Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Nóng về phía... biển

Thứ tư, 20/04/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - LTS: Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng luôn được biết đến là một thị trường sôi động, hấp dẫn các nhà đầu tư. Nguyên nhân căn bản nhất được xác định vì Đà Nẵng đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ để trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Với vị thế đầy tiềm năng như vậy, mặt bằng giá đất ở đây vẫn được xem là còn khá “mềm” so với các đô thị ở hai đầu đất nước. Vì vậy, việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư ở Hà Nội, TPHCM cũng như vốn nhàn rỗi trong dân là điều tất yếu. Loạt phóng sự của Báo Công an TP Đà Nẵng dưới đây sẽ phần nào giúp bạn đọc hình dung về sự phát triển khá sôi động của thị trường BĐS Đà Nẵng cũng như các vùng đất ven biển giáp ranh với tỉnh Quảng Nam...

Bài 1: Bất động sản Đà Nẵng có bị “thổi” giá?

Cứ bắt đầu vào mùa nóng, BĐS Đà Nẵng lại sôi lên. Giá đất nền ở tất cả các khu đều bị “thổi” tăng lên gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước trong khi căn hộ chung cư và biệt thự đang “bội thực”.

 Thị trường căn hộ dù chưa sôi động như các NĐT vẫn xây dựng để đón đầu (trong ảnh là dự án Azura).

“Nóng” đất nền

Vào thời điểm này năm trước, Phương Trang tung ra hàng loạt khu đất ven biển từ Phạm Văn Đồng kéo về hướng Bãi Bụt và thu hút được lượng lớn khách Hà Nội đầu tư. Đây là cú hích mạnh cho thị trường BĐS Đà Nẵng lúc đó vốn đang trầm lắng. Từ đây, rất nhiều các khu khác, dù xa trung tâm nhưng đều đã tăng giá đất gấp đôi tính tới thời điểm này. Cụ thể, khu An Cư 5 giá đất tăng từ 15 triệu lên 30 triệu đồng/m2; khu Hòa Minh đường 5,5m tăng từ 4 triệu lên 8 triệu đồng/m2; khu Vạn Tường tăng từ 3,6 triệu/m2 lên 6 triệu đồng/m2. Không ít người nghi ngờ việc giá đất nền tăng gấp đôi trong thời gian ngắn là do giới đầu cơ “thổi” giá chứ nhu cầu thực tế không mạnh đến thế.

Vậy sự thật giá đất nền ở Đà Nẵng có sốt ảo? Ông Đinh Ngọc Sinh – GĐ sàn giao dịch BĐS Thiên Kim cho biết, giá tăng do cầu vượt cung. Có thể người dân Đà Nẵng nhu cầu thực tế không cao nhưng nhu cầu khách từ các địa phương khác đặc biệt từ Hà Nội đổ vào đầu cơ đất ở Đà Nẵng rất lớn. Minh chứng rõ nhất là hiện 80% đất ven biển có chủ Hà Nội. Với họ, đây là các khu đất đẹp, giá mềm, đầu cơ có triển vọng. Mặt khác, do yếu tố vĩ mô, sự mất giá của đồng tiền nên vốn được dốc vào BĐS để trú ẩn.

Cầm một số tiền lớn trong tay khi đang mất giá, nhiều người vội vàng tìm một kênh giải ngân đầu tư. Vàng, chứng khoán dành cho những người am hiểu trong khi BĐS dường như phổ thông. Từ đây hình thành tâm lý buộc người dân mua đất để giữ tài sản. Yếu tố vĩ mô này là chung cả nước nhưng vì sao các địa phương khác BĐS không sôi động mà chỉ riêng Đà Nẵng? Ông Sinh cho rằng do Đà Nẵng được định vị là thành phố lớn thứ 3 cả nước, được đầu tư nguồn lực phát triển mạnh mẽ. Thời gian qua nhiều sự kiện quốc tế lớn diễn ra ở Đà Nẵng, thêm vào đó các chỉ số về năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế, đầu tư hạ tầng... Đà Nẵng luôn dẫn đầu. Tất cả các yếu tố này tạo sự an tâm, tin tưởng cho khách khi đầu tư vào BĐS Đà Nẵng. Họ kỳ vọng trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ đuổi kịp TPHCM về quy mô, lúc đó đất sẽ rất có giá.

Ngân hàng đang siết chặt cho vay mua BĐS, nhưng do nhu cầu thực tế cao, vốn đổ vào đất không phải “ảo” do vậy việc bị “thổi” giá, vỡ bong bóng BĐS ở Đà Nẵng khó xảy ra.

 Giá đất khu Hòa Hải đã tăng gấp đôi so với thời điểm này năm trước.

