Thế giới làm gì với Triều Tiên?

Thứ sáu, 08/01/2016 10:30

(Cadn.com.vn) - Tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) của Triều Tiên, dù chưa rõ có đúng sự thật hay không, vẫn đang khiến cả thế giới “đứng ngồi không yên”. Liệu các nước sẽ đáp trả Bình Nhưỡng như thế nào?

Trong khi giới tình báo các nước vẫn đang đau đầu tìm câu trả lời liệu Triều Tiên có thật sự có bom H hay không, Bình Nhưỡng “đang chờ” làn sóng trừng phạt mạnh mẽ. Ngày 7-1, nhiều nước nhất trí cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm đưa ra phản ứng thống nhất và mạnh mẽ đối với động thái gây chấn động mới nhất này từ Triều Tiên - một trong những nước bị xử phạt nhiều nhất trên thế giới.

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối việc Triều Tiên tuyên bố thử bom H. Ảnh: AP

Tìm phản ứng thống nhất và mạnh mẽ

Hàn Quốc chính là quốc gia “cần phải lo ngại nhất” sau tuyên bố thử bom H của người láng giềng miền Bắc.

Trong ngày 7-1, đảng Saenuri cầm quyền ở Hàn Quốc thậm chí đã tính đến việc phải có vũ khí nguyên tử theo kiểu “lấy độc trị độc”. Nhà Xanh cũng quyết định sẽ nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên bằng hệ thống loa phóng thanh đặt tại khu vực biên giới liên Triều bắt đầu từ trưa 8-1 và hạn chế số lượng người Hàn Quốc vào Khu công nghiệp chung Kaesong. Chính quyền Tổng thống Park Geun-Hye cũng đang bàn với Mỹ về việc triển khai các thiết bị chiến lược của Washington trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Mỹ đã lên tiếng trấn an sẽ bảo vệ Hàn Quốc trước bất kỳ mối đe dọa hạt nhân nào từ Triều Tiên. Tổng thống Barack Obama có cuộc điện đàm với người đồng cấp Park Geun-Hye, trong đó ông chủ Nhà Trắng tái khẳng định cam kết không gì có thể lay chuyển được về “chiếc ô hạt nhân” của Washington đối với Seoul. Tại Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe cũng điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc, trong đó cả hai nhất trí hợp tác chặt chẽ để HĐBA LHQ có thể nhanh chóng thông qua nghị quyết về các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chống Triều Tiên.

Sau cuộc họp khẩn cấp, HĐBA LHQ đã nhất trí chuẩn bị “các biện pháp tăng cường”, dù không được nêu cụ thể, nhằm vào Triều Tiên và đang lên kế hoạch công bố các lệnh trừng phạt mới nhắm vào chính quyền ông Kim Jong-Un.

Trung Quốc ở thế “tiến thoái lưỡng nan”

Khi thế giới “sực tỉnh” về khả năng Triều Tiên có bom H thì cũng là lúc nhiều người nhìn vào phản ứng của Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng sau vụ việc này.

Hôm 6-1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “kiên quyết phản đối” động thái này. Trong ngày 7-1, Trung Quốc bóng gió cho biết, nước này đã triệu Đại sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh Ji Jae-ryong đến để phản đối vụ việc đồng thời khẳng định đã trao đổi thêm về vấn đề này với các quan chức Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, khi được hỏi để xác nhận rằng liệu ông Ji Jae-ryong đã bị triệu đến hay chưa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ nói rằng, “giới chức cấp cao Bộ Ngoại giao trình bày tỉ mỉ hơn về lập trường của Bắc Kinh với các quan chức Đại sứ quán Triều Tiên”.

Quan hệ đồng minh Bình Nhưỡng-Bắc Kinh đóng băng kể từ khi ông Kim Jong-Un lên nắm quyền năm 2011. Kể từ đó đến nay, ông Kim chưa bao giờ đến thăm Trung Quốc cũng như chưa từng có cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tháng12-2015, ban nhạc nữ Moranbong của Triều Tiên có kế hoạch đến Bắc Kinh biểu diễn song bất ngờ hủy tour và trở về nước. Hãng Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân do “vấn đề thông tin liên lạc”. Tuy nhiên, việc chuyến thăm hủy bỏ trong tuần Triều Tiên lần đầu tiên ám chỉ có khả năng có bom H làm dấy lên nhiều nghi ngờ.

Rõ ràng, Trung Quốc có cái nhìn đầy lo lắng khi uy thế hạt nhân của Triều Tiên trỗi dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn không thể “bỏ rơi” Bình Nhưỡng. Trong vụ việc mới nhất này cũng vậy. Thực tế, Triều Tiên đóng vai trò như một vùng đệm quan trọng che chắn cho Trung Quốc khỏi nguy cơ bị lính Mỹ - hiện đang đồn trú tại Hàn Quốc - áp sát. Triều Tiên cũng là một công cụ quan trọng đối với Bắc Kinh trong “trò chơi lớn hơn” của mối quan hệ Mỹ-Trung tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Và hơn bất cứ điều gì khác, Bắc Kinh muốn vùng biên giới với Bình Nhưỡng luôn ổn định. Bởi một sự hỗn loạn ở biên giới Triều Tiên sẽ là “cơn ác mộng” đối với Trung Quốc.

Khả Anh