Thế giới đổ dồn vào Iran- Mỹ

Thứ sáu, 27/09/2013 12:08

(Cadn.com.vn) - Mọi con mắt đổ dồn vào phiên họp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif cùng nhóm P5+1 diễn ra vào ngày 26-9 (giờ New York).

Đây là cuộc họp cấp cao nhất giữa hai nước kể từ Cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, nhằm đi tìm lời giải cho bài toán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Ông Zarif sẽ là Ngoại trưởng Iran đầu tiên cùng ngồi với các đối tác từ 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ - Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ - cộng với Đức để thảo luận về chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo. Hãng thông tấn chính thức IRNA ngày 26-9 đăng những bình luận của Ngoại trưởng Zarif cho rằng, Tehran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán cấp cao với kẻ thù lâu năm Mỹ. Mặc dù hiện không có bất kỳ kế hoạch nào về cuộc hội đàm song phương giữa Ngoại trưởng Kerry và Zarif,  nhưng vẫn còn cơ hội để cả hai gặp gỡ riêng bên lề cuộc họp này.

Tuy nhiên, vấn đề là đoàn đại biểu Iran sẽ chỉ tham dự một phần các cuộc đàm phán vốn do Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), bà Catherine Ashton chủ trì. Ngoài ra, cuộc gặp gỡ giữa các Ngoại trưởng EU, Châu Âu, Nga và Trung Quốc cũng được thiết lập rất ngắn gọn. Vì vậy, mọi con mắt đổ dồn vào những giờ phút hiếm hoi này với hy vọng về một bước đột phá cho cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ nhiều năm qua.

 

Đặc biệt là sau khi hy vọng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Iran, hoặc chí ít là cái bắt tay giữa ông Hassan Rouhani và Barack Obama tại Đại hội đồng LHQ đã tan như bong bóng xà phòng. Nhiều nguồn tin cho biết, chính Tehran khước từ lời mời từ Washington vì cho rằng, cuộc gặp này “sẽ quá phức tạp cho phía Iran”. Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani cho biết, nguyên nhân do cả hai bên đều không có đủ thời gian. Ai ai cũng tỏ vẻ thất vọng và tiếc rẻ cho Washington và Tehran mặc dù sau đó, Tổng thống Rouhani vớt vát rằng, dù không có cuộc gặp này ông vẫn tin, quan hệ hai nước “đã bắt đầu phá băng”.

Giới phân tích nhận định, cuộc họp lần này chính là cơ hội đầu tiên để kiểm tra giới lãnh đạo Iran – vốn mới nhậm chức vào tháng 8. Có lẽ, Mỹ và phương Tây đã sẵn sàng cho Iran cơ hội để chứng minh “sự ôn hòa đầy quyến rũ” của tân Tổng thống Rouhani, người vốn gây bất ngờ khi tuyên bố Iran sẽ không phát triển hạt nhân mà đang nỗ lực theo đuổi chương trình năng lượng hạt nhân dân sự hòa bình. Chính người chủ trì cuộc họp này, bà Ashton cũng tỏ rõ “ấn tượng bởi năng lượng và quyết tâm” của Iran. Nhưng theo bà, vẫn còn một khối lượng lớn công việc cần phải làm.

Mỹ và EU đưa ra biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran trong năm nay, trước khi diễn ra cuộc bầu cử vốn đưa ông Rouhani lên nắm quyền. Biện pháp cấm vận dầu mỏ - ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia Hồi giáo- đã làm tê liệt nền kinh tế nước này. Đó là lý do mà ngay sau khi lên nhậm chức, ưu tiên hàng đầu của ông Rouhani là “ve vuốt” Mỹ và EU, nhằm tiến đến dỡ bỏ cấm vận này.

Vì thế, trong bài trả lời phỏng vấn hôm 26-9, Tổng thống Rouhani mong muốn đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân trong vòng 3-6 tháng và Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei ủng hộ làm trung gian cho thỏa thuận này. Tổng thống Rouhani cho rằng, ông mong muốn đặt thời gian biểu 3 hoặc 6 tháng để ký kết một thỏa thuận hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh Iran hình dung một tiến trình sẽ kết thúc trong “vài tháng chứ không phải vài năm”. “Vấn đề hạt nhân cần giải pháp trong một thời gian hợp lý. Hướng duy nhất là tiến tới một giới hạn được lồng vào các cuộc đàm phán, đó là sự nhanh gọn cần thiết”, ông nhấn mạnh.

Tất nhiên, vấn đề hạt nhân Iran không thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng “cờ đến tay là phải phất”. Cả Iran, Mỹ và EU cần biết nắm bắt thời cơ quan trọng lần này.

Khả Anh