“Lạnh” căn hộ

Có khoảng 10 dự án cao ốc đã và đang rao bán với tổng số hơn 8.000 căn hộ. Giá căn hộ thấp nhất là 15 triệu đồng/m2 và cao nhất là 35 triệu đồng/m2. Cụ thể Azura 35 triệu đồng/m2, Đà Nẵng Plaza 27 triệu đồng/m2, HAGL 14,2 triệu đồng/m2... Đây là mức giá đứng im khá dài trong khi giá đất nền liên tục biến động tăng. Tuy vậy, sức mua căn hộ khá thấp, chỉ khoảng 20% trong tổng số hơn 8.000 căn hộ đã được bán. Theo ông Sinh, căn hộ khó bán ngoài việc cung vượt quá cầu còn do các yếu tố về tính thực tế, tâm lý, văn hóa ở chung cư của người dân chưa cao. Thường các căn hộ bán trên giấy trước khi hoàn thành trong khi tâm lý dân miền Trung muốn ăn chắc mặc bền. Mặt khác quỹ đất Đà Nẵng còn nhiều, bỏ ra 3 tỷ đồng để mua một căn hộ, trong khi với số tiền đó họ hoàn toàn có thể mua đất làm nhà được, nên chọn mua đất nền. Với thực tế này, trong khoảng 5 năm nữa may ra thị trường căn hộ Đà Nẵng mới có thể cạnh tranh được đất nền.

Dù căn hộ tiêu thụ chậm nhưng vì sao nhà đầu tư (NĐT) vẫn xây? Ông Nguyễn Kim Chiến – GĐ sàn giao dịch BĐS EVN Centrer cho biết do họ đã lên kế hoạch tài chính trước, đó là nguồn quỹ đầu tư cần phải giải ngân đúng thời hạn. Thế nên, dù nhu cầu thực tế chưa có, họ vẫn xây dựng. Bởi nếu để vài năm nữa, lúc đó giá vật liệu, chi phí đội lên buộc họ phải tăng đầu tư, điều chỉnh giá căn hộ tăng lên và việc bán hàng sẽ càng khó hơn.

Tình trạng tương tự với các biệt thự ven biển. Hiện có 7 dự án lớn đầu tư biệt thự bán và cho thuê từ Furama trở về Non Nước với ước tính khoảng 1.000 căn biệt thự. Đây là phân khúc đặc biệt và dường như chẳng ảnh hưởng gì đến việc tăng giảm của thị trường BĐS Đà Nẵng. Bởi phần đa các dự án này của nước ngoài, chào hàng bán ở nước ngoài. Những NĐT vào đây đều có tiềm lực tài chính mạnh, họ tính kế hoạch dài hơi và hiệu quả cả 10 năm sau. Còn hiện tại, điều nhận thấy rõ nhất là “bội thực” và không có người mua. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, có thể trong 10 năm tới du lịch VN phát triển mạnh, nhu cầu thuê biệt thự ven biển nghỉ dưỡng sẽ rất lớn và các NĐT muốn xây dựng đón đầu từ bây giờ. Quãng thời gian còn lại để họ chuyên nghiệp hóa nhân lực, hệ thống dịch vụ... Các biệt thự này sẽ được chào bán sau đó chủ đầu tư thuê lại để phục vụ kinh doanh nghỉ dưỡng. Bởi các đối tượng mua biệt thự này thường ở nước ngoài, mỗi năm chỉ cần vài chục ngày tới nghỉ dưỡng, thời gian còn lại để không. Do vậy đây là hình thức có lợi cho hai bên.

Hải Hậu

(còn tiếp)

* Chiều 18-4, Chi nhánh Cty TNHH CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam tổ chức họp báo về tình hình thị trường bất động sản quý I-2011 tại địa bàn TP Đà Nẵng. Theo đánh giá của ông Richard Leech,  Giám đốc điều hành cho biết: Trong quý I-2011, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam chịu ảnh hưởng của lạm phát và những  tác động như tăng giá xăng dầu, thắt chặt việc giao dịch USD và vàng miếng trên thị trường… nhưng GDP của Đà Nẵng vẫn giữ được mức tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thị trường bất động sản diễn biến khá sôi động.

Ông Nguyễn Đắc Trung, Trưởng phòng nghiên cứu của CBRE tại Đà Nẵng cho biết: Có khoảng 3.218 lô đất nền được chào bán trên thị trường trong quý I-2011, tăng 24% so với tổng số lượng đất nền được chào bán trong cả năm 2010, tập trung ở 3 khu vực chính: phía tây bắc, khu ven biển phía đông và khu phía nam thành phố. Đây thật sự là cơ hội tốt cho người dân thành phố và địa phương khác đến mua đất.  Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2011 sẽ có khoảng hơn 5.000 lô đất nền sẽ được tiếp tục tung ra.

M.Hằng