Thể thao thành tích cao thành phố Đà Nẵng: Còn đó những trăn trở

Thứ năm, 22/10/2015 06:52

(Cadn.com.vn) - Năm 2015, SEA Games 28 tổ chức tại Singapore, VĐV Đà Nẵng trong thành phần ĐTQG đã đạt 4 HCV các môn đua thuyền, điền kinh, bơi; tại giải vô địch Đông Nam Á, môn cử tạ đạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; tại giải vô địch Châu Á, đạt 1 HCB, 1 HCĐ môn cử tạ; tại giải đá cầu thế giới đạt 1 HCV… Những thành tích ấy góp phần đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thể thao mạnh của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của thể thao thành tích cao (TTTTC) TP Đà Nẵng vẫn còn đó những trăn trở.

Nhiều hạng mục trong Khu Liên hợp TDTT Hòa Xuân còn dang dở.

Nhiều chính sách khuyến khích phát triển tài năng

 Với đặc thù thời gian lao động ngắn, cường độ cao, thực tế cho thấy sau một thời gian phấn đấu, cống hiến, phần lớn các VĐV khi chia tay với thể thao sẽ phải bắt đầu một công việc khác từ vạch xuất phát để tiếp tục cuộc sống. Những năm trước đây, các chế độ đãi ngộ, chính sách đặc thù như tiền công, tiền thưởng, chính sách hướng nghiệp và chăm lo giải quyết nghề nghiệp cho VĐV khi hết tuổi thành tích còn bất cập, chưa phù hợp, dẫn đến bản thân VĐV, gia đình và dư luận xã hội chưa yên tâm, chưa xem thể thao là một nghề nghiệp. Đơn cử năm 2014, trong số gần 650 VĐV TTTTC toàn thành phố đang được huấn luyện chỉ có 8 VĐV được hưởng chế đệ hỗ trợ đặc biệt gồm: Hoàng Quý Phước (bơi), Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh), Nguyễn Thị Kim Vân (cử tạ) cùng với mức 15 triệu đồng/người/tháng, Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) 10 triệu đồng/tháng, Dương Thị Thanh Minh (Judo), Trương Quốc Long (Thể dục thể hình), Nguyễn Đình Lộc, (Judo); Lê Quang Trung (cử tạ) cùng mức 5 triệu đồng/tháng. Thời gian hưởng là 1 năm, từ 1-1 đến 31-12-2014. Còn các HLV, VĐV tài năng khác đạt nhiều thành tích quốc gia, quốc tế, chế độ rất thấp. Tiền lương của HLV hưởng theo hệ số quy định chung, tiền công VĐV hưởng mức 2.080.000 đồng/người/tháng.

Chế độ tiền công thấp như trên khiến VĐV thể thao hầu như không có thu nhập tích lũy để đảm bảo cuộc sống sau khi hết thi đấu (trừ một số VĐV đạt thành tích và được tiền thưởng từ chính sách khen thưởng của Nhà nước). Nhiều VĐV qua thi đấu các giải thành phố hoặc qua giai đoạn huấn luyện ban đầu được phát hiện là có tố chất tốt, tuy nhiên do thu nhập thấp và không ổn định đã không muốn đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp.

Thực hiện Chiến lược phát triển TTTTC TP Đà Nẵng đến năm 2020, tháng 8-2015, UBND TP Đà Nẵng ban hành đề án đãi ngộ đối với HLV, VĐV tài năng. Theo đó, Bắt đầu từ năm 2015, ngoài chế độ tiền công, tiền lương, Đà Nẵng còn có chính sách áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc thù cho VĐV, HLV. Trong thời gian luyện tập, VĐV, HLV đội thuyền thành phố được hưởng mức từ 90.000 đồng đến 150.000 đồng/người/ngày; trong thời gian tập huấn và thi đấu từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/người. Trước đó vào tháng 7-2015, HĐND TP Đà Nẵng có nghị quyết quy định về chế độ đãi ngộ hàng tháng đối VĐV HLV thể thao đạt thành tích xuất sắc trong thi đấu các giải quốc gia, quốc tế, trong đó mức cao nhất có thể lên đến 25 lần mức lương cơ sở; mức thấp cũng từ gấp 2 đến 4 lần lương cơ sở. Ngoài ra còn có chế độ hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm. Cuối tháng 8-2015, UBND TP có quyết định số 23/2015/QĐ-UBND quy định về chế độ tiền thưởng đối với HLV, VĐV lập thành tích tại các giải quốc gia.

