Thế giới chia rẽ vì khủng hoảng Rohingya
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi – nhà lãnh đạo trên thực tế của nước này – bỏ lỡ một phiên họp quan trọng của Đại hội đồng LHQ vì phải tập trung giải quyết vấn đề đang gây đau đầu của nước này: cuộc khủng hoảng người Rohingya.
Những người tị nạn Rohingya chạy trốn khỏi tình trạng bất ổn tại bang Rakhine, Myanmar. Ảnh: AFP |
Cộng đồng quốc tế đang bị chia rẽ gay gắt về cuộc khủng hoảng người Rohingya ở Myanamar trong bối cảnh HĐBA LHQ ngày 13-9 nhóm họp khẩn tìm cách gỡ rối cho vấn đề này.
LHQ và nhiều nước khác đã mạnh mẽ chỉ trích Myanmar vì để xảy ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại bang Rakhine, nơi các cuộc trấn áp của quân đội khiến hơn 300.000 người thuộc cộng đồng Hồi giáo Rohingya phải chạy nạn sang Bangladesh. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của chính phủ Myanmar trong việc “duy trì hòa bình và ổn định” tại bang Rakhine.
Làn sóng bạo lực gần đây bùng phát ở bang Rakhine, tây bắc Myanmar vào ngày 25-8, khi những người Hồi giáo nổi dậy Rohingya tấn công hàng chục trụ sở cảnh sát và một căn cứ quân đội. Các cuộc đụng độ tiếp sau đó và cuộc phản công của quân đội chính phủ Myanmar đã khiến ít nhất 400 người thiệt mạng và gây ra cuộc di cư lớn của người Rohingya đến Bangladesh.
Vụ việc làm bùng nổ làn sóng chỉ trích của LHQ. Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Raad Al Hussein đã chỉ trích “vụ tấn công có hệ thống” rõ ràng nhằm vào người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar, đồng thời cảnh báo, tình trạng “thanh lọc sắc tộc” dường như đang diễn ra tại đây.
Tuy nhiên, chính phủ Myanmar bác bỏ mọi vi phạm và đổ lỗi cho các phiến quân gây ra chiến sự khi đã đốt cháy hàng ngàn ngôi làng, trong đó có nhiều người Hồi giáo Rohingya. Trong một tuyên bố hôm 12-9, bà Suu Kyi đã bảo vệ quân đội đã làm việc vì “phục hồi sự ổn định”, khẳng định, quân đội được lệnh phải “thực hiện mọi biện pháp kiềm chế, và phải có biện pháp triệt để để tránh thiệt hại”.
Nhưng áp lực quốc tế đối với Myanmar đã tăng lên. Trong bối cảnh này, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi - nhà lãnh đạo trên thực tế của nước này đã quyết định không dự một phiên họp quan trọng của Đại hội đồng LHQ trong tháng này vì phải ở nhà tập trung giải quyết vấn đề cuộc khủng hoảng Rohingya.
Hiện nay, những đợt tấn công vẫn tiếp tục ở phía bên biên giới Myanmar sau khi chính phủ Myanmar bác bỏ một đề nghị ngừng bắn của phiến quân ở Rakhine với lý do họ không “thương lượng với các phần tử khủng bố”. Cho đến nay, hơn 370.000 người Hồi giáo Rohingya chạy trốn sang Bangladesh, trong đó hơn 60% là trẻ em. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Họ đến Bangladesh bằng cách đi bộ nhiều ngày qua những ngọn đồi và rừng già hoặc đi trên những con thuyền nguy hiểm. Hầu hết trong số họ đều thiếu thực phẩm, nước uống và chăm sóc y tế nghiêm trọng.
Chính phủ Bangladesh mới đây tuyên bố đã cấp một khu đất để xây dựng trại tị nạn mới cho những người Hồi giáo Rohingya đến từ Myanmar. Tuy nhiên, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, người đã đến thăm một trại tị nạn của người Rohingya gần thị trấn biên giới Ukhiya, huyện Cox’s Bazar hôm 13-9 nhấn mạnh, Myanmar sẽ phải “giải quyết” vấn đề này. Thủ tướng Hasina đã chỉ trích Myanmar đồng thời cho biết Dhaka sẽ không dung thứ bất kỳ sự bất công nào và nước này sẽ tiếp tục phản đối vụ việc trên. Nhưng bà Hasina vẫn đảm bảo với những người tị nạn rằng, Bangladesh sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho họ.
Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng. Trong khi đó, Dhaka cũng từ chối tiếp nhận vĩnh viễn người Rohingya.
KHẢ ANH