Thế nào là một người nông dân?
(Cadn.com.vn) - Ngày 5-12, tại Hà Nội, Viện Xã hội học chủ trì hội thảo “Chân dung người nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập”. Đây quả là một đề tài tưởng như cũ nhưng hóa ra rất lạ, bởi chính những giáo sư, tiến sĩ, nhà quản lý tham dự hội thảo cũng chẳng khắc họa nổi chân dung nhân vật của mình!
Theo BTC, mục đích của hội thảo là cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách các thông tin toàn diện về người nông dân Việt Nam, đề xuất chính sách để người nông dân thực sự trở thành chủ thể của quá trình phát triển. Để cải thiện đời sống của người nông dân phải thấy được chân dung cũng như tìm hiểu bản chất cái nghèo mới tìm được cách thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Các yêu cầu đối với người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phải có trình độ khoa học công nghệ kỹ thuật cao, thạo nghề - tức là phải được đào tạo, phải có kiến thức sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, biết và sử dụng được công cụ tin học, công nghệ, liên kết trong sản xuất kinh doanh, kết hợp để phát huy đức tính vừa cần cù vừa sáng tạo. Bên cạnh đó, họ cũng phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, gắn kết tình làng nghĩa xóm... Nhưng vấn đề là làm thế nào để chuyển người dân hiện nay sang con người trong thời kỳ mới.
PGS-TS Bùi Quang Dũng, Viện Xã hội học cho rằng, đa dạng hóa trong đời sống của người nông dân cho thấy chính sách còn đang lạc hậu so với những diễn biến trong thực tế. Ví dụ, những tổ chức xã hội tự nguyện đang hình thành trong nông thôn nhưng cho đến nay chưa có được Luật Hội. Người nông dân nhận thức về nghèo cũng khác trước, được xem xét đa chiều, đặc biệt là về giáo dục, y tế, tiếp cận thông tin và chống đỡ rủi ro, nên trong tình hình mới cần có những chính sách phù hợp hơn.
Theo khuyến nghị của ông Hoàng Xuân Thành, đại diện nhóm nghiên cứu Oxfam: Cần nhân rộng mô hình giảm nghèo, trong đó thúc đẩy vai trò của tiên phong và lan tỏa. Gắn kết cộng đồng là điểm tựa cho người nghèo, giúp làm tăng niềm tin xã hội, tăng hiệu quả sinh kế, lan tỏa và duy trì các thực hành mới. Tuy nhiên, không thể bê nguyên mô hình giảm nghèo ở vùng này cho vùng khác, mà cần phải có sự thay đổi phù hợp với từng cộng đồng ở mỗi vùng, miền. Mối quan hệ huyết thống và hôn nhân, sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh lành mạnh, các thiết chế kinh tế phi chính thức, mối liên kết tộc người và xen ghép tộc người đều thúc đẩy lan tỏa. Vai trò “bà đỡ” thông qua cách hỗ trợ thực tế, kịp thời, liên tục của hệ thống khuyến nông, viện nghiên cứu, các chương trình - dự án theo phương pháp “từ nông dân đến nông dân” có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành những người tiên phong và lan tỏa thực hành mới...
Có thể nói, đây là một hội thảo độc đáo và rất đáng quan tâm, thế nhưng tiếc thay, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, các nội dung được trình bày tại hội thảo vẫn chưa khắc họa được chân dung người nông dân trong thời kỳ mới. Hóa ra, lâu nay chưa ai hiểu được nông dân, nghĩa là không hiểu được 70,3% (theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2011) dân số Việt Nam?
Đó quả là một thiếu sót vô cùng lớn.
B.T