Thợ mộc giữa biển

Thứ bảy, 17/12/2016 13:00

(Cadn.com.vn) - Những năm gần đây, Cam Ranh (Khánh Hòa) ngày càng phát triển loại hình nuôi trồng thủy sản trên biển. Đây là nơi cung cấp thủy sản cho nhiều địa phương lân cận. Thậm chí có những thời điểm mặt hàng thủy sản nơi đây “cháy hàng”. Vì vậy, từ năm 2005,  nhu cầu dựng nhà chòi trên biển của người dân ngày càng tăng. Tuy nhiên, không phải bất cứ người thợ mộc nào cũng có thể dựng nhà gỗ dưới nước. Chúng tôi tìm đến tổ dân phố Hòa Do 4, P.Cam Phúc Bắc (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) để theo chân anh Vy Thanh Đông (1977) nhận làm nhà nuôi trồng thủy sản trên biển. Hôm nay, có người thuê làm nhà chòi nên anh tranh thủ ra thăm chòi nuôi rau câu chân vịt (rong sụn) của mình trước khi gọi anh em cùng đi làm. Biển Cồn Chim cách sau nhà anh Đông khoảng 1 km đi bộ.

Vừa đi anh vừa kể cho chúng tôi về cái nghề đặc biệt mà anh đã gắn bó gần 10 năm nay. Đến sát bờ biển, xuất hiện trước mắt chúng tôi là nhiều căn nhà chòi gỗ dựng trên mặt biển. Đây là vùng biển chuyên nuôi rau câu kết hợp nuôi sò của người dân Cam Phúc Bắc. Anh Đông cho biết: “ Ở đây nằm trong vùng vịnh nên nước không sâu lắm, ra tận tít ngoài xa nước cũng chỉ tới lồng ngực, người dân vừa nuôi rau câu vừa nuôi sò để tăng thu nhập. Trước tình hình trộm sò và rau câu ngày càng phức tạp, bà con thuê tui dựng nhà gỗ kiên cố, để vừa tiện phơi rau câu khi thu hoạch, vừa giữ sò tránh xa tầm tay kẻ gian”.

Anh Vy Thanh Đông

Với chiếc xuồng nhỏ và 2 tay chèo, anh Đông đưa chúng tôi đi qua cả trăm ngôi nhà gỗ dưới nước. Mặt biển được phân lô và ngăn ra thành nhiều “khu vườn” trên nước, rào chắn bằng cọc tiêu và lưới làm thành những khu nuôi trồng riêng lẻ. Cũng có đường thủy riêng cho xuồng đi lại, chỉ có ở những vùng biển đặc thù về nuôi trồng thủy sản ven bờ mới có. Sau hơn 10 phút lênh đênh sóng nước, chúng tôi đã đến căn nhà chòi gỗ anh vừa làm xong cho khách. Dàn cọc chi chít dựng dưới nước, ước tính cũng gần cả trăm cái trụ, sàn nhà được làm bằng tre lồ ô xiết chặt lại. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết ngôi nhà gỗ này chỉ một mình anh làm. Neo xuồng sát nhà, chúng tôi leo lên bậc thang gỗ lên nền nhà bằng tre lồ ô nhưng rất chắc chắn...

Anh Đông cho biết, công việc dựng nhà trên mặt nước vất vả và khó khăn hơn so với dựng nhà gỗ trên đất liền. Sau khi nhận việc, anh phải tính toán chi li số lượng vật liệu, chuyển ra nơi cần dựng nhà bằng bè lớn. Nhóm anh thường có thêm 2 người thợ nữa, phân công mỗi người mỗi công đoạn. Người thì đảm nhiệm công việc đào trụ dưới nước, người kết sàn nhà, người lợp mái nhà... Cái khó của nghề là người thợ phải làm sao nắm bắt được mực nước khi thủy triều lên xuống, làm chủ được độ sâu, nông của những lỗ được đào dưới cát để chôn trụ. Bên cạnh đó, làm cách nào để trụ ngâm dưới nước biển không bị mục nhanh, chống lại sự ăn mòn của con hà. Xác định vị trí để đào lỗ dựng trụ xong, người thợ dùng máy thở, lặn sát dưới đáy biển để đào nhưng thao tác phải thật nhanh để không bị cát và nước lấp lại. Số lỗ đào tùy thuộc vào diện tích căn nhà gỗ, trung bình số lỗ anh đào từ 30 – 60 lỗ. Ngâm mình, lặn dưới nước từ sáng đến gần chiều, người thợ mới hoàn thành xong công đoạn đầu tiên...“Những năm đầu mày mò vào nghề, khi ấy cả nhóm 3 người tôi cùng hợp lực dựng 1 nhà còn thấy không xuể. Giờ đây, sau bao năm kinh nghiệm, mỗi người đều có thể một mình dựng nhà trên mặt nước. Làm miết, quen tay rồi thì cái khó nó cũng thấy bình thường lắm”, anh Đông nói...

Sàn nhà rộng dùng để phơi rau câu được làm bằng tre lồ ô chắc chắn. 

Đứng giữa biển mênh mông sóng gió, anh Đông kể về nghề, về cuộc sống của người thợ. Anh bảo, những năm trước, nhất là thời điểm khi nghề nuôi trồng thủy sản ở Cam Ranh mới nở rộ, anh  cùng người em rể và một người bạn lập nhóm dựng nhà trên biển.   Công việc lúc ấy làm không ngớt, thu nhập cũng ổn định. Càng ngày số nhà trong vịnh biển cũng đã lấp đầy diện tích có thể nuôi trồng nên công việc thưa dần. Mùa khô, còn có thu nhập nhưng mùa mưa thì thợ phải thất nghiệp, phải làm nghề khác để kiếm sống.

Gia đình anh có 4 người, từ nhỏ được bố dẫn từ Phú Yên vô Cam Ranh sinh sống. Mãi lo làm ăn, gần 40 tuổi anh mới cưới vợ, sắp sinh em bé. Mình anh làm nghề nuôi cha mẹ già và lo cho gia đình nhỏ nên cuộc sống cũng khá vất vả. Nhiều lần anh cũng định bỏ nghề, kiếm việc khác thu nhập ổn định hơn, nhưng khi có bà con nhờ dựng nhà chòi, anh lại không nỡ từ chối. “Hai anh bạn tui bận đi làm việc khác, giờ khách nhờ tui, tui không làm thì ở đây cũng không có ai làm được. Cũng toàn là bà con thân thuộc nhờ. Tui không làm thì thấy áy náy quá!”, anh Đông chia sẻ. Rồi anh vui vẻ: “Công việc có cực nhọc vậy, nhưng tui cũng có được niềm vui riêng khi nhìn những căn nhà hoàn thành vững chắc giữa sóng gió, qua bao nắng mưa, cùng ngư dân bám biển, giúp người dân nuôi sò, rau câu để ổn định cuộc sống”.

 Cao Nguyên – Tiêu Dao