Thêm nạn nhân sa "bẫy lừa”… nộp tiền chứng minh vô tội

Thứ hai, 13/07/2020 14:39

Ngày 12-7, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Phòng CSHS CA tỉnh Nghệ An cho biết, đang tập trung điều tra làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn. Nạn nhân là cụ ông Nguyễn Văn A. (1957, trú TP Vinh, Nghệ An) đã bị một nhóm đối tượng vẽ ra câu chuyện phạm tội rồi dàn xếp, lừa đảo chiếm đoạt 120 triệu đồng.

"Lệnh bắt tạm giam" ông A. được các đối tượng lừa đảo gửi qua zalo.

Theo trình báo của ông Nguyễn Văn A., ngày 8-7, ông nhận được điện thoại từ một người đàn ông tự xưng là nhân viên Bưu điện Hà Nội. Người này nói ông A. có một bưu phẩm đang bị giữ lại tại bưu điện. Khi thắc mắc về bưu phẩm thì người xưng là nhân viên bưu điện nói sẽ nối máy cho ông A. gặp cán bộ CATP Hà Nội để được giải quyết. Ít phút sau, một cuộc điện thoại khác gọi đến, lần này đầu dây bên kia xưng là cán bộ điều tra viên của CATP Hà Nội. Người này thông báo ông A. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền. Là cán bộ hưu trí, sống bằng đồng lương hưu ít ỏi, luôn thể hiện là công dân gương mẫu, tự dưng bị gán cho cái tội buôn bán ma túy và rửa tiền, ông A. nghe qua mà rụng rời cả chân tay. Ông khẳng định, thông tin liên quan đến việc mua bán ma túy và rửa tiền trên là vu khống, bịa đặt hoặc có thể nhầm với ai đó trùng tên mà thôi. Tuy nhiên, người xưng là điều tra viên này một mực khẳng định là đúng tên và địa chỉ ông A. Để chứng minh ông A. chính là “nghi can”, người này đã gửi "Lệnh bắt tạm giam" qua zalo để cho ông xem. Đọc các thông tin cá nhân trên "Lệnh bắt tạm giam" trùng khớp với thông tin của mình, ông A. bắt đầu lo lắng, hoảng sợ.

Như nắm được diễn biến tâm lý lo lắng của ông A., đối tượng này đã yêu cầu ông phải sớm chuyển hết tiền tiết kiệm đang có vào tài khoản ngân hàng của "công an" để phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ. Nếu quá trình xác minh số tiền trên không liên quan đến hoạt động tội phạm, phía “công an” sẽ hoàn trả lại. Cùng đó, người này yêu cầu ông A. phải giữ bí mật, tránh bị lộ, ảnh hưởng đến kết quả điều tra. Sau 2 ngày chuyển tiền theo yêu cầu của “điều tra viên”, đến ngày 10- 7, ông A. liên lạc lại thì số điện thoại cũng như zalo đều đã bị khóa. Biết mình bị lừa, ông A. mới kể lại sự tình cho con, cháu nghe sau đó trình báo sự việc lên cơ quan Công an.

"Lúc đó tôi như bị thôi miên, răm rắp thực hiện theo yêu cầu, chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm là 120 triệu đồng vào tài khoản cho phía "công an" mà không một mảy may nghi ngờ gì", ông A. thuật lại.

Trung tá Hà Huy Đức- Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, thời gian qua, Đội đã phá nhiều chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội facebook, zalo… Thủ đoạn lừa đảo này tuy không có gì mới nhưng nhiều nạn nhân vẫn dính bẫy. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ, người già cả... đây là những người ít tiếp cận thông tin trên mạng Internet”.

X.S