“Thị trường đỏ” đốt cháy Ấn Độ
(Cadn.com.vn) - Trong con hẻm chật chội nằm kẹp giữa các bức tường của một bệnh viện công lớn tại New Delhi, Ấn Độ, một người nhà bệnh nhân đang tìm kiếm kẻ môi giới để mua máu.
Một trong những nhân viên bảo vệ bệnh viện hướng dẫn người này tìm người đàn ông một chân. Đó là Rajesh, đang ngồi trên tấm chăn cũ nát bên cạnh quán trà sữa. Người nhà bệnh nhân cho biết, con họ đang bị tai nạn và cần 3 đơn vị máu. “3.000 rupee (48 USD). Tôi sẽ sắp xếp mọi thứ”, Rajesh nói. Bán máu là bất hợp pháp tại Ấn Độ, nhưng một “thị trường đỏ” lớn đang hoạt động ngày càng nhộn nhịp.
Những điều cấm kỵ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định, tất cả các nước cần ít nhất 1% nguồn máu dự trữ. Ấn Độ là nước thường xuyên thiếu hụt máu. Với dân số 1,2 tỷ người, nước này cần 12 triệu đơn vị máu mỗi năm nhưng chỉ có 9 triệu đơn vị được thu gom- thiếu 25%. Vào mùa hè, mức thiếu hụt lên đến 50%, dẫn đến việc vô số những kẻ chuyên bán máu kiếm tiền dựa trên nhu cầu của các bệnh nhân tuyệt vọng.
Rajesh từng là thợ sơn, nhưng sau khi bị mất một chân trong tai nạn và trải qua nhiều tháng điều trị tại bệnh viện, ông nhận ra rằng có thể kiếm tiền hoa hồng bằng cách làm môi giới giữa những kẻ bán máu và những người cần truyền máu. Theo các chuyên gia, Ấn Độ thiếu cơ quan thu gom máu, cùng với những điều cấm kỵ trong việc truyền máu giữa những người có đẳng cấp khác nhau, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng.
Rotary Blood Bank là ngân hàng máu lớn nhất Ấn Độ, song nước này chưa có cơ quan thu gom máu cấp trung ương. Ảnh: BBC |
Bị nhốt để lấy máu
Năm 2008, Hari Kamat, nghệ nhân nghèo từ bang Bihar, được giải cứu cùng với 16 người khác từ “trang trại máu” ở thị trấn Gorakhpur, gần biên giới Nepal.
Các nạn nhân, tất cả đều là người nhập cư nghèo, bị lừa đến một ngôi nhà với lời hứa được làm việc và sau đó bị thuyết phục bán máu với tổng số tiền 7 USD/ đơn vị. Hari và những người khác bị buộc phải cung cấp máu 3 lần mỗi tuần trong khoảng thời gian hơn 2 năm. Hội Chữ thập đỏ cho biết một người chỉ nên cho máu 1 lần trong khoảng 8-12 tuần. Họ không bao giờ được trả số tiền mà họ được hứa hẹn, và chỉ nhận được một khoản tiền tượng trưng.
“Những người này bị nhốt trong lồng, không có đủ thức ăn và máu của họ đã lấy 16 lần trong một tháng”, bà Neha Dixit, người viết lại câu chuyện cho tạp chí Tehelka, cho biết. Máu sau đó được bán cho các bệnh viện địa phương và các ngân hàng máu với giá 18USD/đơn vị - gấp 15 lần so với mức giá của chính phủ.
Rủi ro sức khỏe
Không có thống kê chính thức về thị trường máu bất hợp pháp của Ấn Độ hoặc có bao nhiêu trang trại như vậy được phát hiện. Nhưng nếu tính toán, nhu cầu 3 triệu đơn vị máu, nhân với giá trị đường phố 15USD, có thể thấy thị trường này trị giá khoảng 45 triệu USD.
Tại các khu vực nông thôn, tình hình còn tồi tệ hơn. “Tôi nhìn thấy bệnh nhân được truyền máu trực tiếp từ những kẻ bán máu mà không cần bất kỳ xét nghiệm nào”, bác sĩ JS Arora, Tổng Thư ký Tổ chức phúc lợi xã hội Thalassemia cho biết. Tại nhiều nơi, các ngân hàng máu không được kiểm soát hoặc bệnh nhân tự mua các bịch máu từ những kẻ môi giới hoạt động gần bệnh viện.
Nhóm máu hiếm được bán với giá cao hơn. Điều này đe dọa tính mạng của hàng triệu người. Alok Kumar, 8 tuổi, đến phòng khám từ thiện mỗi sáng chủ nhật. Cậu bé bị bệnh thiếu máu, rối loạn máu di truyền nghiêm trọng buộc phải truyền máu mỗi tháng. Năm ngoái, Alok bị nhiễm viêm gan C từ một lần truyền máu tại bệnh viện công, nơi cậu bé hội đủ điều kiện được chăm sóc miễn phí.
Tổ chức phúc lợi xã hội Thalassemia ước tính 6-8% bệnh nhân bị nhiễm bệnh, bao gồm cả HIV, do truyền máu. Những người bán máu chuyên nghiệp thường là dân nghèo và có nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan và các bệnh khác rất cao.
An Bình
(Theo BBC)