Thế giới lo khủng hoảng hạt nhân Iran
Việc Iran đã chính thức bắt đầu làm giàu uranium vượt mức 3,67% - ngưỡng cho phép trong thỏa thuận hạt nhân, khiến các nước lo ngại thỏa thuận hạt nhân lịch sử này sẽ đổ vỡ hoàn toàn.
Các quan chức Iran trong buổi họp tuyên bố tăng cấp độ làm giàu uranium. Ảnh: AP |
Người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử nước này, ông Behrouz Kamalvandi khẳng định, cấp độ làm giàu uranium của Iran đã vượt mức 4,5% vào ngày 8-7, vượt xa mức cho phép đề ra trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), còn gọi là thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các nước P5+1 năm 2015.
Ông Kamalvandi tuyên bố: “Sáng nay, Iran vượt qua cấp độ làm giàu uranium 4,5%... Đây là cấp độ tinh khiết hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu để làm nguyên liệu cho nhà máy điện của đất nước Iran”.
Iran “lật bài ngửa”
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Abbas Mousavi nhấn mạnh, Iran sẽ có các biện pháp bổ sung để giảm các cam kết theo thỏa thuận JCPOA, nếu các bên còn lại tham gia ký thỏa thuận này không tuân thủ các cam kết của họ.
Ông Mousavi cho biết, các bước tiếp theo mà Iran sẽ thực hiện để giảm các cam kết của nước này theo JCPOA sẽ mạnh hơn. Quan chức Iran này cũng khẳng định Tehran sẽ chỉ thảo luận những vấn đề có trong thỏa thuận hạt nhân hiện tại và không tham gia đàm phán cho một thỏa thuận mới. Theo ông Mousavi, Iran vẫn sẵn sàng mở cửa ngoại giao để cứu thỏa thuận hạt nhân nhưng chính cộng đồng quốc tế “không tạo ra hy vọng gì”. Iran cũng cảnh báo Châu Âu không leo thang về vấn đề hạt nhân. Người phát ngôn Mousavi nhấn mạnh nếu các nước Châu Âu tham gia thỏa thuận này “có những hành động khác thường nào đó, chúng tôi sẽ bỏ qua mọi bước đi tiếp theo (trong kế hoạch giảm cam kết) và thực thi bước đi cuối cùng”.
Phía Tehran cũng cho biết Washington có thể tham gia cuộc họp với các bên tham gia ký kết thỏa thuận JCPOA với điều kiện Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng của Tehran. Tại cuộc họp báo, nhà ngoại giao Iran và cũng là nhà đàm phán cấp cao trong các cuộc hội đàm dẫn tới JCPOA nêu rõ: “Mỹ đã rút khỏi JCPOA và không thể sử dụng bất kỳ cơ chế nào của thỏa thuận này, nhưng vẫn có thể tham dự các cuộc họp của P4+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) theo những điều kiện được nêu ra. Điều kiện đầu tiên của chúng tôi là Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Các lệnh trừng phạt khác cũng sẽ được cân nhắc”. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh thỏa thuận JCPOA trong mọi hoàn cảnh sẽ không được đàm phán lại và nó nên được thực thi chính xác.
Các nước nói gì?
Việc Iran đã chính thức bắt đầu làm giàu uranium vượt mức 3,67% - ngưỡng cho phép trong thỏa thuận hạt nhân, khiến các nước lo ngại thỏa thuận hạt nhân lịch sử này sẽ đổ vỡ hoàn toàn.
Trong một tuyên bố ngày 8-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lấy làm tiếc về quyết định của Iran. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng, “hành động bắt nạt đơn phương” của Mỹ là nguyên nhân làm leo thang cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Nhật Bản ngày 8-7 cũng kêu gọi Iran tuân thủ các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân và kiềm chế các hành động có nguy cơ làm suy yếu thỏa thuận này. Nga, quốc gia khác trong nhóm P5+1 cũng đang nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 8-7 cho biết, Moscow lo ngại về kế hoạch của Iran vi phạm giới hạn làm giàu uranium được đề ra trong thỏa thuận và sẽ theo đuổi các nỗ lực ngoại giao để cứu vãn thỏa thuận này.
Tương lai của thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Washington khỏi cách đây 1 năm vẫn còn là câu hỏi. Trong khi các biện pháp gần đây của Iran nhằm tăng cường làm giàu uranium và phá vỡ giới hạn tích trữ uranium được làm giàu cấp thấp có khả năng dễ dàng bị đảo ngược, thì Châu Âu lại đang chật vật phản ứng. Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại, một tính toán sai lầm trong cuộc khủng hoảng này có khả năng bùng nổ thành xung đột, trong bối cảnh Tổng thống Trump từng suýt tấn công Iran do Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ. Ông Trump đã cảnh báo Iran “nên thận trọng”, nhưng không nêu rõ hành động mà Mỹ có thể xem xét.
KHẢ ANH
Iran tiếp tục đề nghị Anh lập tức thả tàu chở dầu Trên trang Twitter ngày 8-7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif miêu tả vụ Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Tehran tạo ra tiền lệ nguy hiểm và yêu cầu phải “chấm dứt ngay”. Ông Zarif viết: “Iran không phải là một thành viên của EU, cũng không phải là mục tiêu của bất cứ lệnh cấm vận dầu mỏ nào của Châu Âu... Việc Anh tịch thu trái phép một tàu chở dầu Iran... tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và phải chấm dứt ngay”. Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ tàu chở dầu Iran ở vùng lãnh thổ Gibraltar hôm 4-7 do nghi tàu này đang chở dầu cho Syria vi phạm các biện pháp trừng phạt của EU. Iran phủ nhận tàu này hướng đến Syria. T.V |