố, các nước thành viên EU đã nhất trí áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào khối này, ngoại trừ công dân các nước thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA) và Anh. Nhà lãnh đạo Đức thông báo lệnh trên sẽ có hiệu lực trong 30 ngày và Berlin lập tức thực thi lệnh cấm nhập cảnh này. Ngoại trừ một số ngoại lệ, như trường hợp người lao động phải qua biên giới làm việc, tất cả các nước EU sẽ thực thi lệnh cấm này.

Công dân và thân nhân của họ ở các nước EU được phép đi qua Đức và điều này cũng áp dụng với các công dân từ Anh, Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Chính phủ Thụy Sĩ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, chỉ thị đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng, quán bar và các cơ sở khác. Các biện pháp này loại trừ các cơ sở chăm sóc y tế và siêu thị, nhưng lại bao gồm cả các cơ sở vui chơi giải trí. Tất cả sẽ bị đóng cho đến ngày 19-4. Các nhà lãnh đạo EU cũng nhận định đại dịch Covid-19 sẽ gây ra những “hậu quả rất thảm khốc” đối với nền kinh tế. Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh EU đang phối hợp hành động để đưa các công dân đang mắc kẹt ở các nước ngoài EU trở về.

Ở Đông Nam Á, đường biên giới giữa Malaysia và trung tâm tài chính của Singapore khá im ắng sau khi Kualar Lumpur đóng cửa biên giới, trong khi Philippines cho người nước ngoài 72 giờ rời khỏi đảo chính Luzon của nước này sau khi Manila tuyên bố đóng cửa tất cả các sân bay trên đảo Luzon từ ngày 20-3. Trước đó một ngày, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã yêu cầu toàn bộ người dân trên đảo Luzon, trong đó có thủ đô Manila, ở trong nhà trong 30 ngày.

Trong khi đó, Mỹ và Canada đóng cửa biên giới chung, thực hiện lệnh cấm đối với việc đi lại không cần thiết giữa hai nước. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét kế hoạch gửi trả lại Mexico tất cả những người vượt biên giới bất hợp pháp vào Mỹ. Hiện tại virus Corona mới có mặt ở mọi tiểu bang của Mỹ sau khi West Virginia báo cáo có ca nhiễm đầu tiên. Thống đốc Hawaii, khuyến khích khách du lịch hoãn kỳ nghỉ trên đảo này trong ít nhất 30 ngày tới, trong khi thống đốc bang Nevada - quê hương của kinh đô sòng bạc Las Vegas - ra lệnh đóng cửa các sòng bạc trong 1 tháng. Các quan chức Mỹ thậm chí cho biết, quân đội có thể được huy động giúp thành lập các bệnh viện dã chiến tại các bang có số ca nhiễm tăng nhanh.

Tại Colombia, Tổng thống Ivan Duque cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Tổng thống Duque nhấn mạnh: “Để bảo vệ ông bà của chúng ta, chúng tôi đã ban bố lệnh cách ly bắt buộc bắt đầu từ 7 giờ sáng 20-3 cho đến 31-5. Toàn bộ những người trên 70 tuổi phải ở trong nhà, trừ trường hợp mua lương thực và thuốc men, sử dụng các dịch vụ y tế và tiếp cận các dịch vụ tài chính”.

Lo kinh tế sụp đổ

Sự hoành hành của dịch bệnh đang khiến cả thế giới lo lắng về nguy cơ sụp đổ kinh tế toàn cầu. Mỹ, Anh và Hà Lan đã công bố các gói cứu hộ trị giá hàng trăm tỷ USD, trong khi Venezuela đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay 5 tỷ USD.

Các thị trường chứng khoán lớn ở Châu Á tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào sáng 18-3 do Phố Wall nhảy điểm từ cam kết viện trợ của ông Trump. Tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU đã ban hành các hướng dẫn để giảm bớt dòng hàng hóa quan trọng như thực phẩm và thuốc men, đồng thời giúp các quốc gia riêng lẻ hạn chế việc đi lại không cần thiết. IMF cũng cho rằng, mức độ nghiêm trọng của sự suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài của việc bùng phát dịch bệnh và cách thức phản ứng của chính phủ các nước. Vào tháng 1, IMF vẫn dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 3,3%, nhưng đó là thời điểm chưa có sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như việc đóng cửa biên giới của các nước và sự lao dốc của giá dầu.

Tuy nhiên, vẫn có những tuyên bố lạc quan. Tổng thống Trump hôm 18-3 cho biết, nền kinh tế Mỹ đang bị tác động bởi dịch, nhưng sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi dịch hạ nhiệt và tiến trình phục hồi này sẽ diễn ra bất chấp sự lây nhiễm. Trong động thái khẩn cấp mới nhất, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang thiết lập cơ sở cho vay để mua các khoản nợ ngắn hạn từ các ngân hàng và Cty nhằm nới lỏng dòng tín dụng trong bối cảnh kinh tế trì trệ do sự bùng phát của dịch bệnh.

Trong khi đó, Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia (NDRC) của Trung Quốc tuyên bố, nền kinh tế nước này cũng sẽ trở lại bình thường trong quý thứ hai khi các biện pháp hỗ trợ của chính phủ nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh có hiệu lực.

KHẢ ANH