 Còn đó những trăn trở

Từ năm 2011 khi cơ sở cũ ở SVĐ Chi Lăng (trụ sở của Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV TP Đà Nẵng, nơi ăn ở của một số VĐV đỉnh cao) bị di dời tạm thời về CLB Bơi - Lặn trong khi chờ xây dựng Trung tâm mới tại Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân, nhiều khó khăn mới nảy sinh. Theo bà Lê Kim Phượng, Trưởng phòng Tổ chức- Hành chính Trung tâm cho biết, hiện các bộ phận của Trung tâm ở 3 nơi: Cơ sở 1 tại CLB Bơi – Lặn; cơ sở 2 là nơi ăn ở của khoảng 200 VĐV TTTTC được bố trí vào 2 block chung cư nam cầu Trần Thị Lý. Cơ sở 3 là CLB bơi thuyền ở Đồng Xanh-Đồng Nghệ dành cho bộ môn bơi thuyền. Việc phân bổ các VĐV ở không tập trung như thế đã gây ra rất nhiều khó khăn cho Trung tâm trong việc quản lý và huấn luyện VĐV, chưa kể tốn kém về kinh phí và điều kiện tập luyện của nhiều bộ môn không đảm bảo...

Dự án xây dựng cơ sở mới của Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV trong Khu Liên hợp TDTT Hòa Xuân bao gồm khu nhà điều hành, nhà ở VĐV, sân tập và thi đấu đa năng, bể bơi, khu hội trường. Tuy nhiên, để hoàn thành và đưa vào sử dụng là vấn đề xa xôi bởi theo Sở VH-TT&DL, dự án có quy mô và nguồn vốn quá lớn nên rất khó khăn trong triển khai đầu tư. Dự án đã lập 5 năm nhưng đến nay các bộ, ngành Trung ương vẫn chưa thẩm định vốn đầu tư và chưa có ý kiến về dự án. Tại Thông báo số 237/TB-VP ngày 15-9-2015 của Văn phòng UBND TP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ ở cuộc họp nghe báo cáo về dự án Khu Liên hợp TDTT Hòa Xuân: Về phần Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV, Chủ tịch UBND TP đồng ý nguyên tắc bố trí 1 block chung cư tại Chung cư xã hội Khu E khu dân cư Nam Cẩm Lệ để bố trí chỗ ở cho VĐV và Khu nhà làm việc cho Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV; đồng ý điều chỉnh lại tổng mặt bằng của dự án Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV tại Khu Liên hợp TDTT Hòa Xuân với quy mô phù hợp nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Trên cơ sở kết luận của Chủ tịch UBND TP, Sở VH-TT&DL có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn đầu tư và khả năng cân đối vốn của dự án Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV tại Khu Liên hợp TDTT Hòa Xuân. Theo đó sẽ đầu tư xây mới các hạng mục: Khối nhà tập luyện 3 tầng; xây dựng đường chạy điền kinh nhựa tổng hợp và hạ tầng kỹ thuật trên tổng diện tích hơn 67,4 ngàn m2, tổng mức đầu tư gần 104 tỉ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2015 đến 2017.

Điều này cũng đúng nghĩa với việc các HLV, VĐV còn tiếp tục phải tập luyện trong điều kiện thiếu thốn, tạm bợ thêm một thời gian nữa.

 Kim Thanh